Các đề tài, dự án gắn với thực tiễn
Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế trên mọi lĩnh vực, trong thời gian qua Sở KH&CN đã triển khai nhiều đề tài, dự án gắn với thực tiễn hoạt động của địa phương, cơ sở và đã đạt được những kết quả khả quan.
“Sát” với thực tiễn
Thực hiện Chương trình hành động số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Dương về Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, trong giai đoạn 2011 - 2016, đã triển khai mới 58 nhiệm vụ, đánh giá nghiệm thu 104 nhiệm vụ, trong đó năm 2016 có 10 nhiệm vụ được tuyển chọn.
Nhìn chung các đề tài, dự án được thông qua đều có tính ứng dụng cao, gắn liền với thực tiễn của địa phương, của cơ sở, trong đó có nhiều đề tài, dự án phát huy hiệu quả cao như đề tài Ứng dụng GIS xây dựng mô hình quản lý hạ tầng mạng viễn thông tỉnh Bình Dương; đề tài Áp dụng hệ thống GIS vào quản lý đô thị tại thành phố Thủ Dầu Một; dự án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện Phú Giáo; dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan tại huyện Bàu Bàng…
Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, các nhiệm vụ KH&CN được triển khai theo hướng ứng dụng là chính, tập trung giải quyết nhiệm vụ bức xúc của các ngành, doanh nghiệp, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sở KH&CN cũng thực hiện áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhằm chọn những đề tài, nhiệm vụ có tính ứng dụng cao và có sự cam kết sử dụng kết quả được tạo ra khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành.
Mang lại hiệu quả
- Tại xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng), việc thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan đã phát huy hiệu quả, từ quy mô 5,3ha thử nghiệm nay đã tăng lên 12ha. Ông Lê Hoàng Châu (hộ tham gia Dự án) cho biết, là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án, lúc đầu còn gặp một số khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của Sở KH&CN và cùng với kinh nghiệm trong nhiều năm trồng cây ăn trái nên việc trồng ổi lê giờ đã có hiệu quả, hiện tại, 01 ha năng suất đạt hơn 40 tấn, lúc mới triển khai chỉ đạt 04 tấn. Đây là giống ổi có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 04 tháng), cho ra trái quanh năm nên phần nào tăng thêm thu nhập cho người dân.
- Từ khi triển khai Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh” thì công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện Phú Giáo đã có bước chuyển biến tích cực, thời gian khám chữa bệnh cho người dân giảm xuống đáng kể, tránh được việc chờ đợi kéo dài như trước đây. Đồng thời, sự liên thông thông tin của bệnh nhân giữa các phòng, ban được diễn ra theo thời gian thực nên việc giải quyết từ chuẩn đoán bệnh, viện phí, phát thuốc rất thuận lợi.
- Qua Dự án "Nhân rộng mô hình điểm truy cập thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh” đã phát huy hiệu quả, giúp cho nông dân được tiếp cận với các kiến thức mới từ internet và áp dụng vào sản xuất. Anh Huỳnh Văn Mười (khu phố Đông, thị xã Thuận An) chia sẻ, lần đầu đụng đến cái máy tính lóng nga lóng ngóng lắm, chả biết cái gì hết, qua sự hướng dẫn của cán bộ Sở KH&CN và Hội nông dân phường thì cũng biết lên internet kiếm thông tin, cái gì không biết thì tra “Google” là có hết. Từ khi biết sử dụng máy tính thì việc chăn nuôi thỏ của gia đình khá lên, nhiều khi thỏ bị bệnh, lên internet tìm hiểu thông tin rồi tui đi mua thuốc và tự tiêm thuốc cho thỏ luôn, đỡ phiền cán bộ thú y.
Hoàng Đăng