Công nghệ ứng dụng trong xử lý nước thải
Xử lý nước thải đang được thế giới coi là một trong những vấn đề ưu tiên giải quyết hàng đầu. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy 80% nước thải chưa qua xử lý trước khi được thải ra môi trường. “Nước thải” cũng được chọn làm chủ đề cho ngày Nước thế giới 2017.
Tại Việt Nam, những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải liên tục làm nóng dư luận. Trong đó, hơn 60% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Ngay cả ở các khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì hoạt động của các hệ thống này cũng kém hiệu quả. Một số công nghệ ứng dụng xử lý nước thải hiện nay như:
Công nghệ xử lý AAO, Công nghệ này được ứng dụng cho các loại nước thải có tỷ lệ BOD/COD > 0.5, hàm lượng các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học cao. Công nghệ AAO có khả năng xử lý triệt để hàm lượng các chất dinh dưỡng (Nito, photpho) cao. Với đặc điểm vận hành ổn định, dễ dàng công nghệ AAO hứa hẹn là một công nghệ xử lý nước thải ưu việt cho Việt Nam hiện nay.
Công nghệ xử lý nước thải MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor), công nghệ này sẽ làm tăng hiệu quả xử lý BOD, COD gấp 1.5 - 2 lần sao với bể sinh học hiếu khí bình thường. Đặc biệt là khả năng xử lý Nito cao - điều mà các bể sinh học hiếu khí thông thường không có được. Tuy nhiên, trong thực tế các công ty Môi trường thường sử dụng các loại giá thể kém chất lượng, không đem lại hiệu quả như mong đợi mà lại đẩy giá thành xây dựng hệ thống xử lý nên cao.
Công nghệ xử lý màng lọc sinh học (MBR - Membrane Bio-Reactor), được hiểu là bể lọc màng sinh học. Là sự phát triển vượt bậc của các nhà khoa học nghiên cứu về màng lọc trong thế kỷ XXI. Công nghệ trên sử dụng 1 màng lọc có kích thước lỗ màng <0.2 µm đặt trong một bể sinh học hiếu khí. Công nghệ xử lý nước thải bằng màng lọc MBR ngày càng được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực xử lý nước thải. Tuy nhiên do giá thành màng lọc khá cao dẫn tới sự hạn chế của công nghệ trên đối với các hệ thống xử lý nước thải công suất lớn.
Công nghệ xử lý nước thải hóa lý kết hợp với sinh học, Đây là một công nghệ xử lý đơn giản được ứng dụng hầu hết đối với các loại nước thải công nghiệp và nước thải có độ màu cao hiện nay bao gồm nước thải dệt nhuộm và nước thải mực in.
Công nghệ plasma, so với công nghệ xử lý truyền thống như sử dụng vi sinh AAO, công nghệ xử lý nước thải bằng Plasma còn thể hiện nhiều ưu điểm như tự động vận hành dựa trên các cảm biến, không tốn nhiều diện tích lắp đặt. Công nghệ này của nhóm nghiên cứu CES Plasma, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM và đã được lắp đặt tại một số nhà hàng - khách sạn, các cơ sở y tế - bệnh viện và các trung tâm bảo hành, sửa chữa xe máy tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Bình Dương... với mức giá 150 triệu đồng.
Châu Nam (Tổng hợp từ Internet)