Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030. Trong Chiến lược, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch triển khai với 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
- Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
- Mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng TTNT, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ, xây dựng các nền tảng nội địa cho tính toán hiệu năng, tính toán đám mây, tính toán sương mù; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu; cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu trong và ngoài nước.
- Triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng TTNT; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về TTNT và khoa học dữ liệu trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập; thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về TTNT, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về TTNT trên thế giới.
- Tổ chức triển khai nghiên cứu cơ bản về TTNT, giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ, bắt kịp các tiến bộ trong lĩnh vực TTNT và bước đầu đóng góp trong phát triển phương pháp TNTT mới trong một số tổ chức nghiên cứu về toán học và công nghệ thông tin; tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm TTNT dựa trên nguỗn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam; triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về TTNT gắn với đào tạo, nghiên cứu sinh; triển khai nghiên cứu, phát triển một số nền tảng cung cấp dịch vụ, sản phẩm TTNT quan trọng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, quy trình tự động, các công nghệ TTNT dựa trên dữ liệu, người máy và các phương tiện tự hành, trong một số lĩnh vực đã sẳn sàng về dữ liệu, công nghệ và có nhu cầu ứng dụng ở trong nước, hướng đến thị trường trong khu vực và toàn cầu.
- Thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên môn mở trong các lĩnh vực, cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy sử dụng dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ và ứng dụng TTNT theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để đẩy nhanh tốc độ hình thành các kết quả và nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khác; tập huấn rộng rãi các nền tảng mở về dữ liệu và ứng dụng TTNT; thúc đẩy các cộng đồng, diễn đàn nguồn mở về TTNT; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm TTNT đặc thù của Việt Nam.
- Tổ chức các chuỗi sự kiện về TTNT; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong nước tham gia các hội thảo triển lãm, kỳ thi quốc tế về TTNT; tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về TTNT; thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu TTNT; các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về TTNT; các trung tâm, chương trình đào tạo nhân lực TTNT chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và toàn cầu.
Trí tuệ nhân tạo là nền tảng cốt lõi của cách mạng 4.0. Để nghiên cứu, ứng dụng và phát triển TTNT ở nước ta, nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật đã được tổ chức, triển khai trong thời gian gần đây như:
- Tập đoàn Vingroup đã khởi động Chương trình đào tạo kỹ sư AI Vingroup vào cuối năm 2020 nhằm kiến tạo và bồi đắp đội ngũ nhân sự, chuyên gia công nghệ chất lượng cao, lực lượng nòng cốt khẳng định dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Khóa 1 - đã được tổ chức thành công khi thu hút khoảng 600 hồ sơ ưu tú từ nhiều trường đại học uy tín trong và ngoài nước, từ đó tuyển chọn 120 học viên xuất sắc nhất. Chất lượng học viên được đánh giá cao khi 77% học viên đạt các danh hiệu, giải thưởng quốc tế, giải thưởng cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố..., với điểm trung bình môn là 3.39/4. Chương trình khóa 2 sẽ chính thức khởi động với hai đợt tuyển sinh vào tháng 4 và tháng 9-2021 dành cho 120 ứng viên xuất sắc nhất. Các học viên không chỉ được miễn học phí đào tạo mà còn được Tập đoàn Vingroup trả mức lương cạnh tranh so với thị trường.
- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo vào tháng 3/2021với kỳ vọng đây là nơi không chỉ triển khai các nghiên cứu cơ bản tạo ra các công nghệ lõi “Make in Vietnam” mà còn chú trọng đến phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
- Vào tháng 4/2021, Trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã ra mắt Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot (AIC). Chương trình gồm các hoạt động như: chương trình AI-Robotics và các khóa học hè cho học sinh, sinh viên; khóa đào tạo giáo viên AI-Robotics từ cơ bản đến nâng cao; tổ chức các hội thảo về AI-Robotics cho cộng đồng và doanh nghiệp. Tài liệu học tập là bộ giáo trình AI Future Intelligent Manufacture của Công ty UBtech education USA do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) mua bản quyền, Trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh điều chỉnh, Việt hóa, thẩm định và xuất bản, đưa vào giảng dạy. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, IPPG sẽ phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục để thành lập thêm 10 trung tâm AI và triển khai 1.800 AI Lab tại các trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước, với mục tiêu đào tạo AI cho hơn 2,5 triệu học viên mỗi năm…
Có thể nói, những sự kiện trên đã đánh dấu những bước khởi động của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Thy Diễm