Công nghệ E-Gap: Quản lý, truy xuất minh mạch và kết nối thị trường nông sản
Hiện nay, ngành hàng sản xuất rau quả, thực phẩm ở nước ta đang ở thời kỳ khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng. Sản phẩm mang mác “an toàn” xuất hiện tràn lan, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn và đâu là sản phẩm thông thường trong khi giá bán các loại sản phẩm tương đương nhau. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap gặp nhiều khó khăn do chưa có công cụ minh bạch hóa sản phẩm, niềm tin của khách hàng không cao, giá bán phụ thuộc thương lái… Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo kiểu đối phó, ghi chép thủ công, khó truy xuất.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng cao. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm để biết được đơn vị cung cấp sản phẩm, chất lượng sản phẩm… Quy trình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành vào năm 2008 với 65 tiêu chí bắt buộc và 10 tiêu chí khuyến cáo. Nếu sản phẩm đạt các tiêu chí theo quy định thí mới được cấp chứng nhận rau quả an toàn.
Để hỗ trợ sản xuất, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, Trung tâm Công nghệ nông nghiệp 4.0, Viện Phát triển công nghệ và giáo dục và Công ty AgriMedia JSC đã được ngân hàng Thế giới và Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng sáng tạo để thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ iMetos và phần mềm hỗ trợ, quản lý sản xuất rau An toàn VietGAP tại Hà Nội”. Kết quả nghiên cứu đã phát triển thành Quy trình điện tử e-VietGap nhằm thay thế quy trình VietGap thủ công trước đây, phục vụ truy xuất nguồn gốc minh bạch địa chỉ, xuất xứ, toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bao bì phục vụ người tiêu dùng.
Năm 2017, được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhóm nghiên cứu đã phát triển, mở rộng phần mềm E-VietGAP thành bộ công nghệ E-GAP hỗ trợ quản lý, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản. Bộ công nghệ E-GAP không chỉ truy xuất, giám sát minh bạch mà còn giúp quản lý hoạt động sản xuất, kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ. Công nghệ này đã thực hành tại nhiều tỉnh như: vải Thanh Hà - hải Dương; thanh long ruột đỏ ở Mai Sơn - Sơn La; xoài, mận hậu, nhãn ở Yên Châu - Sơn La; lúa gạo, rau, cam, bưởi - Hà Tĩnh; rau quả ở Hà Nội.
Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể kiểm tra được xuất xứ sản phẩm, những thông tin như: Cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng… đều được hiển thị đầy đủ. Từ đó, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm được thông tin về nguồn gốc nông sản, từ giống cây trồng đến quy trình chăm sóc, nơi trồng… góp phần tăng uy tín và giá trị cho nông sản của người dân. Giải pháp công nghệ E-GAP có 9 thành phần:
- Nhật ký điện tử: Phần mềm chạy trên hệ điều hành Android, ghi chép lại hình ảnh, chú thích các công việc thực hiện trên sản phẩm đang nuôi trồng. Mọi thông tin công việc sẽ được cập nhật ngay lập tức lên hệ thống cổng truy xuất http://egap.vn để người tiêu dùng, người quản lý có thể xem và theo dõi.
- Website hệ thống quản lý sản xuất dành riêng cho cơ sở sản xuất, giúp theo dõi, thống kê mọi hoạt động đang diễn ra tại cơ sở.
- EGAP hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, công ty thương mại, khuyến nông, tín giám sát được mọi hoạt động của các cơ sở trên địa bàn.
- Phần mềm quản lý in và phát hành tem theo sản lượng thực để đưa thông tin chính xác đến người tiêu dùng.
- Camera trực tuyến: Có độ phân giải cao lắp tại vùng sản xuất, truyền trực tiếp mọi hoạt động lên cổng thông tin.
- Tem truy xuất QR-code eGap: là thành phần quan trọng của bộ công nghệ, có khả năng đáp ứng được nhiều yêu cầu của cơ sở: chống nước, chống làm giả… Tùy từng quy trình sản xuất thì có những loại tem tương ứng như VietGAP, OrganicGAP…
- Cổng thông tin EGAP.VN và kết nối thị trường dành riêng cho từng tỉnh thành về nông nghiệp, truy xuất và giám sát, gồm: thông tin các cơ sở tham gia sử dụng bộ giải pháp công nghệ EGAP; quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh; thông tin sản phẩm được truy xuất khi dùng dùng quét stem QR-code; kết nối thị trường cho các nông sản của cơ sở với cả nước và quốc tế…
- Gói công nghệ phục vụ sản xuất theo Tiêu chuẩn GAP: Công nghệ hữu cơ thế hệ mới, công nghệ thời tiết thông minh iMetos, công nghệ đèn led năng lượng thế hệ mới.
- Phát triển các vùng sản xuất công nghệ cao, xúc tiến thị trường nông sản dựa trên sự tín nhiệm có kiểm soát.
Bộ giải pháp công nghệ e-GAP do Trung tâm Công nghệ nông nghiệp 4.0, Viện Phát triển công nghệ và giáo dục nghiên cứu đã được thử nghiệm thành công tại 4 tỉnh thành, phục vụ quản lý, hỗ trợ công nghệ (thời tiết thông minh, công nghệ hữu cơ thế mới…) cho quá trình sản xuất nông sản an toàn, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ cho phép làm thí điểm để mở rộng.
Nguyễn Nhi