Vai trò của trí thức tỉnh Bình Dương trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TS. Nguyễn Quốc Cường
Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương
1. Bối cảnh lịch sử của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Các cuộc cách mạng đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử khi công nghệ mới và những cách nhận thức mới gây ra một sự thay đổi sâu sắc trong các hệ thống kinh tế và các cấu trúc xã hội. Sự thay đổi sâu sắc đầu tiên phải nói đến đó là cuộc cách mạng nông nghiệp - đó là sự chuyển đổi từ kiếm ăn sang trồng trọt - đã xảy ra cách đây khoảng 10.000 năm và đã được thực hiện bởi việc thuần hóa động vật hoang dã thành vật nuôi. Cuộc cách mạng này kết hợp những nỗ lực của cả động vật với con người nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất, vận chuyển và truyền thông. Sau đó, sản xuất lương thực được cải thiện, thúc đẩy tăng dân số và tạo điều kiện cho sự hình thành các khu dân cư đông đúc. Điều này cuối cùng đã dẫn tới sự đô thị hóa và sự gia tăng của các thành phố.
Cuộc cách mạng nông nghiệp được theo sau bởi một loạt các cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào nửa sau của thế kỷ 18, đánh dấu quá trình chuyển đổi từ năng lượng cơ bắp sang cơ học, và phát triển cho đến ngày nay.
- Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên kéo dài từ khoảng năm 1760 đến năm 1840. Khởi đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường và phát minh ra động cơ hơi nước, mở ra thời kỳ sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp này đánh dấu sự chuyển đổi từ nền sản xuất giản đơn, thô sơ, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay sang nền sản xuất công nghiệp, quy mô lớn, cơ giới hóa sản xuất bằng máy móc cơ khí với các loại máy móc như động cơ hơi nước, máy kéo sợi, máy dệt, công nghệ luyện gang thành thép, tàu thủy hơi nước, tàu hỏa chạy bằng hơi nước, máy điện báo.
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi sản xuất hàng loạt được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của điện và các dây chuyền lắp ráp với các tiến bộ khoa học như xe chạy bằng động cơ đốt trong, động cơ diesel, ô tô, máy bay, máy phát điện, máy điện thoại, liên lạc bằng sóng điện từ.
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960. Nó thường được gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số vì được xúc tác bởi sự phát triển của các vi mạch, máy tính lớn (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 70 và 80) và internet (thập niên 90) với những phát minh quan trọng mới trong rất nhiều lĩnh vực như: Vật liệu mới, công cụ sản xuất mới (máy vi tính, hệ thống máy tự động, robot,…), nguồn năng lượng mới (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nguyên tử,…) và đặc biệt là công nghệ thông tin - truyền thông (lưu trữ số hóa, mạng internet, điện thoại di động, …)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) được cho là bắt đầu vào thời điểm chuyển giao của cuối thế kỷ trước và xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số. Nó được đặc trưng bởi internet di động ngày càng nhiều hơn và phổ biến hơn, bởi các cảm biến nhỏ và nhờ trí thông minh nhân tạo. Công nghệ số với các mạng máy tính và phần cứng, phần mềm không có gì là mới mẻ, nhưng so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, chúng đang trở nên phức tạp và tích hợp hơn. Kết quả là dẫn đến sự chuyển đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Tại Đức, có rất nhiều cuộc thảo luận về "Công nghiệp 4.0", một thuật ngữ được đặt ra ở Hannover Fair vào năm 2011 để mô tả làm sao điều này sẽ tạo ra sự cách mạng hóa các tổ chức của chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng cách hình thành "các nhà máy thông minh", cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một thế giới trong đó các hệ thống sản xuất thực và ảo trên toàn cầu hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Điều này cho phép điều chỉnh các sản phẩm ở bất kỳ công đoạn nào theo yêu cầu và tạo ra mô hình vận hành hoàn toàn mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về máy móc và hệ thống được kết nối thông minh mà phạm vi của nó rộng hơn nhiều. Những làn sóng đột phá trong các lĩnh vực khác nhau xảy ra đồng thời, từ trình tự gen tới công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến máy tính lượng tử. Sự kết hợp của các công nghệ này và sự tương tác giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học làm cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản khác với các cuộc cách mạng trước đây.
Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng khuếch tán nhanh hơn và rộng hơn so với các phiên bản trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai vẫn chưa hoàn thiện bởi 17% của thế giới với gần 1,3 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận với điện. Điều này cũng đúng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, trong đó, hơn một nửa dân số thế giới, tức là khoảng 4 tỷ người, phần lớn sống ở các nước đang phát triển và thiếu truy cập internet. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên mất gần 120 năm để lan rộng khắp Châu Âu. Ngược lại, internet tràn ngập khắp thế giới trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
2. Cơ sở của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Rất nhiều các tổ chức đã đưa ra danh sách xếp hạng các công nghệ khác nhau sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những đột phá khoa học và những công nghệ mới đang mở ra trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Sau đây là một vài công nghệ chủ chốt dựa trên các nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện.
2.1. Lĩnh vực vật lý
Có bốn đại diện chính trong lĩnh vực vật lý là: Công nghệ tự lái, Robot cao cấp, Công nghệ in 3D và Vật liệu tiên tiến.
- Công nghệ tự lái ngày càng được đầu tư phát triển. Ngày nay chúng ta có xe ô tô tự lái, thiết bị bay không người lái, máy bay không người lái, tàu thủy không người lái, tàu không người lái... Đại diện tiêu biểu cho sự phát triển của công nghệ tự lái giai đoạn này chính là xe ô tô tự lái.
- Robot là một thiết bị cơ khí được lập trình có thể thực hiện các nhiệm vụ và tương tác với môi trường xung quanh mà không cần đến sự tương tác của con người.
Ngày nay, với sự phát triển của cơ khí chính xác, trí tuệ nhân tạo, cảm biến… các robot đang trở nên tiên tiến hơn. Robot đang ngày càng thích nghi và linh hoạt hơn với thiết kế cấu trúc và chức năng được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp.
- Công nghệ In 3D (3D printing) là công nghệ tạo ra một sản phẩm vật lý bằng cách bồi đắp dần các lớp vật liệu từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước.
- Vật liệu tiên tiến (advanced materials) là khái niệm “dùng để chỉ tất cả những loại vật liệu mới hoặc những loại vật liệu đã biết, nhưng có một hay nhiều tính chất ưu việt thích hợp cho việc ứng dụng thực tế”. Như vậy, vật liệu tiên tiến không nhất thiết phải là vật liệu mới hoàn toàn, có thể là những vật liệu truyền thống, nhưng được chế tạo, gia công bằng những phương pháp đặc biệt nào đó, tạo cho vật liệu có cấu trúc và tính năng vượt trội, có thể ứng dụng được.
2.2. Lĩnh vực sinh học
Công nghệ sinh học nói chung và di truyền nói riêng đã có những bước phát triển quan trọng trong thời gian qua. Công nghệ bộ gen kết hợp những tiến bộ trong khoa học về giải trình tự và thay đổi vật liệu di truyền với các khả năng phân tích dữ liệu lớn nhất đã tạo ra những bước tiến mới.
2.3. Lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông
Có ba đại diện chính là Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Vạn vật kết nối (Internet of things), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).
- Dữ liệu lớn (Big data) là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. Kích cỡ của dữ liệu lớn đang tăng nhanh từng ngày. Thống kê cho thấy, trong hai năm qua, khối lượng dữ liệu trên toàn cầu đã chiếm đến 90% lượng dữ liệu số được tạo ra kể từ khi công nghệ số hóa ra đời. Bốn đặc điểm vượt trội và tối ưu của Dữ liệu lớn là: Dung lượng lớn, cần tốc độ xử lý cao và đa dạng về chủng loại, và giá trị to lớn tiềm ẩn, đặt ra bài toán cho việc xử lý dữ liệu hiệu quả để khai thác tiềm năng của dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn hiện đang là một xu hướng sử dụng các công nghệ lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu lớn nhằm ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và trong các lĩnh vực khác của kinh tế xã hội.
- Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) được hiểu như là một mạng lưới ngày càng lớn các đối tượng vật lý, cho phép các đối tượng này kết nối với Internet, và giao tiếp với các thiết bị và hệ thống khác có khả năng kết nối Internet. Vạn vật kết nối là sự phát triển từ việc sử dụng Internet để kết nối nội dung, đến kết nối dịch vụ (Internet of Services), kết nối mọi người (Internet of People), đến kết nối mọi vật mà trung tâm là việc máy có thể giao tiếp với máy.
- Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là lĩnh vực mô phỏng các quá trình trí tuệ con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm học tập (thu thập các thông tin và quy tắc sử dụng các thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hay xác định), và tự điều chỉnh. Các ứng dụng đặc trưng của trí tuệ nhân tạo bao gồm hệ thống chuyên gia, các hệ thống tự điều khiển, hay các hệ thống tương tác tự động.
3. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa tất cả mọi thứ. Quy mô và phạm vi của sự thay đổi giải thích tại sao sự đột phá và sự đổi mới trở nên rất cấp thiết. Tốc độ đổi mới về mặt phát triển và sự khuếch tán nhanh hơn bao giờ hết.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và đi đôi với đó chính là những thách thức khổng lồ. Điều được quan tâm đặc biệt là sự bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn. Những thách thức do bất bình đẳng gia tăng đang rất khó định lượng vì phần lớn trong chúng ta là người tiêu dùng và người sản xuất nên sự đổi mới và đột phá sẽ có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến mức sống và phúc lợi của chúng ta.
Người tiêu dùng dường như được lợi rất nhiều. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho các sản phẩm và dịch vụ mới tăng lên mà người tiêu dùng gần như không phải mất thêm chi phí. Đặt taxi, tìm chuyến bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc hoặc xem phim - đều thể được thực hiện từ xa. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn ứng dụng đang làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn và trên hết là năng suất hơn. Một thiết bị đơn giản như máy tính bảng mà chúng ta sử dụng để đọc, duyệt và truyền đạt có sức mạnh tương đương 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, trong khi chi phí lưu trữ thông tin là gần bằng không (hiện nay, lưu trữ 1GB với chi phí trung bình không quá 0,03 đô la một năm, so với hơn 10.000 đô la Mỹ cách đây 20 năm).
Những thách thức được tạo ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện chủ yếu ở phía cung - trong thế giới công việc và sản xuất. Trong vài năm qua, phần lớn các nước phát triển và một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc đã trải qua sự suy giảm đáng kể tỷ lệ lao động. Một nửa sự sụt giảm này là do sự suy giảm về giá của hàng đầu tư, vì tiến trình đổi mới buộc các công ty phải thay thế nguồn lao động.
Cuộc cách mạng công nghiệp sẽ mở ra những thay đổi về kinh tế, xã hội và văn hóa mà thật khó có thể hình dung được. Trong đó chủ yếu là tác động đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, chính phủ, xã hội và cá nhân.
Đối với tác động về kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế toàn cầu: GDP, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, thương mại, lạm phát,.... Đáng chú ý nhất là hai khía cạnh: Sự tăng trưởng và việc làm. Công nghiệp 4.0 cho phép mức độ tự do và linh hoạt cao hơn trong quá trình sản xuất. Nó cho phép tạo ra các sản phẩm được “may đo” theo yêu cầu của người dùng với giá cả thấp. Bên cạnh đó, các ngành và lĩnh vực mới sẽ được tạo ra, hệ quả từ việc ranh giới giữa các ngành công nghiệp truyền thống, ranh giới giữa các ứng dụng công nghiệp và phi công nghiệp sẽ bị xóa nhòa. Các công ty cũng sẽ phải tập trung vào việc tiếp cận gần hơn tới người tiêu dùng. Trong Công nghiệp 4.0, hệ thống phân cấp nhà phân phối cũng sẽ thay đổi. Và bên cạnh những công nghệ chiếm ưu thế trong Công nghiệp 4.0 sẽ là công nghệ thông tin - truyền thông, điện tử và robot thì Công nghiệp 4.0 cũng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác như công nghệ sinh học và công nghệ nano. Do đó, nhân lực trong Công nghiệp 4.0 sẽ cần có những kiến thức, kỹ năng đa ngành, cũng như sẽ cần có cả các kỹ năng xã hội và các kỹ năng kỹ thuật.
Công nghiệp 4.0 có bốn tác động chính đối với doanh nghiệp, bao gồm: Sự kỳ vọng của khách hàng; nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới hợp tác; và các hình thức tổ chức và vận hành được chuyển đổi sang mô hình số. Về phía cung, trong nhiều ngành công nghiệp, đang xuất hiện các công nghệ tạo ra những phương thức hoàn toàn mới đáp ứng các nhu cầu hiện tại và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị công nghiệp hiện có. Những thay đổi lớn về phía cầu cũng đang xảy ra, đó là sự tham gia của người tiêu dùng vào giai đoạn đầu của quá trình sản xuất và đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua các thiết bị di động buộc các công ty phải thích nghi với cách mới trong thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Từ đó tạo ra sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, cho phép kết hợp cả cung và cầu để phá vỡ cấu trúc ngành công nghiệp hiện có.
Tác động đối với Chính phủ: Công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới Chính phủ để nêu ý kiến, để cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điều khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các Chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách bị suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.
Tác động đối với xã hội và người dân: Thách thức lớn nhất đối với hầu hết các xã hội là làm thế nào để hấp thụ và đáp ứng được sự hiện đại trong khi vẫn nuôi dưỡng được các giá trị truyền thống. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng tồn tại giữa các xã hội tôn giáo. Nguy cơ lớn nhất đối với sự hợp tác và ổn định toàn cầu có thể đến từ các nhóm cực đoan chống lại sự tiến bộ. Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản sắc của con người và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, phương thức tiêu dùng, thời gian dành cho công việc, giải trí và cách thức phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ.
Tác động đối với thị trường lao động: Công nghiệp 4.0 hướng tới sự phân cực lớn hơn trên thị trường lao động. Việc làm sẽ tăng lên trong các công việc nhận thức và sáng tạo có thu nhập cao và những nghề thủ công có thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các công việc thường xuyên có thu nhập trung bình và lặp đi lặp lại. Khi tự động hóa thay thế cho người lao động trong toàn bộ nền kinh tế có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, quá trình con người được thay thế bằng công nghệ này cũng có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các việc làm được đảm bảo và có thu nhập cao hơn.
Tác động đối với giáo dục: Công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động. Những kỹ năng của người lao động có thể được phân thành 3 nhóm: (1) Các kỹ năng liên quan đến nhận thức; (2) Các kỹ năng về thể chất; và (3) Các kỹ năng về xã hội. Các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình; khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập. Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số. Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử.
Tác động đối với an ninh, quốc phòng: Những công nghệ sản xuất mới cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ, và ngày nay cũng không phải ngoại lệ. Các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia đang ngày càng “lai tạp” về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống với các yếu tố có liên quan trước đó, các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang trở nên ngày càng mong manh. Bức xúc xã hội cũng có thể gia tăng bởi sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin tiêu biểu của truyền thông xã hội.
4. Vai trò của trí thức tỉnh Bình Dương trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Tất cả những thay đổi cơ bản ảnh hưởng đến các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của chúng ta bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là không thể đẩy lùi. Câu hỏi đặt ra cho tất cả các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp không còn là "Tôi có bị tác động không?" mà chính là "Khi nào tôi sẽ bị tác động?” và “Nó sẽ ảnh hưởng đến tôi và tổ chức của tôi như thế nào?".
Một trong những nhân tố quan trọng nhất để Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có thể bắt kịp với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến nó thành cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chính là đội ngũ trí thức - nguồn lực chất lượng cao chủ yếu của đất nước.
Trí thức gồm những người lao động trí óc phức tạp và sáng tạo, có trình độ học vấn đủ để am hiểu và hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực lao động của mình. Sản phẩm lao động trực tiếp nhất của trí thức là những giá trị lý luận, lý thuyết khoa học và những giá trị tinh thần. Những giá trị đó ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng và phát triển trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong mọi thời kỳ lịch sử phát triển của thế giới cũng như của nước ta, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng quyết định trong sáng tạo, truyền bá tri thức, có vai trò vô cùng to lớn trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cũng như vật chất của nhân loại.
Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí thức Bình Dương có một số vai trò quan trọng như sau:
- Tiếp thu và truyền bá tri thức: Đội ngũ trí thức là bộ phận có uy tín lớn cũng như tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội. Trí thức có trình độ học vấn cao, có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận sớm nhất, nhiều nhất, nhanh nhất những thông tin xã hội. Do đó, đội ngũ trí thức cần phải tiếp thu thông tin, tìm hiểu tài liệu từ báo đài, các kênh chính thống trong nước và quốc tế, có sự hiểu biết đầy đủ rõ ràng về cuộc cách mạng lần thứ tư cũng như những thách thức và cơ hội mà nó sẽ mang lại. Bên cạnh đó, trí thức cũng chính là những người nghiên cứu, phân tích để đưa ra dự báo về xu thế phát triển của địa phương mình.
- Không chỉ là việc hiểu đúng, truyền đạt lại mà đội ngũ trí thức cần phải đi đầu trong việc thực hiện vai trò nhiệm vụ của mình trong việc thích ứng với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng, đưa những thành tựu và các phát minh tiên tiến của các quốc gia phát triển về địa phương mình; tham gia gián tiếp và trực tiếp vào quá trình sản xuất hiện đại.
- Tham mưu, đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương, chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của địa phương. Vai trò chính trị, vị trí xã hội, địa vị kinh tế của tầng lớp trí thức ngày càng thay đổi nhanh chóng, họ có tiếng nói và có tầm ảnh hưởng do đó họ không chỉ đứng bên lề mà cần phải trực tiếp tham gia và giữ vai trò quan trọng trong các quyết định quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
- Sáng tạo các giá trị mới, tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng không chỉ phục vụ cho chính địa phương, cho thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường toàn cầu; đưa địa phương hòa vào cùng với sự phát triển chung của thế giới; góp phần thúc đẩy vị thế của địa phương trên tầm quốc tế.
Từ những vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bình Dương cần thiết lập và thúc đẩy những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để trí thức phát huy tối đa khả năng của mình, biến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành cơ hội cho tất cả mọi người./.