Giới thiệu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và vai trò của khoa học và công nghệ trong việc cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo ở cấp độ quốc gia và địa phương
Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN
1. Giới thiệu về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
1.1. Các chỉ số đánh giá
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index thường được viết tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các quốc gia hoặc nền kinh tế, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống ĐMST ở cấp quốc gia hoặc nền kinh tế. Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng sáng chế hay chi tiêu cho R&D.
Trong phương pháp GII, ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng (không chỉ là đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển (NC&PT) mà còn là những ĐMST không dựa trên NC&PT và bao trùm cả ĐMST về tổ chức, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân … Cách tiếp cận này thể hiện quan điểm năng lực ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác. Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo (được quy chuẩn) của 7 trụ cột lớn, mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của 3 trụ cột nhỏ, mỗi trụ cột nhỏ lại bao gồm từ 2 đến 5 chỉ số thành phần, tổng thể có khoảng 70 - 80 chỉ số, thay đổi tùy từng năm (năm 2016 có 82 chỉ tiêu thành phần).
Có bốn chỉ số chính được tính toán, đo lường gồm:
1) Chỉ số phụ về Đầu vào ĐMST: Năm trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố trong nền kinh tế tạo điều kiện cho các hoạt động ĐMST, bao gồm (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Mức độ phát triển của thị trường và (5) Mức độ phát triển kinh doanh.
2) Chỉ số phụ Đầu ra ĐMST: Đầu ra ĐMST là kết quả của các hoạt động ĐMST trong một nền kinh tế. Đầu ra của ĐMST có hai trụ cột chính là: (6) Sản phẩm tri thức và công nghệ và (7) Sản phẩm sáng tạo.
3) Chỉ số ĐMST tổng hợp là trung bình cộng đơn giản của Chỉ số Đầu vào và Chỉ số Đầu ra.
4) Tỷ lệ Hiệu quả ĐMST là tỷ lệ giữa Chỉ số Đầu ra trên Chỉ số Đầu vào. Tỷ lệ này cho biết một quốc gia tạo ra bao nhiêu đầu ra ĐMST ứng với số đầu vào ĐMST của quốc gia đó.
1.2. Nguồn dữ liệu và cách tính toán Chỉ số ĐMST
Nguồn dữ liệu
Các chỉ số thành phần được Tổ chức WIPO tính toán hoàn toàn từ số liệu thứ cấp, là kết quả đã được thu thập và phân tích trực tiếp hoặc đã được tính toán tổng hợp bởi các tổ chức quốc tế khác. Có khoảng 30 nguồn dữ liệu/cơ sở dữ liệu được sử dụng để lấy thông tin, số liệu cho các chỉ số thành phần, trong đó, các cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới và các tổ chức của Liên hợp quốc là nhiều nhất. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập hoặc kết quả nghiên cứu, khảo sát của một số tổ chức khác cũng được sử dụng. Một số chỉ số thành phần được WIPO lấy dữ liệu ở nhiều nguồn khác nhau (tùy thuộc vào từng quốc gia/nền kinh tế có số liệu sẵn có và cập nhật hơn ở nguồn nào).
Với mỗi chỉ số thành phần và với mỗi nền kinh tế, số liệu năm gần nhất có sẵn sẽ được sử dụng. Trường hợp một quốc gia/nền kinh tế nào đó không có số liệu cho một chỉ số nhất định, hoặc số liệu năm gần nhất có sẵn là trước năm 2006 thì chỉ số đó được tính là bị thiếu, không có. Báo cáo năm 2016 có 18 nước được liệt kê vào những nước thiếu số liệu nhiều nhất, thiếu từ 20 cho đến 29 chỉ số; có 46 nước chỉ thiếu số liệu cho dưới 5 chỉ số.
Phương pháp tính toán Chỉ số ĐMST
Về cơ bản, mỗi một chỉ số thành phần được sử dụng sẽ có số liệu gốc (value) hoặc số liệu được WIPO tính toán lại từ số liệu gốc. Giá trị số liệu của quốc gia/nền kinh tế này sẽ được quy đổi sang điểm số (score). Điểm số được tính từ 0 cho đến 100, quốc gia/nền kinh tế nào có giá trị số liệu (value) cao nhất thì sẽ được điểm số (score) cao nhất là 100.
Thứ hạng của từng quốc gia ứng với mỗi chỉ số được sắp xếp căn cứ theo điểm số. Với mỗi một chỉ số thành phần, quốc gia/nền kinh tế nào có điểm số cao nhất được xếp hạng 1, điểm số thấp nhất sẽ xếp hạng cuối (ví dụ năm 2016 là hạng 128 - vì có 128 quốc gia/nền kinh tế được tham gia).
Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng GII
Các điểm số, xếp hạng từ năm này qua năm khác là KHÔNG SO SÁNH trực tiếp được và nếu làm như vậy rất dễ dẫn đến những sai lệch. Kết quả xếp hạng của mỗi năm phản ánh vị trí tương đối của quốc gia/ nền kinh tế trên cơ sở khung lý thuyết, các dữ liệu được sử dụng, và tổng thể các quốc gia được chọn tham gia xếp hạng của năm đó. Khi những yếu tố này thay đổi sẽ làm thay đổi kết quả xếp hạng.
Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng hàng năm của một quốc gia/nền kinh tế, đó là:
(i) mức độ thực hiện thực sự của quốc gia/nền kinh tế đó;
(ii) những điều chỉnh về khung lý thuyết tính toán của WIPO (ví dụ như thêm, bớt chỉ số);
(iii) cập nhật dữ liệu, cách xử lý giá trị ngoại lai, số liệu bị thiếu; và
(iv) việc thêm hay bớt các quốc gia/nền kinh tế trong mẫu so sánh.
2. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam
2.1. Chỉ số ĐMST của Việt Nam và một số quốc gia cùng nhóm
Trong 5 năm gần đây, chỉ số ĐMST của Việt Nam có xu thế cải thiện theo chiều hướng tích cực. Mặc dù việc so sánh qua các năm không có ý nghĩa tuyệt đối và bị tác động bởi những thay đổi về phương pháp tính toán của WIPO và các yếu tố khác, nhưng không thể phủ nhận Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong ĐMST.
Bảng 1. Tổng hợp Xếp hạng của Việt Nam trong những năm gần đây
Năm
|
Chỉ số ĐMST
|
Chỉ số Đầu vào
|
Chỉ số Đầu ra
|
Tỉ lệ Hiệu quả
|
2016
|
59/128
|
79
|
42
|
11
|
2015
|
52/141
|
78
|
39
|
9
|
2014
|
71/143
|
|
47
|
5
|
2013
|
76/142
|
89
|
54
|
17
|
2012
|
76/141
|
83
|
59
|
27
|
Chỉ số ĐMST của Việt Nam trong khu vực ASEAN
Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số ĐMST, tuy nhiên, điểm số và thứ hạng của Việt Nam cách biệt khá xa so với Singapore và Malaysia. Giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt trong hai năm 2015 và 2016, không có sự cách biệt quá lớn về mặt điểm số tổng hợp của chỉ số ĐMST. Thái Lan có điểm số nhóm 5 trụ cột đầu vào ĐMST cao hơn nhiều so với 2 trụ cột đầu ra ĐMST, trong khi Việt Nam thì ngược lại, do đó, tỉ số hiệu quả đầu ra/đầu vào ĐMST của Việt Nam tốt hơn của Thái Lan nhiều và luôn tốt nhất trong các nước ASEAN.
Bảng 2. Nhóm 6 quốc gia dẫn đầu về chỉ số ĐMST của các nước ASEAN
TT
|
Quốc gia
|
Điểm số ĐMST
(0-100)
|
Thứ hạng ĐMST
|
Tỉ số hiệu quả (đầu ra/đầu vào)
|
Thứ hạng về tỉ số
|
2015 (141 quốc gia tham gia xếp hạng)
|
1
|
Singapore
|
59.36
|
7
|
0.65
|
100
|
2
|
Malaysia
|
45.98
|
32
|
0.74
|
56
|
3
|
Viet Nam
|
38.35
|
52
|
0.92
|
9
|
4
|
Thailand
|
38.1
|
55
|
0.76
|
43
|
5
|
Phillipines
|
31.05
|
83
|
0.76
|
44
|
6
|
Indonesia
|
29.79
|
97
|
0.77
|
42
|
2016 (128 quốc gia tham gia xếp hạng)
|
1
|
Singapore
|
59.16
|
6
|
0.62
|
78
|
2
|
Malaysia
|
43.46
|
35
|
0.67
|
59
|
3
|
Thailand
|
36.51
|
52
|
0.7
|
53
|
4
|
Viet Nam
|
35.37
|
59
|
0.84
|
11
|
5
|
Phillipines
|
31.83
|
74
|
0.71
|
49
|
6
|
Indonesia
|
29.07
|
88
|
0.71
|
52
|
2.2. Các điểm mạnh và điểm yếu trong chỉ số ĐMST của Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của đổi mới sáng tạo (bao gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ và sản phẩm sáng tạo). Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài cho phép Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số về “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài”, cũng như “Lan truyền tri thức”, hay “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”.
Việt Nam được đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “tỷ lệ lao động nữ có trình độ”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”, “xuất khẩu dịch vụ ICT”, “nhập khẩu dịch vụ ICT”
Bảng 3. Điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam trong chỉ số ĐMST
Điểm mạnh
|
Điểm yếu
|
Tỷ số Hiệu quả ĐMST (xếp hạng 11)
2.1. Giáo dục (xếp hạng 19)
2.1.1 Chi tiêu cho giáo dục (xếp hạng 21)
4.1.1 Mức độ dễ dàng tiếp cận tín dụng (xếp hạng 27)
4.1.2 Tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân (xếp hạng 25)
4.3.3 Quy mô thị trường nội địa (xếp hạng 35)
5.3. Tiếp nhận tri thức (xếp hạng 20)
5.3.2 Nhập khẩu công nghệ cao (xếp hạng 6)
5.3.4 Giá trị ròng của Dòng vốn vào về đầu tư trực tiếp nước ngoài (xếp hạng 29)
6.2. Tác động của tri thức (xếp hạng 25)
6.2.1 Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 10)
6.3. Lan tỏa tri thức (xếp hạng 20)
6.3.2 Xuất khẩu công nghệ cao (xếp hạng 4)
7.1.1 Đăng ký nhãn hiệu theo nước xuất xứ (xếp hạng 17)
7.2.5 Xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (xếp hạng 9)
|
1.3. Môi trường kinh doanh (xếp hạng 116)
1.3.3 Mức độ dễ dàng trong việc đóng thuế (xếp hạng 115)
2.2.3 Tỷ lệ di chuyển nhân lực cấp đại học cao đẳng ở trong nước (xếp hạng 103)
2.3.3 Chi tiêu cho NC&PT trung bình của 3 công ty hàng đầu có đầu tư ra nước ngoài (xếp hạng 45)
2.3.4 Điểm xếp hạng trung bình của 3 trường đại học hàng đầu trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS (xếp hạng 73)
4.2. Đầu tư (xếp hạng 125)
5.1.1 Lao động trong các dịch vụ thâm dụng tri thức (xếp hạng 94)
5.1.5 Lao động nữ được tuyển dụng có bằng cấp cao (xếp hạng 74)
5.3.3 Nhập khẩu dịch vụ ICT (xếp hạng 120)
6.1.2 Đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế theo nước xuất xứ, căn cứ theo Hiệp ước về Hợp tác sáng chế (xếp hạng 81)
6.3.3 Xuất khẩu dịch vụ ICT (xếp hạng 119)
7.2.3 Thị trường giải trí và truyền thông toàn cầu (xếp hạng 58)
|
Ngoài ra, một trong những điểm yếu của Việt Nam đó là việc thiếu số liệu và số liệu thiếu tính cập nhật. Việt Nam thiếu số liệu của 10 chỉ số và có 09 chỉ số có số liệu không cập nhật. Việc thiếu số liệu chỉ số thành phần sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán chỉ số ĐMST của Việt Nam.
2.3. Ý nghĩa và các hàm ý chính sách đối với Việt Nam từ chỉ số ĐMST
- Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tăng trưởng ĐMST. ĐMST là động lực cho các giá trị gia tăng của xuất khẩu và FDI, cần phải tính đến hiệu ứng tràn của FDI đến hệ thống ĐMST quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là cần tăng chi cho NC&PT và sáng chế. Chỉ số chi tiêu cho sáng chế và NC&PT của Việt Nam cần được cải thiện nhiều.
- Cần có sự tham gia sâu rộng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu để tận dụng thành công hiệu ứng tràn, học hỏi từ các nhà đầu tư nước ngoài và để tăng cường liên kết nghiên cứu giữa các công ty nước ngoài với các tổ chức nghiên cứu trong nước.
- Cần hình dung trước mạng lưới ĐMST hình thù ra sao, vị trí kỳ vọng của Việt Nam là gì, tầm nhìn chiến lược của Việt Nam ra sao, để chủ động hành động.
- ĐMST cơ bản liên quan đến các cá nhân, tác nhân của hệ thống. Không có Chính phủ nào tự tạo dựng hệ thống ĐMST. Đó là việc tạo sức mạnh động lực cho từng sinh viên, nghiên cứu sinh và kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp để chứng minh cho họ về khả năng phá bỏ cái cũ, tạo ra cái mới, khuyến khích sự sáng tạo.
- Việt Nam cần tận dụng đòn bẩy của giáo dục để tăng cường ĐMST. Những dữ liệu sẵn có về giáo dục tiểu học, phổ thông và đại học đã cho thấy điểm mạnh của Việt Nam. Thách thức đặt ra là làm sao để điểm mạnh về nhân lực được chuyển sang cho khu vực sản xuất và sáng tạo chứ không chỉ tập trung ở khu vực viện trường, tăng cường liên kết giữa giáo dục và chất lượng nghiên cứu và ĐMST trong doanh nghiệp.
- Cần tận dụng sức mạnh của sở hữu trí tuệ. Có quan điểm cho rằng “Càng nhiều tài sản trí tuệ càng tốt”; tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào các chính sách về SHTT phát huy tác dụng được trong hệ thống chính sách về ĐMST quốc gia. Khi xây dựng các chính sách về KH&CN, các chính sách về SHTT cần phải được đặt ở vị trí quan trọng chiến lược và được giám sát thường xuyên và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.
- Cần thực hiện các chiến lược với mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được và kiên trì thực hiện. Đồng thời, cần phải thay đổi văn hóa và tôn vinh ĐMST của các cá nhân và khu vực tư nhân.
3. Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương
3.1. Bối cảnh ban hành và một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 19 của Chính phủ
Trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được đánh giá và xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, ngày 18/3/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết xác định mục tiêu đến hết năm 2015 đạt trung bình ASEAN 6 về môi trường kinh doanh. Sau một năm triển khai thực hiện, mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng mục tiêu trung bình ASEAN 6 vẫn chưa đạt được.
Ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2015/NQ-CP với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 đạt mức trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh. Năm 2016, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP (ngày 28/4/2016) mở rộng thêm các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của các thị trường theo cách xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới; duy trì mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 đến hết năm 2017 và đặt mục tiêu đạt ASEAN 3 đến hết năm 2020.
Việc thực hiện Nghị quyết 19 trong ba năm qua đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận nhất định. Tuy nhiên, dù thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 4. Để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, trong đó đã nêu rõ để đạt được mục tiêu ngang bằng với các nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Một số nội dung và mục tiêu trọng tâm trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP so với Nghị quyết 19 của các năm trước đó bao gồm:
- Tiếp tục căn cứ theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu. Bổ sung các tiêu chí đánh giá về Đổi mới Sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và tiêu chí đánh giá về Chính phủ điện tử.
- Đến hết 2017, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).
- Giai đoạn 2017-2020, đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines) trên các nhóm chỉ số về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).
- Đến năm 2020, các chỉ số ĐMST (theo đánh giá của tổ chức WIPO) đạt trung bình các nước ASEAN 5 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Phillipines và Indonesia), với chỉ tiêu cụ thể cho các trụ cột chính như sau:
Trụ cột Thể chế đạt tối thiểu 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm);
Trụ cột Nguồn nhân lực và nghiên cứu đạt tối thiểu 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm);
Trụ cột Cơ sở hạ tầng đạt tối thiểu 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm);
Trụ cột Trình độ phát triển của thị trường đạt tối thiểu 51 điểm (hiện nay là 43 điểm);
Trụ cột Trình độ phát triển kinh doanh đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm);
Trụ cột Sản phẩm kiến thức và công nghệ đạt tối thiểu 33 điểm (hiện nay là 31,9 điểm);
Trụ cột Sản phẩm sáng tạo đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 32,6 điểm).
3.2. Phân công của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương về cải thiện chỉ số ĐMST
Đây là lần đầu tiên Chính phủ bổ sung chỉ số về ĐMST trong Nghị quyết 19, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Rút kinh nghiệm từ ba năm thực hiện Nghị quyết 19 trước đó, để triển khai thực hiện các hành động cụ thể nhằm đạt mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã phân công và nêu rõ trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương trong việc cải thiện chỉ số ĐMST nói chung và từng chỉ số thành phần nói riêng. Khoản 1, Mục III của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã nêu “Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công tại các Phụ lục của Nghị quyết”.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
(i) Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 28/02/2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết (điểm a, Khoản 1, Mục III, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP).
(ii) Chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng (điểm b, Khoản 1, Mục III, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP).
3.3. Phân công của Chính phủ đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về chỉ số ĐMST
(1) Chủ trì cải thiện 24 chỉ số ĐMST (Phụ lục IV - Nghị quyết 19-2017/NQ-CP);
(2) Hướng dẫn các bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh trong việc “tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng” (Điểm b, Khoản 1, Mục III - Nghị Quyết 19-2017/NQ-CP);
(3) Làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST. Chịu trách nhiệm (Điểm c, Khoản 1, Mục III, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP):
- Tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số trong lĩnh vực được phân công làm đầu mối.
- Tổng hợp kết quả thực hiện cải thiện các chỉ số; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách, cơ chế, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
(4) Hàng quý, hàng năm có Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về ĐMST gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kì tháng cuối quý, cuối năm (Khoản 7, Mục III, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP).
Một số hoạt động Bộ KH&CN đã thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương cải thiện chỉ số ĐMST
(i) Ban hành Quyết định số 223/QĐ-BKHCN (ngày 15/02/2017) về việc phân công nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN được phân công là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST, xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về ĐMST định kì hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ (Khoản 2, Điều 1, Quyết định 223/QD-BKHCN).
(ii) Ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP (Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 24/02/2017). Theo đó, đã phân công đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì cải thiện 24 chỉ số ĐMST do Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì và các chỉ số Bộ KH&CN có trách nhiệm và 04 chỉ số tất cả các bộ, cơ quan, địa phương đều phải thực hiện - không có bộ/cơ quan chủ trì (Phụ lục 1, Quyết định 289/QĐ-BKHCN).
Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN: (i) là đầu mối của Bộ để phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về chỉ số ĐMST, cung cấp các thông tin liên quan để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá xếp hạng; (ii) đầu mối chủ trì hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ KH&CN liên quan tới cải thiện các chỉ số do Bộ KH&CN chủ trì; (iii) đầu mối chủ trì theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST (Khoản 2, Mục II, Quyết định 289/QĐ-BKHCN).
(iii) Hướng dẫn các bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng:
- Ngày 21-22/3/2017, Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo Hướng dẫn triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về Chỉ số ĐMST cho các bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
- Ngày 31/3/2017, Bộ KH&CN gửi các bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh tài liệu giới thiệu Khung chỉ số ĐMST, định nghĩa, cách tính toán và nguồn thông tin của từng chỉ số.
Các hoạt động tiếp tục thực hiện
- Xây dựng Sổ tay hướng dẫn để hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số ĐMST.
- Tổ chức Tập huấn, hướng dẫn cho một số bộ, cơ quan và địa phương về thực hiện cải thiện chỉ số ĐMST.
- Tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện, hướng dẫn trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương.
- Thu thập ý kiến, báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp và báo cáo Chính phủ.
4. Đề xuất, khuyến nghị các hoạt động triển khai thực hiện cải thiện chỉ số ĐMST ở các địa phương
- Đề xuất và thực hiện các biện pháp cải thiện các chỉ số ĐMST: nên có phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, tương tự như cách thức Chính phủ phân công cho các bộ, cơ quan ở trung ương.
+ Nghiên cứu số liệu hiện trạng, ý nghĩa của chỉ số, tìm hiểu cách tính toán chỉ số; nguồn thông tin, số liệu.
+ Xây dựng phương án thu thập dữ liệu, tổ chức khảo sát, điều tra thống kê hàng năm, tập hợp báo cáo số liệu thống kê cho các cơ quan chức năng có liên quan (ví dụ Tổng cục thống kê, các bộ/cơ quan đầu mối về số liệu, thống kê cấp quốc gia).
- Phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin, số liệu và thực hiện các biện pháp cải thiện chỉ số có liên quan.
- Phân công cơ quan/đơn vị làm đầu mối theo dõi về cải thiện chỉ số ĐMST để phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương khác và làm đầu mối báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ.
- Định kì hàng quý và cuối năm thực hiện báo cáo tình hình và kết quả triển khai nhiệm vụ cải thiện chỉ số ĐMST được phân công, gửi Bộ KH&CN tổng hợp, báo cáo Chính phủ.