Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Nguyễn Anh Thi,
Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học quốc gia TP.HCM (ITP)
Phó Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM (HITECHA)
Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sáng chế Việt Nam (VIA)
1/ Một số khái niệm chung
• Khởi nghiệp (entrepreneurship) là hành vi sáng tạo giá trị mới (new values).
• Người có tư duy khởi nghiệp (entrepreneurial mindset) là người có khuynh hướng tìm kiếm các cơ hội, đổi mới sáng tạo và sáng tạo giá trị mới.
• Xây dựng quốc gia khởi nghiệp (startup nation) hay nền kinh tế khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem) phải bắt đầu và dựa trên nền tảng của một thế hệ trẻ, có tư duy khởi nghiệp (xem Hình 1).
Hình 1: Nền tảng của nền kinh tế khởi nghiệp
• Sáng tạo (creativity) là nghĩ ra những cái mới.
• Đổi mới sáng tạo (innovation) là nghĩ và làm ra những cái mới.
• Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) là thể chế con người (people institution) được thành lập để tạo ra và phân phối sản phẩm mới đến khách hàng.
Hình 2: Các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp
• Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp (đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo (leaders) hệ sinh thái khởi nghiệp) và các bên liên quan khác (đóng vai trò hỗ trợ (feeders)), bao gồm nhưng không giới hạn các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ,… có mối quan hệ hữu cơ, cùng tồn tại và phát triển bền vững (xem Hình 2). Nhà nước có vai trò hỗ trợ (feeder), tạo dựng môi trường pháp lý (regulatory framework) hay gọi đơn giản là “luật chơi” cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự “gắn kết” chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mỗi ngành dọc (vertical) có một hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng riêng. Ví dụ, hệ sinh thái khởi nghiệp cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ khác với hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tất nhiên, giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp có phần giao nhau.
2/ Các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo Techstars2 , một chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại Boulder, Hoa kỳ, sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chịu tác động của năm (05) yếu tố cốt lõi (key vectors), bao gồm:
- Tài năng (Talent)
- Văn hóa (Culture)
- Mật độ (Density)
- Nguồn vốn (Capital)
- Môi trường pháp lý (Regulatory Framework)
Trong đó, yếu tố tài năng (talent) là yếu tố nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Để phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp, cần phải bắt đầu từ phát triển một thế hệ trẻ tài năng, có tư duy mới: Tư duy khởi nghiệp (entreptreneurial mindset).
Cũng theo Techstars, mức độ trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp được phân thành bảy (07) mức:
- Giai đoạn sơ khai (Nascent);
- Giai đoạn xây dựng nền tảng (Foundational);
- Giai đoạn tăng tốc (Accelerating);
- Giai đoạn trưởng thành (Established);
- Giai đoạn hoạt động hiệu quả cao (High Functioning);
- Giai đoạn mở rộng (Progressive);
- Giai đoạn phát triển thành biểu tượng gây cảm hứng toàn cầu (Aspirational)
3/ Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương
Mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp là duy nhất. Quá trình hình thành và phát triển của mỗi hệ sinh thái khởi nghiệp là duy nhất, phụ thuộc vào đặc thù nền tảng pháp lý, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương nơi hệ sinh thái hình thành. Tuy vậy, quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, thường tuân thủ một số nguyên tắc chung. Theo Lý thuyết Boulder được Brad Feld trình bày trong cuốn sách Startup Communities: Building an entrepreneurial ecosystem in your city, bốn (04) nguyên tắc để xây dựng thành công một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, bao gồm:
- Được dẫn dắt bởi doanh nhân khởi nghiệp thành công;
- Có sự cam kết dài hạn của doanh nhân khởi nghiệp thành công;
- Mở;
- Thường xuyên được kích hoạt bởi các hoạt động nâng cao năng lực.
Để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả, địa phương cần phải chọn lựa một hay hai ngành dọc (vertical) là thế mạnh của địa phương, trong đó các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng về cơ bản đã tồn tại và tập trung hỗ trợ để củng cố và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Ưu tiên chọn các ngành dọc có hệ sinh thái tương ứng từ giai đoạn 2 (giai đoạn xây dựng nền tảng) trở lên.
Những nội dung cơ bản của chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương cần được thiết chế xoay quanh các nội dung nhằm mục tiêu củng cố năm (05) yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là yếu tố tài năng (talent). Cần thiết phải sớm đưa các hoạt động đào tạo tư duy khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực khởi nghiệp,… vào các bậc học từ trung học phổ thông trở lên. Khung 1 trình bày một số quan điểm cơ bản về hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Một chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp điển hình sẽ bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
- Phát triển và nâng cao năng lực doanh nhân khởi nghiệp (entrepreneurs) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startups);
- Phát triển và nâng cao năng lực các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp;
- Tăng cường kết nối giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết các doanh nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp đến các nguồn lực cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là: Mạng lưới các nhà cố vấn (mentors), mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần (angel investors);
- Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp (thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp, thoái vốn,…)
4/ Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - Mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp CNTT-TT
Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là mô hình Khu công nghệ thông tin tập trung, định hướng theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực CNTT-TT được đặc trưng bởi:
1. Trung tâm và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp là doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp lớn sáng tạo trong và ngoài nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái và các doanh nghiệp khởi nghiệp;
2. ITP bảo đảm các điều kiện về cơ chế, hạ tầng tiện ích, hạ tầng CNTT&TT và dịch vụ hỗ trợ nhằm đảm bảo một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình;
3. ITP kết nối mạng lưới các bên liên quan như đại học, viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (như vườn ươm và chương trình thúc đẩy khởi nghiệp), mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công... nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp sự tiếp cận thuận lợi đến: (1) nguồn nhân lực; (2) thông tin (thị trường, công nghệ...); và (3) vốn.
4. Ngoài ra, ITP cũng sẽ kết nối đến các bên liên quan khác, ví dụ như các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản trị hay pháp lý để mang đến cho các doanh nghiệp dịch vụ chất lượng và chi phí thấp, thậm chí là miễn phí. Đồng thời, ITP cũng sẽ thành lập các đơn vị, tổ chức trực thuộc (hạch toán phụ thuộc hay độc lập) góp phần phát triển các nguồn lực cần thiết cho hệ sinh thái khởi nghiệp.