Bình Dương với quyết tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo định hướng thành phố đổi mới sáng tạo
Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
1. Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Để triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2513/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, các trường đại học và doanh nghiệp; đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Tại Bình Dương, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ là việc thực hiện các nội dung của Đề án 844 mà nó còn nằm trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chính quyền tỉnh đã xác định, để thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất công nghiệp toàn cầu thì cần phải tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ và các doanh nghiệp đổi mới phát triển. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngày 21/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án thành phố thông minh Bình Dương tại Quyết định số 3206/QĐ-UBND. Mục tiêu chính của Đề án là xây dựng kinh tế - xã hội phát triển Bình Dương thành thành phố thông minh, đáng sống; đem lại sự thịnh vượng và đời sống tốt đẹp hơn cho người dân, tạo môi trường thuận lợi và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Đề án tập trung vào 4 lĩnh vực: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng; với 5 trọng tâm chính gồm triển khai mô hình ba nhà, thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương và nâng cao tinh thần khởi nghiệp. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Đề án là việc mở các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlab), thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có thể tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế.
2. Một số hoạt động thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Đến thời điểm hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai rất nhiều hoạt động tiền đề, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương như tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong cả nước; tổ chức chương trình tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành; đoàn viên thanh niên; sinh viên, giảng viên các trường đại học; tổ chức tọa đàm để tham khảo ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Dương; thành lập các phòng thí nghiệm chế tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích cung cấp môi trường, công cụ để các bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội chế tạo các sản phẩm thử nghiệm. Ngoài ra, Sở còn thực hiện rất nhiều các hoạt động khác như thúc đẩy truyền thông về khởi nghiệp thông qua phát sóng chương trình Hành trang khởi nghiệp hàng tuần trên đài truyền hình; lập đề án xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp.... Để kịp thời áp dụng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đang chủ trì tham mưu xây dựng chính sách trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới.
Hình 1. Tọa đàm chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Dương năm 2018
3. Sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (Binh Duong Innovation Center)
Để sớm hiện thực hóa các chính sách, chủ trương hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và Đề án Thành phố thông minh, ngày 19/3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án “Thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương” (tại Quyết định số 708/QĐ-UBND).
Trung tâm là không gian tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển các sáng kiến phục vụ thành phố thông minh, do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành.
Trung tâm sẽ cung cấp không gian, tiện ích, các chương trình đào tạo và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học công nghệ; phát triển sáng kiến cộng đồng và các thử nghiệm thực tế gắn liền với phát triển thành phố thông minh.
Hiện nay Trung tâm đang trong giai đoạn cải tạo, sửa chữa về cơ sở vật chất, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 với rất nhiều chương trình, sự kiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm (1) các cá nhân, tổ chức có ý tưởng khởi nghiệp, (2) các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu kết nối với cố vấn, nhà đầu tư và quỹ đầu tư; hoàn thiện và phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm trên thị trường và phát triển thị trường quốc tế; (3) các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh có nhu cầu được hỗ trợ về thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, báo cáo thuế, nâng cao năng lực quản trị… (4) các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu nghiên cứu, phát triển, đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một số không gian hỗ trợ tại Trung tâm gồm: Không gian dùng chung cung cấp chỗ ngồi và tiện ích miễn phí cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp; phòng thí nghiệm chế tạo Fablab cung cấp máy móc thiết bị để tạo các sản phẩm thử nghiệm; không gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh các vấn đề về thủ tục thành lập, thuế, hải quan,… không gian sách, tra cứu sở hữu trí tuệ với các đầu sách về công nghệ, liên quan đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm; không gian tra cứu sở hữu trí tuệ giúp các nhóm tìm hiểu các nghiên cứu, sáng chế, giải pháp đã được thực hiện trong và ngoài nước; không gian đào tạo và tổ chức sự kiện chuyên phục vụ các chương trình đào tạo, tập huấn, sự kiện, hội nghị, hội thảo có liên quan đến bốn nhóm hoạt động chính của Trung tâm.
Với nhiều tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, Bình Dương hy vọng sớm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững, trở thành một trong những điềm đến hấp dẫn cho các startups và nhà đầu tư trong thời gian tới.