Công nghệ chế biến cát sạch đầu tiên của Việt Nam
Cát sạch là một trong những yếu tố quan trọng làm cho vữa bê tông và vữa xây tô không bị mao dẫn thấm nước, tường xây tô không ẩm, mốc, giúp nước sơn bền màu, không bong tróc, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng sơn trong suốt thời gian sử dụng, tiết kiệm được chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
Công nghệ sàng lọc, rửa sạch các do ông Võ Tấn Dũng (Công ty TNHH Phan Thành, TP.Cần Thơ) theo đuổi nghiên cứu từ 6 năm qua. Xuất phát từ thực tiễn nhiều năm kinh doanh vật liệu xây dựng và tiếp cận lý thuyết yêu cầu về chất lượng cốt liệu sử dụng cho bê tông mà Giáo trình đào tạo thí nghiệm viên của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) đã khẳng định.
Quá trình làm sạch cát của hệ thống khá đơn giản. Cát lấy từ mỏ về để vào hệ thống sàng lọc, tách tạp chất. Cát sạch được lắng dưới đáy hầm thu, sau đó được phơi trên nền bê tông, thí nghiệm độ sạch và kích cỡ thành phần hạt để xác định chủng loại chất lượng cung cấp theo yêu cầu của khách hàng. Cát thu được qua hệ thống sàng rửa của ông Võ Tấn Dũng là loại cát sạch, vô cơ; tỷ lệ bụi, bùn phèn, sét còn lại không quá 0,8%. Do đây là loại cát sạch, cho nên bê-tông hay vữa dùng loại cát nói trên có chất lượng cao và ổn định.
Ngoài tính năng sàng lọc, rửa sạch cát, thiết bị còn có thể phân loại được nhiều loại sản phẩm cát phục vụ cho sản xuất công nghiệp khác; lượng phù sa, tạp chất hữu cơ tách ra từ cát cũng có thể phục vụ nhu cầu trồng trọt ở các đô thị và trong quá trình vận hành hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên rất thân thiện với môi trường.
Đầu năm 2016, tác giả Võ Tấn Dũng tiếp tục cải tiến thành công thiết bị dây chuyền sàng lọc, tách hạt cát nguyên khai phổ biến có modul 1.2- 1.4mm, đưa ra thị trường sản phẩm cát sạch với tỷ lệ bụi, bùn, sét, hữu cơ dưới 0,5% và nâng modul cát to sạch lên 1.8mm sử dụng cho bê tông, 1.1 – 1.3mm sử dụng cho xây tô và cát mịn dưới 0.7mm sử dụng san lấp.
Sáng chế thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát đoạt giải Nhất - Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ năm 2011; giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 11. Sáng chế này đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải WIPO dành cho giải pháp xuất sắc nhất năm 2011. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã trao bằng Lao động Sáng tạo cho cá nhân tác giả Võ Tấn Dũng. Sản phẩm này đã chính thức được cấp Chứng nhận hợp quy, Dấu chứng nhận hợp quy về cốt liệu cho bê tông và vữa phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2014/BXD.
Hiện nay, ông Dũng đã hợp tác với một công ty tại thành phố Cần Thơ, triển khai xây dựng một nhà máy sàng lọc, rửa sạch cát công suất hơn 1.500m3/ngày và đã có hai đối tác đàm phán, chấp thuận lộ trình hợp tác đầu tư xây dựng hai nhà máy gia công chế biến cát sạch tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu và TP.HCM. Hy vọng, sáng chế này này sẽ chuyển giao công nghệ rộng rãi cho các doanh nghiệp có nhu cầu trong thời gian tới.
Nguyễn Nhi