Vai trò của trí thức cách mạng công nghiệp 4.0
PGS. TS. Nguyễn Anh Thi,
Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM
I. Tổng quan về cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu khi nào?
Khái niệm “Công nghiệp 4.01” được sử dụng lần đầu năm 2011 tại hội chợ Hannover, hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp được tổ chức thường niên tại Đức. Năm 2012, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được đề cập trong một tài liệu đệ trình cho Chính phủ liên bang Đức tổng hợp các khuyến nghị để triển khai sáng kiến chiến lược CÔNG NGHIỆP 4.02 nhằm đảm bảo cho tương lai của ngành công nghiệp chế tạo của Đức do Nhóm công tác công nghiệp 4.0 thực hiện với sự tài trợ của Bộ Giáo dục và Khoa học liên bang.
Khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ 43 ”được đề cập lần đầu tiên và cũng là chủ đề của Diễn đàn kinh tế lần thứ 46 tổ chức ngày 20/01/2016 tại thành phố Davos-Klosters, Thụy sỹ. Tuy vậy, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã bắt đầu được “cảm nhận”, đặc biệt là tại những nước phát triển vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, CMCN 4.0 không gắn với sự ra đời của một công nghệ nào cụ thể mà là kết quả của sự hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó trọng tâm là công nghệ nano4, công nghệ sinh học5 và công nghệ thông tin - truyền thông6. Minh chứng sinh động cho sự hội tụ của các công nghệ này và những tiến bộ mang tính cách mạng mà chúng mang lại được thể hiện qua dự án đầy tham vọng có tên gọi NEURALINK7 do tỉ phú người Mỹ tài trợ nhằm kết nối não người với máy tính để tạo ra một siêu trí tuệ vượt trội so với trí tuệ con người. Nhà tương lai học, doanh nhân và tác giả người Mỹ Raymond Kurzweil dự báo đến năm 2030, các rô-bốt có kích thước nano được cấy ghép vào bộ não người sẽ làm cho con người có năng lực của Chúa8 . Nếu dự báo của Raymond Kurzweil là đúng, nếu dự án tham vọng NEURALINK của Elon Musk thành công thì viễn cảnh loài người “bị thống trị” bởi rô-bốt có nguy cơ trở thành hiện thực nếu như sự tiến bộ của công nghệ không được sử dụng đúng cách.
Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0?
Bản chất của CMCN 4.0 là sự hình thành của thế giới số9 , vốn dĩ là sự phản ảnh sinh động, tồn tại song song với thế giới vật lý10. Sự kết nối giữa hai thế giới vật lý và thế giới số tạo ra những tác động “mang tính cách mạng” trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của loài người. Số hóa11 và dữ liệu hóa12 ngày nay không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà làm thay đổi một cách căn bản mô hình kinh doanh của doanh nghiệp13 . Trong thời đại của CMCN 4.0, toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn, sự thay đổi diễn ra với phạm vi, cường độ và tốc độ lớn hơn và khó dự báo hơn, các ngành công nghiệp được định hình 14 lại xoay quanh các nhu cầu của con người, vì lợi ích và vì mục tiêu tối thượng là hạnh phúc của con người. Đặc biệt, “tiêu chuẩn hóa15 ” sẽ được thay thế bằng “cá nhân hóa16 ” trong thời đại của CMCN 4.0. Trong ngành công nghiệp chế tạo, những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ in 3D dẫn đến việc sản xuất loạt nhỏ/đơn chiết theo yêu cầu của từng nhóm khách hàng/khách hàng17 trở nên khả thi. Trong giáo dục, phương thức giáo dục chung cho mọi người18 được thay thế bằng học tập cá nhân hóa19 vốn dĩ trở nên khả thi nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.
Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0?
Trên phương diện vĩ mô, ứng dụng thành công các tiến bộ của CMCN 4.0 sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Trên phương diện vi mô, CMCN 4.0 dẫn đến sự định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ và do đó mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam “chen chân” vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới. Nắm bắt được các thời cơ do CMCN 4.0 mang lại có thể giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách, thậm chí bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, chậm trong hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư và kinh doanh; tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới; chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp mới… sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam “lỡ hẹn” với các cơ hội của cuộc CMCN 4.0, và tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế, tiềm lực an ninh, quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền số20 so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
II. Vai trò của trí thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trí thức, tầng lớp trí thức
“Trí thức” là một từ do ông cha ta (giới Tây học) sáng tạo ra để chuyển ngữ từ “intellectuel21 ” trong tiếng Pháp, được sử dụng lần đầu tiên như là một danh từ trong bài báo Tuyên ngôn của trí thức (Manifeste des Intellectuels) đăng trên báo l’Aurore năm 190622 dùng để chỉ những người không chỉ có học vấn hay chuyên môn cao (tương đối và tùy vào từng giai đoạn lịch sử khác nhau) mà trên hết biết quan tâm và có chính kiến trước các vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Với ý nghĩa đó, có thể nói thiên chức/sứ mạng/vai trò của trí thức bao gồm: (1) tiếp thu, phát kiến và truyền bá tri thức23 ; (2) phản biện mang tính xây dựng các vấn đề của xã hội. Một “người có học” nhưng chỉ làm tốt việc tiếp thu, phát kiến và truyền bá tri thức và “phớt lờ” các vấn để nóng bỏng của xã hội thì chỉ có thể được gọi là một “tri thức nửa mùa” hay thông dụng là “người lao động trí óc24 ”. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp vai trò của người lao động trí óc, sẽ được bàn luận chi tiết hơn ở phần sau mà là nhằm đặt trí thức, lực lượng tinh hoa của xã hội ở đúng vị trí uy nghiêm của nó.
“Tầng lớp trí thức” là một lực lượng tri thức quy tụ lại (chủ yếu thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp xã hội độc lập về mặt tư tưởng, không chịu chi phối của một ý thức hệ nào cụ thể, xuất hiện lần đầu tiên tại Nga ở nữa đầu thế kỷ 19. Theo GS. Chu Hảo25 thì tại Việt Nam, chỉ tồn tại một tầng lớp trí thức đúng với nghĩa như trên trong một giai đoạn ngắn ngủi từ đầu đến giữa thế kỷ thứ 20.
Quan điểm trên về tri thức và tầng lớp tri thức là quan điểm phổ quát của xã hội cận, hiện đại.
Người lao động trí óc
Khái niệm “người lao động trí óc” được sử dụng lần đầu tiên bởi Peter Drucker trong cuốn sách Các điểm đến của ngày mai26 (1956). Ông cho rằng “Tài sản quý nhất trong thế kỷ 21 của các tổ chức, kinh doanh hay phi kinh doanh, là người lao động trí óc và năng suất của họ”. Đúng như tiên đoán của Peter Drucker, thế kỷ 21 bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là thời đại tri thức27 trong đó vai trò của lực lượng lao động trí óc là đặc biệt quan trọng. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông, ngày nay máy móc, robot gần như có thể làm được tất cả những gì “con người” làm, ngoại trừ việc “làm người”. Như vậy, để không bị thay thế bởi máy móc, robot trong kỷ nguyên tri thức, con người cần phải nâng cao năng lực làm người, chí ít là đạt được các chuẩn mực của “người lao động trí óc” và xa hơn là phấn đấu trở thành người trí thức đúng nghĩa, tầng lớp tinh hoa của xã hội.
Lưu ý rằng khái niệm người lao động trí óc của Peter Drucker hẹp hơn và thấp hơn khái niệm trí thức nêu trên.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước định nghĩa: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Nghị quyết nêu việc “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xóa bỏ coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng” như là một trong các nhiệm vụ quan trọng để phát triển đội ngũ tri thức.
Như vậy, có thể nói chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiến tạo những điều kiện thuận lợi nhất để hình thành tầng lớp trí thức đúng theo quan điểm phổ quát của xã hội cận, hiện đại để làm nền tảng phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Vai trò của trí thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Hơn bao giờ hết, lực lượng trí thức, là tinh hoa của xã hội phải là nhân tố tiên phong, nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt xã hội thích ứng và nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần này mang lại, đưa đất nước phát triển, bắt kịp nhóm các nước phát triển trên thế giới. Lịch sử sẽ “tôn vinh” hay “phỉ báng” tầng lớp trí thức Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21 là tùy thuộc vào năng lực tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sau 20 năm thực thi chính sách phát triển công nghiệp đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tỉnh Bình Dương đang đặt cho mình một mục tiêu phấn đấu mới là trở thành một thành phố thông minh . Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bình Dương đã xây dựng một chương trình hành động khá chi tiết nhằm phát triển bốn yếu tố cốt lõi của thành phố thông minh, bao gồm: (1) con người; (2) công nghệ; (3) doanh nghiệp, và; (4) hạ tầng kỹ thuật. Trong bốn yếu tố trên thì yếu tố con người là trước và trên hết. Đương nhiên, phát triển đội ngũ trí thức đông đảo về số lượng, cao về chất lượng (không chỉ là người lao động trí óc mà phải là một trí thức đúng nghĩa) phải là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quyết định thành bại đối với Bình Dương trong giai đoạn mới.
Trí thức Bình Dương trong giai đoạn mới không chỉ ngừng lại ở việc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình (tức tiếp thu, phát kiến, truyền đạt và ứng dụng tri thức) mà còn phải làm tốt thiên chức phản biện mang tính xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trí thức Bình Dương giai đoạn đến cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
1) Chủ động tiếp thu, phát kiến, truyền đạt và ứng dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết các vấn đề cụ thể của địa phương, hướng đến giải quyết các vấn đề của quốc gia, khu vực và toàn cầu;
2) Chủ động nắm bắt, phát huy vai trò tư vấn, phản biện mang tính xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là chiến lược phát triển Bình Dương thành thành phố thông minh;
3) Chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát triển trí thức, đội ngũ tri thức mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
1Industrie 4.0 (tiếng Đức)
2Securing the future of German manufacturing industry: Recommendations for implementing the strategic initiative INDUSTRIE 4.0: Final report of the Industrie 4.0 Working Group
3The Fourth Industrial Revolution
4Nano Technology (NT)
5Biotechnology (BT)
6Information and Communication Technology (ICT)
7http://money.cnn.com/2017/03/28/technology/musk-neuralink-brains-computers-ai/index.html
8http://www.huffingtonpost.com/entry/ray-kurzweil-nanobots-brain-godlike_us_560555a0e4b0af3706dbe1e2
9Digital World
10Physical World
11Digitization
12Datafication
13Digital Transformation
14Transformation
15Standardization
16Individualization
17Customized Manufacturing
18One-size-fits-all
19Personalized Learning
20Digital Governance
21Vốn dĩ là một tính từ
22https://www.baomoi.com/tri-thuc-mot-tu-nhap-noi/c/8085029.epi
23Knowledge
24Knowledge Worker
25http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thu_tim_hieu_tang_lop_tri_thuc_viet_nam.html
26The Landmarks of Tomorrow
27Knowledge Era