Những lưu ý khi khoan giếng hộ gia đình
Do có nguồn nước ngầm khá dồi dào nên tại Bình Dương nguồn nước dưới đất phục vụ được sử dụng phổ biến cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước dưới đất không đúng kỹ thuật đang diễn ra tràn lan, nhất là ở quy mô hộ gia đình. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn nước và gây ra sụp lún, sạt lở đất. Chính vì vậy, việc hành nghề khai thác nước dưới đất cũng như cấp phép khai thác đang được các nhà nước tăng cường quản lý bằng nhiều giải pháp.
Bình Dương được đánh giá là tỉnh có nguồn nước dưới đất khá dồi dào, các nguồn nước này đã phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên nguồn nước này cũng đang có dấu hiệu suy giảm và ô nhiễm do việc khai thác quá mức cũng như không kiểm soát được các nguồn xả thải. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn nước dưới đất không đúng kỹ thuật cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và sụt giảm nguồn nước quan trọng này.
Đây là một giếng khoan của hộ gia đình ở xã Thạnh Hội - thị xã Tân Uyên. Giếng được khoan để lấy nước phục vụ tưới tiêu hoa màu nhưng hầu hết đều không xây bệ bảo vệ thành giếng. Ở khu vực trồng trọt, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có thành giếng bảo vệ thì các hóa chất sẽ dễ dàng ngấm xuống các tầng chứa nước.
Để quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả, ngày 04/12/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 44 quy định về các hoạt động liên quan đến nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Đây là một giếng khoan của hộ gia đình ở xã Thạnh Hội - thị xã Tân Uyên, Bình Dương
Theo quyết định này, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép bao gồm: Khai thác, sử dụng nước sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác nước dưới đất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không quá 0,1m3/giây; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không quá 100 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không quá 50kW; khai thác, sử dụng nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy với Quyết định này, thì các hộ gia đình khi khoan giếng dưới 10 mét khối ngày đêm thì không cần phải xin phép nhưng phải thực hiện đúng kỹ thuật khoan giếng để bảo vệ được các tầng chứa nước. Điều này đòi hỏi những người hành nghề khoan giếng phải có tay nghề và được đào tạo một cách bài bản.
Tháng 11 năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 40 quy định cụ thể về việc hành nghề khoan nước dưới đất. Theo đó, đối với người hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề. Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp thi công ít nhất mười công trình khoan nước dưới đất và phải có chứng nhận đã qua khóa đào tạo, tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố tổ chức.
Để giúp các cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh nắm vững những quy định trong việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất cũng như việc cấp phép khai thác nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ chuyên môn ở xã, phường, thị trấn và các cán bộ tài nguyên môi trường cấp huyện cùng những người hành nghề khoan nước dưới đất. Việc tổ chức như thế này vừa giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm lại số lượng những cơ sở hành nghề này vừa giúp cho các cán bộ cũng như những người trực tiếp khoan giếng hiểu rõ những quy định của pháp luật về cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Đây là một khóa học về kỹ thuật bảo vệ nguồn nước dưới đất dành cho các cán bộ môi trường cấp huyện/xã và những người đang hành nghề khoan giếng. Lớp học không chỉ cung cấp những văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước dưới đất mà còn có những bài học bổ ích như kỹ thuật thi công khoan; kết cấu giếng khoan; tính toán ống lọc, trám lấp để cách ly các tầng chứa nước …
Việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất là một việc làm thường xuyên và lâu dài. Chính vì thế, vấn đề quan trọng là cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng phải ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước dưới đất thông qua việc khoan giếng đúng kỹ thuật và sử dụng giếng khoan đúng cách. Có như vậy mới bảo đảm bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này !
Đỗ Minh