Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2019: Tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%
Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019. Chỉ số TMĐT được VECOM xây dựng từ năm 2012, đây là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước, ở các cấp từ Trung ương, địa phương, đến đông đảo các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời cũng gợi mở nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.
Chỉ số TMĐT năm 2019 được đánh giá theo 4 nhóm tiêu chí: Nguồn nhân lực và hạ tầng ICT (sử dụng email và các công cụ hỗ trợ trong công việc, lao động chuyên trách về thương mại điện tử, chi phí mua sắm, trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử); giao dịch B2C (website doanh nghiệp, kinh doanh trên mạng xã hội, tham gia các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng di động, các hình thức quảng cáo website và ứng dụng di động), giao dịch B2B (sử dụng các phần mềm quản lý, sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử, nhận đơn đặt hàng và đặt hàng qua các công cụ trực tuyến, tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động và đánh giá hiệu quả của việc bán hàng qua các công cụ trực tuyến) và giao dịch G2B (tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và lợi ích của dịch vụ công trực tuyến).
Tốc độ phát triển nhanh
Về tốc độ tăng trưởng, song song với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.
Về quy mô, tuy chỉ với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD, quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Theo kết quả khảo sát năm nay cho thấy, mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%. Không chỉ có các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, Lazada là sàn thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác. Hàng tháng, sàn này thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, tới tháng 10 năm 2018 có 27 triệu người theo dõi (follows) trên trang Facebook của công ty.
Cũng theo kết quả khảo sát, trên phạm vi cả nước Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Như vậy có thể khẳng định Vietnam Post đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi cả nước.
Trong khi đó, VECOM đã tiến hành khảo sát sâu với 14 doanh nghiệp chuyển phát có mức độ gắn bó khác nhau với thương mại điện tử. Kết quả cho thấy 10 sản phẩm được mua bán trực tuyến phổ biến nhất là: (1) Quần áo, giày dép; (2) Điện tử, điện lạnh; (3) Mẹ và bé; (4) Sách, văn phòng phẩm; (5) Thủ công, mỹ nghệ; (6) Linh phụ kiện; (7) Hoá mỹ phẩm; (8) Đồ nội thất; (9) Thực phẩm, đồ uống; (10) Đồ ăn nhanh. Đáng chú ý là đồ ăn nhanh đã lọt vào nhóm 10 sản phẩm hàng đầu được người bán thuê ngoài dịch vụ chuyển phát. Kết quả này phù hợp với sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Now.vn, GrabFood, Go Viet, Loship, Vietnammm. Tuy xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy một thập kỷ nhưng cạnh tranh khốc liệt tới mức một số thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến mới xuất hiện đã biến mất như Foodpanda, Chonmon.vn, Lala…
Còn nhiều cản trở cho sự bức phá
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
Đối với doanh nghiệp chuyển phát thì khó khăn lớn nhất là tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cao. Ước tính tỷ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%. Có doanh nghiệp phải chịu tỷ lệ này ở mức 26%.
Từ kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp tại các địa phương và những thông tin liên quan, Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho chúng ta thấy rõ khoảng cách số giữa các địa phương chưa có dấu hiệu giảm mà thậm chí vẫn tiếp tục tăng. Từ năm 2015, VECOM đã chủ động đề xuất một số giải pháp và hành động cụ thể nhằm từng bước thu hẹp sự chênh lệch này. Các đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ một số địa phương và hội viên. VECOM sẽ tiếp tục tư vấn, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp phối hợp hành động để thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2019 - 2025.
Bên cạnh đó, chính sách và pháp luật còn thiếu đồng bộ cũng gây cản trở không nhỏ cho việc bức phá TMĐT Việt Nam. Bảo vệ thông tin cá nhân có tầm quan trọng đặc biệt đối với thương mại điện tử. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến. Rõ ràng, nguy cơ bị thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với thương mại điện tử. Người tiêu dùng sẽ chờ đợi những tín hiệu tích cực từ việc thực thi Luật An ninh mạng đối với vấn đề nhức nhối này.
Ngoài ra, đối với các sàn thương mại điện tử, việc pháp luật không chấp nhận hình thức thanh toán rút gọn với các dữ liệu điện tử thay vì chứng từ giấy đã tạo ra nhiều trở ngại cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch trong quá trình thanh toán. Đối với người tiêu dùng, họ không được tiếp cận những sản phẩm tương xứng với giá tiền và quyền được trả hàng khi hàng hóa không đúng như quảng cáo. Việc chỉ cho phép ngân hàng chấp nhận chứng từ giấy theo kiểu truyền thống trong thanh toán quốc tế và không có kết nối dữ liệu là không phù hợp với quá trình hiện đại hóa và tự động hóa trong dịch vụ ngân hàng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Xây dựng chiến lược thu hẹp khoảng cách số
Với mục tiêu đánh giá một cách khách quan về tình hình phát triển thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương, từ năm 2012 Hiệp hội Thương mại điện tử đã xây dựng Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (Vietnam eBusiness Index - EBI). Tới nay, EBI là chỉ số duy nhất được tính toán hàng năm, giúp lượng hoá tình hình phát triển thương mại điện tử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. EBI góp phần vào việc xây dựng chính sách và pháp luật, quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho cộng đồng kinh doanh trực tuyến.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử nhiều năm liên tiếp cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu.
Ước tính Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử. Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, khoảng 70% dân số sống ở nông thôn. Khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.
VECOM nhận định muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến. Đã tới lúc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ để biến các cơ hội của thương mại điện tử thành hiện thực tại mọi địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh việc tuyên truyền để người tiêu dùng ở các địa phương khai thác các lợi ích của mua sắm trực tuyến, yếu tố then chốt là tích cực triển khai các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, thị trấn, thị xã bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên môi trường trực tuyến.
Chỉ số thương mại điện tử các địa phương
Trọng số điểm cho bốn chỉ số thành phần năm nay lần lượt là: Hạ tầng nguồn nhân lực và CNTT (chiếm 20%), giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng B2C (chiếm 35%), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B (chiếm 35%) và chỉ số thành phần giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (chiếm 10%). Các trọng số điểm này phản ánh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại điện tử giai đoạn hiện nay vẫn đang thiên về việc đẩy mạnh giao dịch B2C và giao dịch B2B. Việc bổ sung một số tiêu chí liên quan từ các bộ chỉ số uy tín khác như tên miền, dân số, thu nhập sẽ góp phần phản ảnh tốt hơn thực trạng phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
Năm 2019, Bình Dương tiếp tục đứng ở top 5 cả nước về chỉ số TMĐT với số điểm bình quân là 54 điểm và tăng 3,6 điểm so với năm trước. Đứng thứ 4 là thành phố Đà Nẵng với 57,5 điểm và tăng 3,4 điểm so với năm trước. Hải Phòng đứng thứ 3 với điểm số là 59,6 điểm và tăng 4,7 điểm so với năm trước. Hà Nội đứng thứ 2 với điểm tổng hợp là 84,3 điểm và cao hơn 4,5 điểm so với năm trước và Chỉ số Thương mại điện tử của Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm và tăng 4,7 điểm so với năm 2018.
Biểu đồ các chỉ số thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
Biểu đồ các chỉ số thành phần của Bình Dương
Minh Thu
Nguồn: “báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019” của VECOM