Cơ hội tiếp cận công nghệ qua đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài
Tính đến nay, Bình Dương có 3.009 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 27,9 tỷ USD, đây có thể được coi là “kênh” thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ (CGCN) thông qua việc cấp phép, nhượng quyền, mua bán… hoặc đào tạo lao động. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì việc CGCN qua FDI còn gặp khó khăn, rào cản về mặt chủ quan lẫn khách quan
FDI - “Dòng chảy” công nghệ
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học thì hiện nay công nghệ đã trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Thực thế cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế đến từ việc tăng cường các yếu tố sản xuất hoặc cải tiến công nghệ hoặc sự kết hợp của cả hai là rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, với chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đến tỉnh đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn lớn, có trình độ công nghệ hiện đại như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức… Đây là tiềm năng để nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của tỉnh cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các công nghệ mới thông qua việc CGCN, đào tạo nguồn nhân lực…
Tại Bình Dương, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) thì được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, tập trung vào các ngành như cơ khí, sơn… Và hiện nay, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm cũng đang đầu tư các công nghệ hiện đại như nhuộm khô, dây chuyền dệt tự động…
Trong thời gian qua, Sở KH&CN cũng đã tiếp nhận danh sách xác nhận hợp đồng CGCN từ nước ngoài cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bình Dương như Công ty Thai plastic anh chemicals public co.LTD chuyển giao công nghệ sản xuất hạt nhựa PVC Compound cho Công ty TNHH Liên doanh Việt Thái Plastchem với giá trị hợp đồng 306.000 USD; Công ty Jotun A/S chuyển giao công nghệ sản xuất và nhãn hiệu sơn cho Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam với giá trị hợp đồng hơn 23 triệu USD; Công ty TNHH ACE Machinery chuyển giao công nghệ chế tạo máy gấp dán hộp carton cho Công ty TNHH ACE Machinery VINA với giá trị hợp đồng 1,440 triệu USD; Tập đoàn ô tô Mitsubishi chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô hiệu Mitshubishi (RE model) cho Công ty TNHH ô tô Mitshubishi Việt Nam với giá trị hợp đồng 501.298 USD…
Từng bước xóa bỏ “rào cản”
Với những tiềm năng trong việc tiếp cận, CGCN thông qua FDI là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn một số “rào cản” nhất định. Có thể đề cập đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. CGCN từ nước ngoài vào trong nước còn liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, như theo Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, CGCN tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Các mức xử phạt hành chính nêu trên không có cơ chế bồi thường thiệt hại, vì vậy bên vi phạm sẵn sàng nộp phạt hành chính.
Ngoài ra, các chính sách CGCN còn “phức tạp”, sự hợp tác của các công ty FDI và địa phương trong việc CGCN cũng chưa tốt… Chẳng hạn, theo các quy định về CGCN thì hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ… tuy nhiên hiện nay, Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này.
Theo Sở KH&CN, để đẩy mạnh việc CGCN nói chung và CGCN qua FDI nói riêng, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ đẩy mạnh thúc đẩy việc CGCN thông qua các mối liên kết; tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp thông qua việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề; tăng cường hoạt động R&D về công nghệ ở địa phương… Và kiến nghị rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo tính thực thi đối với hoạt động CGCN; điều chỉnh, sửa đổi các chính sách hỗ trợ trong hoạt động CGCN…
Nhung Phạm