Dinh dưỡng, an ninh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập
Với một thực trạng hiện nay là người dân sử dụng thịt nhiều hơn sử dụng rau quả. Cơ cấu năng lượng khẩu phần thay đổi theo hướng gia tăng tỷ lệ lipid và protein. Mức tiêu thụ thực phẩm giàu glucid đã qua chế biến, mức tiêu thụ quả chín cũng như các thức ăn động vật tăng lên rõ rệt. Điều này đã ảnh hưởng đến hiện trạng béo phì, các bệnh tim mạnh, cao huyết áp ngày một tăng cao.
Báo cáo mới nhất từ nhóm nghiên cứu dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe (A4NH) cho thấy, thịt lợn là loại thực phẩm được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nhiều nhất trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình, nó chiếm đến 75% sản lượng thịt mà các hộ gia đình tiêu thụ mỗi ngày. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng lần đầu tiên cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella hằng năm của người tiêu dùng ở Nghệ An và Hưng Yên đang ở mức từ 11 - 18%, có nghĩa là cứ 10 người thì có 1 - 2 người nhiễm bệnh hàng năm do ăn thịt lợn. Con số 2,5 - 7,6 triệu USD là số tiền dành cho việc chi trả viện phí tại Việt Nam hàng năm do các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra. Trước những thách thức trên, nhóm nghiên cứu đã và đang làm việc với Liên hiệp các đối tác trong nước và thế giới để cải thiện độ an toàn thịt lợn tại Việt Nam nhằm giảm thiểu các nguy cơ về hóa chất độc hại gốm có chất kháng sinh, kim loại nặng và các hóa chất bị cấm trong thịt lợn.
Các chuyên gia cho rằng, các phát minh và áp dụng công nghệ sinh học trong đó có cây trồng biến đổi gen, được coi là một trong số nhiều giải pháp giúp đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu do có nhiều tác động to lớn lên đời sống Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen và thực phẩm biến đổi lên sức khoẻ con người.
Trong báo cáo “Các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của cây trồng biến đổi gen (BĐG) trên toàn cầu từ năm 1996 - 2012” của các tác giả Graham Brookes và Peter Barfoot cho biết, cây trồng Biến đổi gen tiếp tục mang đến lợi ích lớn về môi trường, khi giúp nông dân canh tác được sản lượng tốt hơn trong khi sử dụng nguồn lực ít hơn qua đó làm tăng đáng kể thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân. Một nửa trong tổng tăng thu nhập nông nghiệp và phần lớn các lợi ích đối với môi trường đến từ việc sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn và giảm phát thải khí nhà kính đạt được tại các nước đang phát triển. Cây trồng biến đổi gen giúp nhà nông có thể trồng được nhiều hơn mà không phải sử dụng thêm đất. Giả thiết nếu cây trồng biến đổi gen không được 17,3 triệu nông dân canh tác trong 2012 thì để đạt được cùng sản lượng, sẽ cần phải có thêm 4,9 triệu ha đậu tương, 6,9 triệu ha ngô, 3,1 triệu ha bông vải và 0,2 triệu ha cải dầu. Diện tích này tương đương với 9% diện tích đất trồng trọt ở Mỹ, 24% diện tích đất trồng trọt ở Brazil hay 27% diện tích đất trồng ngũ cốc ở Liên minh châu Âu ).
Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu là một vấn đề lớn tại các quốc gia đang phát triển, với khoảng 108 triệu người hiện vẫn đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực. Trong hơn 20 năm, chúng tôi có chứng kiến việc ứng dụng công nghệ sinh học cây trồng tại các nước đang phát triển đóng góp như thế nào vào việc nâng cao năng suất và sản xuất an toàn hơn, tăng trưởng thu nhập cho người dân, góp phần giảm đói, nghèo và suy dinh dưỡng tại một số khu vực nhạy cảm nhất với các vấn đề này trên thế giới, TS Graham Brookes cho biết.
Xoay quanh vấn đề này tại hội thảo về “Dinh dưỡng, an ninh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập được tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, các đại biểu thống nhất kiến nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để người tiêu dùng có cái nhìn chính xác, khoa học về cây trồng và thực phẩm biến biến đổi gen; tiến hành các nghiên cứu về khả năng áp dụng, tác động của công nghệ biến đổi gen lên đời sống Kinh tế - Xã hội - Môi trường trên nhiều vùng khác nhau trong đó có Việt Nam, cũng như các thử nghiệm dài hạn về tác động của thực phẩm biến đổi gen mới lên tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ; xây dựng các chính sách, quy định chặt chẽ về việc dán nhãn, nhất là cần ghi rõ đó là loại thực phẩm gì, để người tiêu dùng được biết và lựa chọn.
Về vấn đề an ninh lương thực, đây là một thách thức lớn đối với cả khu vực ASEAN chứ không chỉ riêng nước ta bởi thời điểm giá cả ngày một tăng cao, sẽ làm ảnh hưởng đến sự bất ổn của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015-2020, ASEAN đã xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực nhằm đưa ra các hướng dẫn để giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực trong khu vực và thông qua việc thiết lập các cơ chế, thể chế như “Khung An ninh lương thực tổng hợp ASEAN” tập trung vào 9 mũi nhọn chiến lược bao gồm: (1) tăng cường an ninh lương thực trong đó có việc cứu trợ thiếu lương thực; (2) thúc đẩy thị trường lương thực thuận lợi; (3) củng cố hệ thống thông tin an ninh lương thực tổng hợp; (4) thúc đẩy sản xuất lương thực bền vững; (5) khuyến khích đầu tư vào ngành lương thực và nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực; (6) xác định các vấn đề mới nổi liên quan đến an ninh lương thực; (7) sử dụng thông tin dinh dưỡng để hỗ trợ các chính sách liên quan đến an ninh lương thực; (8) cải thiện cơ chế quản lý và quản trị trong phát triển nông nghiệp và (9) xây dựng năng lực thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách nông nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia nhận được ưu tiên đầu tư và triển khai nghiên cứu nông nghiệp cho dinh dưỡng và sức khỏe từ các tổ chức, viện nghiên cứu khoa học trên thế giới. Do đó, đã có rất nhiều cơ quan nghiên cứu của Việt Nam có cơ hội tham gia vào các dự án quốc tế như Viện Dinh dưỡng quốc gia, Viện Thú y hay Đại học nông nghiệp Việt Nam… từ đó góp phần quan trọng trong việc đạt được ba mục tiêu cụ thể về giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho sức khỏe trong thời kỳ hội nhập.
Thanh Bình