Cần có giải pháp bảo vệ các công trình đo đạc
Hoạt động đo đạc và bản đồ là các hoạt động nhằm tạo ra các công trình, sản phẩm đo đạc bản đồ để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau ở các ngành và các địa phương. Vì thế việc giữ gìn, bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý là còn là nhiệm vụ chung của các tổ chức cá nhân nơi có các công trình xây dựng đo đạc. Thực tế thì không phải ai cũng hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các công trình xây dựng đo đạc, vì thế việc quan tâm bảo vệ các công trình này từ phía người dân vẫn còn hạn chế.
Đo đạc là lĩnh vực hoạt động khoa học kỹ thuật sử dụng các thiết bị thu nhận thông tin và dữ liệu từ quá trình đo đạc, khảo sát thực địa để biểu thị bề mặt trái đất dưới dạng mô hình thu nhỏ bằng hệ thống ký hiệu và màu sắc theo các quy tắc toán học nhất định. Công trình xây dựng đo đạc bao gồm trạm quan trắc cố định, điểm gốc đo đạc quốc gia, dấu mốc của các điểm thuộc hệ thống điểm đo đạc cơ sở hay còn gọi là mốc địa chính cơ cở hạng 3, cơ sở kiểm định tham số của thiết bị đo đạc hay còn gọi mà mốc địa chính. Những dấu mốc này chứa các toạ độ, độ cao... nên chúng có vai trò rất quan trọng trong việc thành lập các bản đồ địa chính, đường xá, đê điều… Tại Bình Dương, có hơn 100 mốc địa chính cơ sở hạng 3 nhưng hiện nay đã bị xâm hại trên 10 mốc. Và hiện nay chỉ còn hơn 425 mốc địa chính so với tổng số 800 mốc địa chính mà Bình Dương đã xây dựng.
Đo đạc dựa trên mốc tọa độ địa chính
Những số liệu của các dấu mốc địa chính cơ sở hạng 3 và các dấu mốc địa chính có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu những dấu mốc này bị nghiêng hay bị xâm hại thì khi thực hiện đo đạc chúng sẽ cho ra những kết quả không chính xác từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các công trình xây dựng. Theo quy định, các tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc; không được hủy hoại hoặc cản trở việc khai thác sử dụng các công trình xây dựng đo đạc. Khi phát hiện công trình xây dựng đo đạc có khả năng bị xâm hại hoặc bị xâm hại thì phải báo ngay cho UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng đo đạc biết để có biện pháp phòng ngừa theo thẩm quyền. Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều công trình xây dựng đo đạc bị xâm hại nhưng chính quyền địa phương và cơ quan quản lý vẫn không hay biết.
Các dấu mốc địa chính cơ sở hạng 3 là những viên sứ nhỏ được bảo vệ bằng 1 khung bê tông khá vững chắc. Mốc địa chính cơ sở hạng 3 mang số hiệu 646692 tọa lạc ngay cổng khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1. Mốc toạ độ này được khắc những dòng cảnh báo chống xâm hại nhưng do nó nằm sát mặt đất nên cũng ít người chú ý đến. Vì thế, nó đã nhiều lần bị xâm hại từ sự thiếu ý thức của người dân, Ông Trần Đức Thuận - Trưởng phòng Đo đạc Bản đồ - Chi cục Quản lý Đất đai Bình Dương cho biết.
Mặc dù hiện nay nhiều đơn vị đo đạc đã sử dụng công nghệ GPS trong việc thành lập bản đồ địa chính. Điều này sẽ khắc phục được những hạn chế do mất các dấu mốc địa chính cơ sở hạng 3 và các dấu mốc địa chính. Tuy nhiên khi những dấu mốc này bị xâm hại càng nhiều thì độ sai lệch của các số liệu càng cao. Do đó việc đưa ra các giải pháp bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc là điều hết sức cần thiết. Trong đó điều quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức cá nhân trong việc tham gia bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc.
Bình Dương đang có tốc độ đô thị hoá rất cao,và nhu cầu xây dựng các công trình như đường giao thông, thành lập các khu đô thị mới rất lớn. Để có những số liệu để phục vụ cho các công trình này đòi hỏi những thông tin đo đạc phải chính xác. Vì thế các cơ quan quản lý cần nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các công trình đo đạc. Điều này cũng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng và an toàn.
Khải Minh