Đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình số hóa, xu hướng kết hợp giữa thực và ảo, sự bùng nổ của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, điện toán đám mây… đang mang đến sự thay đổi vượt bậc trong cuộc sống, việc làm và trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bước chuyển sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đời mới sáng tạo, dựa trên đổi mới công nghệ. Nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và tài nguyên số, tham gia vào mạng sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu làm cho các nước và các nhà sản xuất có nhiều cơ hội phát triển mới.
Xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nước ta tăng trưởng theo chiều rộng, đó là dựa vào vốn, tài nguyên, lao động, đặc biệt là lao động không có kỹ năng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng đây lại là thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp làn thứ tư. Bởi vì, dựa vào những lợi thế này là không bền vững, không giúp cho nền kinh tế Việt Nam tiến xa như kinh nghiệm của các nước đi trước. Thậm chí trong quá trình hội nhập sâu rộng, mô hình đó có thể khiến nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc ở bên ngoài nhiều hơn, tiếp tục lún sâu vào vào thời kỳ tăng trưởng thấp, dưới mức tiềm năng, hơn nữa khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu,… Điều đó, sẽ làm suy yếu khả năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế tác động xấu đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt; đất nước vẫn ở trong tình trạng tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển
Do vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết của Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đề ra những giải pháp lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế
Đổi mới sáng tạo - Innovation đã trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đổi mới sáng tạo là việc việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và doanh nghiệp, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của tất cả các nước. Đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ở cả lĩnh vực thương mại và phi thương mại. Vì vậy mà nhiều nước đang đặt sự đổi mới sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển và rất chú trọng đến chỉ số đổi mới sáng tạo. Có thể hiểu, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu nhằm mục đích đưa ra phương tiện đánh giá năng lực cũng như hiệu quả của đổi mới sáng tạo, thể hiện tầm quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi sáng tạo là một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2020.
Sáng tạo là động lực quan trọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Sáng tạo là hiện tượng mang tính toàn diện từ sáng chế về mặt khoa học mới nhất và những sáng tạo mang tính bình dân hay những hoạt động sáng tạo dàn trải theo chiều ngang trong phát triển của nền kinh tế... Sáng tạo đổi mới tạo ra những giá trị mới, gia tăng giá trị lao động của con người và nhờ đó tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đổi mới chi phối tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng việc làm, tiền lương thông qua chi phối tăng năng suất - trọng tâm của mọi vấn đề. [1]
Đổi mới sáng tạo có trong tất cả góc độ của nền kinh tế, điều này khẳng định đóng góp của ĐMST rất quan trọng. Trong nền kinh tế tri thức, đổi mới và sáng tạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh kế. Ở góc độ khác, năng lực đổi mới, đặc biệt là năng lực đổi mới khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh quốc gia. Trong những thập niên gần đây, các nước trên thế giới đều rất coi trọng việc thúc đẩy đổi mới kinh tế; đồng thời đề ra những chiến lược, chính sách và biện pháp để thúc đẩy đổi mới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Một nền kinh tế không thể tăng trưởng bền vững nếu nền ninh tế đó gặp hạn chế trong khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng. Do đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy, nâng cao hơn nữa để đảm bảo sự phát triển nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trường, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”… “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Đây là lần đầu tiên, Đảng đặt ra vấn đề khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp mà Đảng ta đề cập đó chính là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn trong nước và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. [2]
Nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Theo TS. Phí Thị Hồng Linh, Trường Đại học kinh tế Quốc Dân, năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế phía Nam được đánh giá thông qua năng suất lao động và mật độ kinh tế. Trong các Vùng trọng điểm, Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có năng suất lao động cao nhất nhưng tốc độ tăng thấp hơn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và miền Trung. Trong giai đoạn 2011-2017, năng suất lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng khoảng 5%/năm, trong khi đó Bắc bộ là 8,54%/năm. Trong khi đó, mật độ kinh tế của Vùng phía nam cũng thấp hơn vùng Bắc bộ. Giai đoạn 2011-2017, mật độ kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng 19,4 tỷ đồng/km2 nhưng ở Vùng Bắc bộ lại tăng 28,5 tỷ đồng/km2.
Qua một vài số liệu phân tích khác cho thấy, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam còn hạn chế về: Năng lực cạnh tranh không cao, đang có xu hướng giảm, năng lực cạnh tranh của các địa phương trong Vùng còn chênh lệch lớn. Có thể nói, chỉ có đổi mới sáng tạo mới có thể làm tăng năng lực của nền kinh tế. Chính vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến những vần đề có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của Vùng hiện nay như:
Nâng cao chất lượng lao động: Cần xây dựng chương trình chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho từng địa phương trên cơ sở dự báo về nhu cầu lao động trong thời gian tới, cả về số lượng và chất lượng. Tập trung đào tạo cho các ngành nghề mũi nhọn, các nghề đang có nhu cầu lớn về nhân lực, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn. Khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, liên kêt với doanh nghiệp trong đào tạo và nâng cao năng lực cho người lao động.
Cải thiện và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được thành lập và phát triển cũng như các doanh nghiệp lớn có cơ hội phát triển như: Địa phương có chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ưu đãi thuế, đầu tư…; tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp tiếp cận với các dòng vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường sự cạnh tranh của thị trường thông qua tăng số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái của địa phương góp phần phát triển cho nền kinh tế. [3]
Đầu tư và thúc đẩy môi trường sáng tạo, cốt lõi là con người. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm công nghệ cao.
Thực hiện thúc đầy các chương trình chi sẻ, kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Xây dựng một mạng lưới kết nối với sự quản lý của đơn vị chuyên nghiệp và sự định hướng hoạt động với mục tiêu phát triển rõ ràng sẽ mang lại một cộng đồng kết nối và chia sẻ có hiệu quả hơn trong vùng.
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu vực trọng điểm. Rà soát, xác định danh mục các dự án cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh năm 2015 theo Quyết định 2055/QĐ-TTg. Xây dựng khu tập trung công nghệ cao nhằm thu hút các công ty công nghệ cao và các start-up tương tác với nhau dễ dàng hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Thị Ngọc Loan. (2019). Vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kỷ yếu hội thảo khoa học, những vấn đề ý luận chung về đổi mới sáng tạo. 9-21.
2. Hà Thị Việt Thúy. (2019). Vài trò của đổi mới sáng tạo trong nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kỷ yếu hội thảo khoa học, những vấn đề ý luận chung về đổi mới sáng tạo. 22-30.
3. Lê Thạch Anh. (2019). Kinh nghiệm đổi mới sáng tạo ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học, những vấn đề ý luận chung về đổi mới sáng tạo. 102-118.
Trường Hải