Công dụng dược phẩm từ Dương Cam Cúc
Dương cam cúc còn có tên Mẫu cúc, Xuân bạch cúc, Ca mô mi, tên khoa học: Matricaria chamomilla L. hay M. recutita L., Chamomilla recutita L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Là cây thân thảo, sống hàng năm.
Cụm hoa mọc ở ngọn. Hoa thu hoạch vào các ngày nắng ráo, thu xong cần phơi khô hay sấy khô kịp thời để bảo đảm chất lượng. Dương cam cúc có nguồn gốc ở Trung Âu. Cây mọc tự nhiên và được trồng ở nhiều nước như Pháp, Đức và Hungari… để làm thuốc và hương liệu. Dương cam cúc được nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 60, đến năm 1978 trồng thử ở Đà Lạt, sau đưa giống đi trồng ở một số nơi khác. Hiện nay, Đà Lạt vẫn là nơi trồng nhiều Dương cam cúc nhất.
Đây là cây cỏ hàng năm, mùi thơm. Thân mọc đứng, phân nhánh nhiều, cao tới 60 cm, thiết diện hình bầu dục, kích thước 3x2,5 mm, có nhiều sọc màu xanh đậm dọc thân, gần như nhẵn. Lá đơn, mọc so le, dài 3 - 5 cm, rộng 1 - 1,5 cm, cuống lá gần như không có, phiến lá xẻ sâu đến gân lá thành 7 - 8 thùy riêng ở mỗi bên, các thùy này có thể nguyên hoặc xẻ thành 2 - 3 thùy nhỏ với các đoạn hình dải có đầu nhọn như cái gai, mặt trên xanh đậm, nhẵn, mặt dưới xanh nhạt.
Qua nghiên cứu hai cách sơ chế là phơi nắng nhẹ đến khô, đạt độ ẩm khoảng 10% hay sấy ở 60% đến khô đạt độ ẩm trên, nhận thấy: nụ hoa được chế biến theo hai phương pháp đều khô, mùi thơm đặc trưng. Về màu sắc, hoa sơ chế bằng sấy có màu hơi sẫm hơn. Dùng T-test, so sánh hàm lượng % tinh dầu của hai phương pháp này là khác nhau có ý nghĩa thống kê, nghĩa là hàm lượng tinh dầu mất khoảng 8 - 10%. Vì vậy, tốt nhất khi thu hoạch xong nên trải mỏng nụ hoa, phơi trong bóng râm hay nắng nhẹ đạt độ ẩm theo yêu cầu.
Cao Dương cam cúc có hoạt tính hạ sốt, ức chế những vi khuẩn gram dương mạnh hơn so với vi khuẩn gram âm, và ức chế sự nảy mầm bào tử các men, mốc và nấm da thử nghiệm. Trong các thử nghiệm, cao Dương cam cúc và tinh dầu ức chế sự sinh sản của những chất gây viêm da cũng như có tác dụng chống viêm trên lâm sàng, đồng thời có tác dụng làm giảm kích thước của vết thương và làm khô nhanh vết thương. Cao Dương cam cúc trộn trong một kem cơ bản đắp tại chỗ làm giảm viêm da tốt hơn dyocyrtison 0,25%. Kem Dương cam cúc cũng được chứng minh có hiệu quả điều trị eczema các chi tương đương với hydrocortison 0,25%. Cao toàn phần Dương cam cúc và phân đoạn flavonoid rất có hiệu quả làm giảm viêm khi áp dụng tại chỗ.
Ở châu Âu, nước hãm của hoa Dương cam cúc được dùng để uống chữa chứng khó tiêu, đầy hơi và điều trị trạng thái bồn chồn mất ngủ nhẹ do rối loạn thần kinh. Dược liệu cũng được dùng trong các chế phẩm làm dịu và chống ngứa, nhiễm trùng da, dùng để nuôi dưỡng, bảo vệ da nứt nẻ.
Liều dùng: Người lớn: 2 đến 8 nụ hoa chia 3 lần/ ngày; 1 - 4ml cao lỏng 1: 1 trong cồn 45% dùng 3 lần/ ngày. Trẻ em: 2 nụ hoa chia 3 lần/ ngày; cao lỏng (ethanol 45 - 60%) một liều 0,6 - 2ml.
Dùng ngoài: Để đắp hoặc súc miệng, nước hãm 3 - 10% nụ hoa (30 – 100 g/l), cao lỏng 1% hoặc cồn thuốc 5%. Để tắm, nụ hoa 5 g/l. Đối với những chế phẩm bán lỏng: cao nước - cồn tương đương 3 - 10%. Để hít hơi: 6g Dương cam cúc hoặc 0,8g cao cồn trong 1 lít nước nóng. Không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi. Không dùng cho những bệnh nhân nhạy cảm hay dị ứng với những cây họ Cúc.
Các phương pháp chiết xuất tinh dầu: Chiêt xuất bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước; chiết xuất bằng dung môi.
Phương pháp điều chế cao: Điều chế cao bằng phương pháp CO2 siêu tới hạn; ngấm kiệt; đun hồi lưu.
Trần Phước (Nguồn: CESTI)