Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong đô thị và ven đô thị sản xuất, chế biến và cung ứng cho thị trường lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật cảnh, tạo nguồn nông sản sạch vệ sinh, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; dùng phương pháp canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường; sử dụng hoặc tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên; sử dụng các không gian (sân thượng, ban công, các chậu treo, giá thể…) để trồng cây, phát triển thêm không gian xanh, cảnh quan, nhu cầu trang trí và giải quyết việc làm cho người dân.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, đô thị hóa là một quá trình tất yếu khách quan. Cũng như một số tỉnh thành khác, Bình Dương đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, góp phần tăng giá trị sử dụng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Với ưu điểm, nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị; tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư ở đô thị; dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị; góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nông nghiệp đô thị đang là hướng đi đúng cho các đô thị ở Việt Nam nói chung và ở Bình Dương nói riêng.
Mô hình hoa quả tạo hình tại thị xã Thuận An, Bình Dương
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh. Điển hình gần đây nhất là Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, theo đó, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân; các trung tâm, viện, trường, trạm, trại nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn sử dụng nguyên vật liệu từ nông nghiệp; sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có thể vay vốn với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án nếu quy mô đầu tư của phương án từ một tỷ đồng trở xuống, tối đa bằng 80% nếu quy mô đầu tư của phương án trên một tỷ đồng).
Ngoài những chính sách ưu đãi về vốn, tỉnh Bình Dương còn có nhiều chương trình hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, con giống… Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 04 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 979 ha (103 ha sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị). Ngoài ra, còn có các mô hình nông nghiệp đô thị quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao như:
- Hoa lan Đất Thủ - Câu lạc bộ Trang trại hoa lan Bình Dương với 87 hội viên. Mỗi ngày, các thành viên của Hoa lan Đất Thủ có thể cung ứng từ 700 - 800 cành lan cho thị trường. Ngoài ra, Hoa lan Đất Thủ còn cung cấp giống hoa lan các loại; dịch vụ cung cấp vật tư, phân bón; dịch vụ tiêu thụ hoa lan cắt cành; dịch vụ hướng dẫn kỹ thuật. Trong thời gian tới, Hoa lan Đất Thủ sẽ từng bước đưa sản phẩm của địa phương đi khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
- Là người gốc Bến Tre, nhưng cuộc sống nơi quê nhà khó khăn buộc anh phải đưa gia đình đến miền đất mới tìm kế sinh nhai. Anh đến Bình Dương và gắn bó với nghề trồng rau mầm hơn 10 năm nay, anh Huỳnh Văn Khải - chủ cơ sở Rau mầm Khải Yến (khu phố 6, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một) đã xây dựng cho mình được trại trồng rau mầm có quy mô tương đối lớn. Thu nhập từ rau mầm đã cho anh có điều kiện lo cuộc sống gia đình đầy đủ hơn.
- Mô hình nuôi cá dĩa của ông Võ Tuấn Kiệt, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một với trên 250 hồ nuôi cá dĩa, tổng diện tích là 400m2 đã thu về hàng năm khoảng 1,2 tỷ đồng sau khi đã trừ các chi phí. Nhờ mô hình này mà đời sống kinh tế gia đình ông đã ổn đinh. Ông dự tính mở rộng thêm diện tích nuôi cá dĩa để cung cấp cho thương lái.
- Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm câu lạc bộ rau an toàn phường An Thạnh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề nông. Với 5.400m2 nhà lưới hở đầu tư từ đầu năm 2015 đến nay để trồng rau lấy quả như dưa leo, khổ qua, hiện nay mỗi tháng gia đình ông Tuấn thu hoạch trên 20 tấn rau quả các loại. Ông cho biết, từ khi tham gia vào hội nông dân, tích cực học tập các phương pháp trồng trọt áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng nông nghiệp đô thị thì thu nhập từ nông nghiệp của ông đã tăng gấp đôi.
Nông nghiệp đô thị không chỉ thay đổi đời sống kinh tế của người dân tại vùng đô thị mà còn tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phương Thùy