Đến năm 2020, sản xuất nông nghiệp huyện Bàu Bàng sẽ theo hướng kỹ thuật công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ huyện Bàu Bàng lần thứ XI, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị, huyện cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Với kế hoạch này, giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật công nghệ cao.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Dương, ngành nông nghiệp của huyện Bàu Bàng đã có những bước phát triển khởi sắc, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp không nhỏ vào cơ cấu kinh tế chung của huyện.
Hưởng ứng chủ trương của huyện Bàu Bàng về phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, quản lý giống, quản lý dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại và hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại với thiết bị hiện đại như máng ăn, máng uống tự động, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, hệ thống nhà lưới thủy canh, hệ thống tưới phun sương tự động…. để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong 267 trang trại trên toàn huyện, đã có 36 trang trại chăn nuôi heo, 34 trang trại chăn nuôi gà và 09 trang trại trồng cây ăn trái thực hiện ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng cho biết, “Hiện nay, tỷ lệ 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc, 80% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống máng ăn, máng uống tự động, 34% đàn gia cầm và 29% đàn gia súc được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện kế hoạch đã đề ra, đến năm 2020 ngành nông nghiệp của huyện sẽ phát triển theo hướng kỹ thuật công nghệ cao”.
Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 5 - 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất đạt 90 - 110 triệu đồng/năm. Huyện sẽ đẩy mạnh tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) để thực hiện chuyển giao khoa học và công nghệ mới trong sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giúp cho nông dân được tiếp cận với các mô hình mới trong sản xuất, giống mới, kỹ thuật canh tác… Trên cơ sở này, huyện sẽ phân vùng sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh và thổ nhưỡng, trong đó vùng rau an toàn tập trung ở Long Nguyên, Lai Uyên, Hưng Hòa…, vùng cây ăn quả đặc sản (cây có múi, măng cụt) ở Long Nguyên, Trừ Văn Thố, Cây Trường II… và vùng chăn nuôi tập trung ở Lai Hưng, Trừ Văn Thố…
Ông Lê Thanh Tâm cho rằng, thông qua việc liên kết “4 nhà” sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao và thị trường tiêu thụ, chế biến tại chỗ. Tất cả các vùng sản xuất đều theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP. Huyện cũng sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; phát huy vai trò của các khu nông nghiệp công nghệ cao trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận với các thị trường tiềm năng cũng như liên kết để mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể huyện Bàu Bàng)
|
Hoàng Đăng