Hoạt động khoa học công nghệ của trường đại học thủ dầu một 2011 - 2016: Thành tựu và phương hướng phát triển
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một
1. Giới thiệu chung
Trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở đào tạo đại học công lập của tỉnh Bình Dương. Trường được thành lập năm 2009, trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Sứ mệnh của Trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tầm nhìn của Trường là phát triển theo mô hình đại học tiên tiến, xác lập uy tín trong nước và khu vực, người học có năng lực làm việc trong nước và nước ngoài. Qua hơn 7 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã định hình một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Quy mô phát triển nhanh. Năm 2011, Trường đào tạo 5 ngành đại học, 7 ngành cao đẳng với quy mô 4.000 sinh viên. Đến nay (2017), quy mô của trường là 28 ngành đại học, 15.000 sinh viên chính quy; 9 ngành sau đại học với trên 600 học viên. Chất lượng đào tạo được bảo đảm. Uy tín của Nhà trường với xã hội nói chung, với các tổ chức sử dụng lao động nói riêng ngày càng nâng cao. Đến nay, về cơ bản, Trường đã xác lập vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học ở Bình Dương.
Cùng với việc định hình một cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tập trung nguồn lực lớn cho hoạt động khoa học công nghệ. Với phương hướng phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn về kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Nhà trường đã nỗ lực tập hợp tiềm năng khoa học công nghệ và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề tài, hội thảo khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau. Báo cáo này sẽ trình bày một số thành tự cơ bản về hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một giai đoạn 2011 - 2016, định hướng phát triển trong bối cảnh tỉnh Bình Dương xây dựng thành phố thông minh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0).
2. Thành tựu về tập hợp tiềm năng khoa học công nghệ
Để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn đặt ra, trong giai đoạn 2011 - 2016, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã dành nguồn lực lớn cho việc tập hợp tiềm năng khoa học công nghệ, bao gồm công tác xây dựng đội ngũ, xác lập định hướng hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế chính sách và phổ biến thông tin khoa học công nghệ.
- Đối với công tác xây dựng tiềm năng về đội ngũ cán bộ nghiên cứu: Trường Đại học Thủ Dầu Một xác định đội ngũ cán bộ khoa học là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để thực hiện công tác nghiên cứu. Với chính sách thu hút các nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, viên chức có học vị từ nhiều tỉnh thành trong cả nước về Trường Đại học Thủ Dầu Một công tác, đồng thời kết hợp với đào tạo tại chỗ, trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ của Trường đã tăng từ 173 người (năm 2011) lên hơn 700 người (2016). Được sự hỗ trợ ngân sách của Ủy ban Nhân dân tỉnh, từ năm 2010 đến nay đã có 1 giáo sư, 9 phó giáo sư, 60 tiến sĩ, trên 300 thạc sĩ từ nhiều nơi chuyển về Trường Đại học Thủ Dầu Một làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, với nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ này gần 40 tỷ đồng. Công tác đào tạo tiềm lực khoa học công nghệ của Trường cũng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Chỉ trong 3 năm (2014 - 2016), đã có 6 cán bộ của Trường được công nhận chức danh phó giáo sư, trên 30 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Hiện nay, đội ngũ cán bộ khoa học của Trường có 1 giáo sư, 15 phó giáo sư tiến sĩ, 115 tiến sĩ, trên 500 thạc sĩ; hơn 50 cán bộ, giảng viên đang làm nghiên cứu sinh cả trong và ngoài nước.
Với tiềm lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thành lập các đơn vị chuyên trách để giao nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đến nay, Trường đã thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu, gồm: Viện Nghiên cứu khoa học và Phát triển Công nghệ, Viện Nghiên cứu Phát triển Chất lượng giáo dục, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, Trung tâm Nghiên cứu Thực Nghiệm, Trung tâm Phát triển Công tác Xã hội.
Song song với việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu, Nhà trường còn tranh thủ sự hậu thuẫn của cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn sâu ở các trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đối với lĩnh vực Trường có thế mạnh như các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Do vậy, đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường ngày càng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học.
- Việc xác lập định hướng hoạt động khoa học công nghệ: Trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học, căn cứ vào sứ mệnh, mục tiêu đề ra, Trường đã xác lập định hướng nghiên cứu ở hai lĩnh vực cơ bản là: Nghiên cứu phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một và nghiên cứu phục vụ kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở định hướng thứ nhất - nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một, các chương trình, đề tài, hội thảo khoa học tập trung vào nghiên cứu phục vụ xây dựng nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn học tập. Ở định hướng thứ hai - nghiên cứu phục vụ kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đề tài của Trường hướng nhiệm vụ vào giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan đến sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường. Từ năm 2014, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã ban hành Đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ với 10 chương trình gồm: Kinh tế, xã hội, môi trường, lịch sử văn hóa, giáo dục đào tạo, đô thị hóa, biển đảo, biên giới, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế. Đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ trở thành định hướng chủ chốt trong hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Công tác nghiên cứu khoa học sinh viên được khởi động từ năm học 2012 - 2013 với Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học và giải thưởng "Tài năng trẻ". Từ đó đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng khởi sắc. Số lượng đề tài đăng ký tham gia năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, có trên 500 sinh viên đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học và trên 150 cán bộ, giảng viên tham gia hướng dẫn. Nhiều đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Một số đề tài đã được phổ biến kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một và đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2014, Trường đã đổi mới từ Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành Ngày hội khoa học sinh viên với hình thức hội thảo khoa học quy mô toàn trường.
- Đối với việc xây dựng cơ chế chính sách: Việc xây dựng cơ chế, chính sách là một trong những mảng công tác được chú trọng. Để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu, Nhà trường đã tập trung xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động khoa học công nghệ. Các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động khoa học của Trường đã hoàn thiện bao gồm Chiến lược phát triển hoạt động khoa học công nghệ, Quy chế hoạt động khoa học và công nghệ, Quy chế làm việc của giảng viên. Trên cơ sở các văn bản pháp quy, công tác quản lý khoa học công nghệ cũng như việc xét duyệt, quản lý, nghiệm thu đề tài đã đi vào nề nếp. Song song với việc xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, Nhà trường đã dành nguồn tài chính ưu tiên cho hoạt động khoa học công nghệ. Theo Luật ngân sách nhà nước, hàng năm Trường đều dành 2% tổng ngân sách của Trường cho hoạt động khoa học công nghệ (khoảng trên 2 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, kinh phí nghiên cứu khoa học còn được bố trí thêm từ nguồn vốn tự có của Trường cùng các hoạt động liên doanh, liên kết khác.
- Đối với công tác phổ biến thông tin khoa học công nghệ: Nhà trường đã sớm thực hiện một kế hoạch xây dựng diễn đàn khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, đó là thành lập Tạp chí khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo. Tháng 7 năm 2011, Trường đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động Tạp chí khoa học với tôn chỉ mục đích là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Bình Dương và của ngành trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Thông tin, công bố kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy Trường Đại học Thủ Dầu Một và các trường đại học trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Xây dựng cầu nối giao lưu, trao đổi khoa học giữa hoạt động đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực; giữa nghiên cứu, giảng dạy với thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tạo diễn đàn khoa học phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin, tư liệu, cập nhật kiến thức, kỹ năng của cán bộ giảng dạy và nghiên cứu Trường Đại học Thủ Dầu Một; diễn đàn cho sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức giữa cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên. Song song với Tạp chí, công tác phổ biến khoa học công nghệ của Trường còn được thực hiện qua các kênh thông tin khác như: Tổ chức hội thảo khoa học, xuất bản sách, giáo trình, tài liệu tham khảo...
3. Thành tựu thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
Với tiềm năng khoa học công nghệ được tập hợp bước đầu (như trình bày ở mục 1), trong 5 năm (2011 - 2016), hoạt động khoa học công nghệ của Trường đã thu được một số kết quả khả quan, làm tiền đề cho sự phát triển. Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Trường đã thực hiện được 11 đề tài cấp bộ / tỉnh, 143 đề tài cấp trường. Trong số những đề tài đã nghiệm thu, các mảng nội dung nghiên cứu rất phong phú và đa dạng.
Ở lĩnh vực nghiên cứu phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một, các đề tài tập trung vào những vấn đề cấp thiết trong xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn, phát triển kỹ năng học tập…
- Đề tài phục vụ chương trình, nội dung đào tạo: Xây dựng giáo trình Điện tử học phần Thiên văn học cho sinh viên vật lý Trường Đại học Thủ Dầu Một; nghiên cứu công nghệ Flex ứng dụng xây dựng phần mềm quản lý trắc nghiệm cho khoa công nghệ thông tin trường Đại học Thủ Dầu Một; xây dựng hệ thống câu hỏi nhiều lựa chọn trong kiểm tra đánh giá học phần Đánh giá kết quả học tập ở Tiểu học dành cho sinh viên Tiểu học Trường Đại học Thủ Dầu Một; xây dựng phần mềm quản lý thư viện điện tử cho khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Thủ Dầu Một; giáo trình điện tử về Điện và Từ cho sinh viên không chuyên lý trường Đại học Thủ Dầu Một; dụng ý của điển cố trong Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều và Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; nghiên cứu chế tạo thiết bị quang trị liệu bằng công nghệ diode phát quang, ứng dụng trong vật lý trị liệu; rèn luyện tư duy biện chứng cho sinh viên thông qua giảng dạy phần 1 môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin; Sử liệu học : Nội dung, chương trình và tổ chức giảng dạy ở trường Đại học - thực trạng và giải pháp; xây dựng phần mềm hỗ trợ giảng dạy học phần cấu trúc dữ liệu và giải thuật; phân tích tác phẩm văn học ở bậc trung học trong nhà trường phổ thông từ góc độ thi pháp học; lịch sử văn minh thế giới; thiết kế mới một số bài bài thí nghiệm vật lý đại cương tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; định lý điểm bất động thông qua nón chuẩn và độ đo phi compact với giá trị trong nón, Tìm hiểu phê bình văn học trên báo và tạp chí Nam Bộ 30 năm đầu thế kỷ XX…
- Đề tài phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá: Xây dựng công cụ hỗ trợ trình chiếu trong giảng dạy; bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một để tổ chức bài dạy sinh học; ứng dụng các bài tập phát triển sức mạnh - tốc độ ở môn nhảy xa kiểu ưỡn thân cho nữ học sinh lớp 12 trường THPT Bến Cát - Tỉnh Bình Dương; xây dựng phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ công tác tổ chức tại trường Đại học Thủ Dầu Một; thực trạng nhận thức của giáo viên mầm non về bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở tỉnh Bình Dương; xây dựng và sử dụng bộ tiêu bản hiển vi cố định trong giảng dạy học phần Thực vật 1 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; xây dựng hệ thống bài tập phục vụ quá trình dạy học học phần Phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã hội ở Tiểu học; khảo sát sự hài lòng của người học đối với dịch vụ giáo dục tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; thiết kế và chế tạo mô hình kết hợp cần trục tháp và vận thăng xây dựng; nghiên cứu hiện tượng tăng tốc sinh học ở trẻ em từ 8-15 tuổi ở một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; ứng dụng công nghệ 2D, 3D hỗ trợ dạy và học môn hình học họa hình cho sinh viên ngành Kỹ thuật; Phương pháp dạy kiểu bài đọc hiểu trong sách Ngữ văn 6…
- Đề tài phục vụ hướng dẫn học tập, phát triển kỹ năng sinh viên: Nghiên cứu và sử dụng đồ gốm để dạy nặn cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở thị xã Thủ Dầu Một; biện pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp cho sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một; sử dụng đồ dùng trực quan trong việc dạy thể dục cho trẻ mẫu giáo; biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên Đại học Thủ Dầu Một; khảo sát trí tuệ cảm xúc của sinh viên ngành sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một; giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên hệ cao đẳng sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một theo hướng giáo dục trải nghiệm qua các hoạt động ngoài giờ bằng Tiết học xanh; tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một; một số giải pháp nâng cao năng lực thực hành môn bơi của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một; đánh giá sự phát triển thể lực của SV năm nhất Trường Đại học Thủ Dầu Một sau một năm học; đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên qua học phần giáo dục thể chất Trường Đại học Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương; tổ chức dạy học toán cao cấp (2) theo hướng phát huy tính tích cực tự học, tự khám phá tìm tòi….
Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong 5 năm (2011 -2016), đã có trên 100 đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ với nhiều lĩnh vực, từ khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Ở lĩnh vực nào, các đề tài nghiên cứu đều xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của kinh tế, xã hội, có đóng góp to lớn về cả lý luận và thực tiễn.
- Đề tài giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, Trường đã thực hiện 11 đề tài cấp tỉnh, 30 đề tài cấp trường, đề cập đến nhiều vấn đề khoa học, thực tiễn của Bình Dương trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở cấp tỉnh, Trường thực hiện các đề tài: Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử cấp THCS ở tỉnh Bình Dương - Thực trạng và giải pháp; ứng dụng các giải thuật tối ưu hóa trong việc xây dựng các mô hình dự báo chuỗi số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương; Đội ngũ công nhân ngành cao su Bình Dương trong những năm khôi phục và phát triển ngành kinh tế cao su từ năm 1975 đến 2010; công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở ở tỉnh Bình Dương hiện nay - Thực trạng và giải pháp; xây dựng giải pháp phần mềm “Deface Tracking” hỗ trợ kiểm soát thông tin bảo mật thông tin cho cổng/trang điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; nghiên cứu triển khai hệ thống catching cải tiến cho mạng Trường Đại học Thủ Dầu Một; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương trở thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch - kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai; nghiên cứu đến các yếu tố tác động đến chất lượng nước Hồ Đá Đen và đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp… Ở cấp cơ sở đã thực hiện trên 20 đề tài như: Xây dựng phần mềm ứng dụng vào dự báo nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một; giải pháp móng hợp lý cho công trình nhà xây chen trong đô thị trên nền địa chất ở thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương; khảo sát và đề xuất giải pháp cải tiến các mô hình nông nghiệp sinh thái góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Thị Tính - tỉnh Bình Dương; ứng dụng lý thuyết mô hình Sutton trong đánh giá ô nhiễm không khí do giao thông ở đại lộ Bình Dương; đời sống kinh tế - xã hội của người Chăm ấp Hòa Lộc, Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương; nghiên cứu ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến Báo chí - Xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương; nghiên cứu và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa phát triển du lịch tỉnh Bình Dương…
- Đề tài giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế, xã hội của các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đây là lĩnh vực có số đề tài nhiều nhất, nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào các chủ đề về khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, khoa học kỹ thuật, kinh tế… Một số nhóm đề tài tiêu biểu như:
Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa học và công nghiệp thực phẩm: Nghiên cứu chế tạo bột Nano TiO2 bằng phương pháp thủy nhiệt muối TiCl4 trong môi trường đệm; phát triển các mô hình xác định hoạt tính ức chế tế bào ung thư và định hướng thiết kế tổng hợp dược chất Flavone và IsoFlavon mới; nghiên cứu tổng hợp hệ xúc tác Ni/BaO mang trên Al2O3 ứng dụng trong phản ứng phân hủy nhiệt trực tiếp NOx; biến tính bề mặt dendrimer PAMAM bằng ankyl béo ứng dụng làm chất mang thuốc trong y học; nghiên cứu chế tạo khuôn anodic aluminum oxide (AAO) và khảo sát ảnh hưởng của AAO đến sự hình thành hạt nano kim loại; nghiên cứu điều chế hydrogel nhạy cảm với nhiệt độ cơ thể từ dẫn xuất chitosan để mang nhả chậm curcumin ứng dụng trong y học; nghiên cứu loại bỏ ion Pb(II) và xanh metylen trong môi trường nước bằng vật liệu thải từ qui trình khai thác bauxite....
Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học: Nghiên cứu tạo chế phẩm từ một số chủng Trichoderma kiểm soát bệnh thán thư do Colletotrichum gây ra trên cây ớt (Capsicum frutescens); nghiên cứu xác định môi trường tối ưu để nhân giống vô tính cây Trân châu xanh (Nervilia aragoana Gaudich); tổng hợp và nghiên cứu hoạt tính sinh học In Vitro vật liệu xương nhân tạo Calcium Phosphate; phân lập và nghiên cứu tạo chế phẩm nấm Trichoderma có khả năng đối kháng với nấm Corticium Salmonicolor gây bệnh nấm hồng trên cây cao su (Hevea Brasiliensis); nghiên cứu chế tạo mô hình sinh học hiếu khí, nghiên cứu chế tạo mô hình sinh học hiếu khí có vật liệu bám dính; xác định sự hiện diện của gen quy định protein điều chỉnh miễn dịch trong nấm Hoàng chi (Ganoderma colossum donk) ở Việt Nam; nghiên cứu ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng (BAP, NAA, IBA) lên quá trình nhân giống in vitro cây điều (Anacardium occidentale L.) cao sản TL2/11 bằng phương pháp lát cắt mỏng; nghiên cứu tạo chế phẩm đạm hoà tan từ trùn quế (Perionyx excavatus); nghiên cứu khả năng sinh trưởng và một số chỉ tiêu chất lượng thịt của lợn lai F1 giữa lợn đực rừng Việt Nam và lợn nái Móng Cái; xác định nhu cầu dinh dưỡng và xây dựng khẩu phần thức ăn nhằm tăng khả năng sản xuất cà phê chồn nguyên liệu cho cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus Pallas, 1977) trong điều kiện nuôi nhốt; đánh giá tác động hợp lực của cao chiết từ các bộ phận khác nhau của cây khế Averhoa carambola L. với nano Vàng (Gold nanoparticles) trên khuẩn Staphylococcus aureus…
Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học môi trường: Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương và một số địa điểm lân cận nhằm ứng phó sự cố tràn dầu; nghiên cứu thiết lập và áp dụng chỉ số chất lượng nước (WQI) cho sông Thị Tính phục vụ quản lý nguồn nước; nghiên cứu chế tạo mốp cứng polyurethane tỷ trọng thấp sử dụng tác nhân tạo bọt không gây phá hủy tầng ozone; Nghiên cứu xử lý nước thải chăn nuôi heo sau hệ thống biogas bằng công nghệ sinh thái; ứng dụng mô hình LandGEM để đánh giá, dự báo khí thải từ bãi chôn lấp chất thải rắn Nam Bình Dương và đề xuất giải pháp thu gom, tái sử dụng; ảnh hưởng của hợp chất ly trích từ cây neem sử dụng trong điều trị bệnh thủy sản đến chất lượng môi trường nước ao nuôi...
Các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn: Quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ 1998-2010 - Thực trạng và giải pháp; nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định dự thầu và ứng dụng phương pháp định lượng Analytic Hierarchy Process (AHP) để xây dựng mô hình ra quyết định; nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm trong các chùa, đình, miếu ở Đông nam Bộ, Kinh tế công thương nghiệp Đông Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến năm 1858…
- Trên lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ: Đây là công việc hết sức mới mẻ. Với những nỗ lực cao, Trường Đại học Thủ Dầu Một đạt được một số thành tựu bước đầu rất quan trọng. Từ đề tài cấp trường “Nghiên cứu nuôi trồng nấm trùng thảo (Cordyceps militaris) trên môi trường nhân tạo tại Đại học Thủ Dầu Một”, năm 2015 Trường đã sản xuất thành công sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo chất lượng cao, được Cục Đo lường chất lượng (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận sản phẩm tin dùng năm 2016. Đến nay, Trường Đại học Thủ Dầu Một đang hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai sản xuất các sản phẩm: Rượu đông trùng TDMU, Cao đông trùng TDMU, Đông trùng tươi TDMU, Trà đông trùng đẳng sâm túi lọc TDMU, tỏi đen TDMU, tinh dầu TDMU (bưởi Bạch Đằng, cam, sả), xà bông thảo dược TDMU (xà bông bưởi, xà bông yến mạch xà bông cà phê); Nano cucumin, nano vàng, nano bạc; Cao chiết thực vật kháng khuẩn, Bột vi tảo Sprirulina TDMU, cà phê chồn TDM, chế phẩm vi sinh trừ bệnh cây ớt Trichoderma TMDU1, chế phẩm vi sinh trị bệnh nấm hồng cây cao su Tricho-TDMU X1; cây giống invitro, tạo giống sạch bệnh: Lan, đẳng sâm, cây dược liệu; tinh phân tách theo giới tính ở bò, hỗ trợ thụ tinh ở thú hoang dã, các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, chế phẩm vi sinh diệt sâu rầy MetaMix-TDMU, Chế phẩm gel nano đông trùng trị bỏng, keo dán vết mổ… Trường cũng đã ký các văn bản liên kết nghiên cứu phát triển, phân phối sản phẩm với các đơn vị: Công ty Cổ phần công nghệ TMD, Công ty Thế giới Gen, Công ty Bio Phương Nam…
- Về tổ chức hội thảo khoa học: Trong 5 năm (2011 - 2016), Trường đã tổ chức và phối hợp tổ chức 3 hội thảo khoa học quốc tế, 2 hội thảo khoa học toàn quốc và hơn 100 cuộc hội thảo cấp trường, cấp khoa. Một số hội thảo đã để lại dấu ấn sâu sắc trong giới khoa học. Điển hình là Hội thảo khoa học quốc tế: Xây dựng công trình trên nền đất yếu (năm 2013), Việt Nam 40 năm thống nhất, phát triển và Hội nhập 1975 -2015 (năm 2015, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), "Tăng trưởng xanh - Con đường hướng đến phát triển bền vững" (năm 2016, phối hợp với Hiệp hội Quản lý và Nghiên cứu công nghệ xanh)... Các hội thảo toàn quốc: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử (năm 2014, gồm các đơn vị: Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ), "Hai mươi năm đô thị hóa Bình Dương - những vấn đề thực tiễn" (năm 2017, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, Viện Quy hoạch Phát triển đô thị tổ chức), "Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ" (năm 2016, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Viện Văn học (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)... Các hoạt động tọa đàm khoa học, báo cáo chuyên đề ở cấp bộ môn diễn ra khá thường xuyên.
- Đối với công tác phổ biến khoa học công nghệ: Trong 5 năm 2011 - 2016, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một đã công bố trên 30 bài báo quốc tế, chủ yếu trong danh mục tạp chí của Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information) Hoa Kỳ, bao gồm các tạp chí trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ (SCI, SCIE) và Scopus. Có trên 1.000 bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí uy tín trong nước. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một đã xuất bản 30 kỳ, đăng tải trên 500 bài báo khoa học của các tác giả trong và ngoài Trường. Thông qua công tác phổ biến khoa học, Tạp chí đã xác lập được uy tín trong giới khoa học, được các cơ quan khoa học và giáo dục đánh giá cao. Đến nay, Tạp chí đã được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục Tạp chí tính điểm xét công nhận học hàm Giáo sư, Phó giáo sư các ngành: Lịch sử - Khảo Cổ học - Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Văn học, Tâm lý học, Giáo dục học, Công nghệ sinh học. Từ kết quả của công tác nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, Trường đã xuất bản được các tựa sách: Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam (3 tập), Văn hóa Trung Quốc, Bài giảng Tiến trình lịch sử Việt Nam và bộ kỷ yếu hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử (gồm 4 tập), Sử liệu học và các nguồn sử liệu Việt Nam, Thi pháp học, Tư duy biện luận ứng dụng, Hiện trạng đời sống văn học đồng bằng sông Cửu Long, Biển đảo Nam Bộ trong quá trình phát triển và hội nhập (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM)... Đối với mảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, những kết quả nghiên cứu bước đầu của Trường đã tập hợp thành tập sách: Phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương - Những vấn đề khoa học và thực tiễn (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013), Phúc lợi xã hội - hiện trạng và mức độ tiếp cận của công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương (NXB Chính trị Quốc gia, 2014).
3. Định hướng hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong bối cảnh Bình Dương xây dựng thành phố thông minh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Đã có nhiều chương trình, đề án, dự án liên quan đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 được triển khai ở các cấp độ khác nhau. Những tên gọi thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, cửa hàng thông minh, căn hộ thông minh... đã trở thành những từ khóa "nóng" không chỉ trên các diễn đàn khoa học mà trong cả hơi thở cuộc sống. Tỉnh Bình Dương từ năm 2015 đã hợp tác với thành phố Eidhoven (Hà Lan) thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Từ năm 2016 đến nay, Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát, đánh giá, xác định các tiêu chí cốt lõi, các chương trình hành động cũng như các dự án cần thực hiện để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Trong bối cảnh Bình Dương xây dựng thành phố thông minh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một tập trung vào một số định hướng sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập hợp tiềm năng khoa học công nghệ, phát huy năng lực sẵn có của Nhà trường, mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước và chủ động hội nhập để xây dựng và phát triển các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ của Nhà trường đủ mạnh, có khả năng tạo ra các sản phẩm trí tuệ cao, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước mắt, Nhà trường nỗ lực tập hợp đội ngũ, sử dụng hợp lý và giữ được nhân tài, tạo mọi điều kiện để các cán bộ, giảng viên có trình độ cao được tham gia nhiều trong các hoạt động khoa học công nghệ; chú trọng bồi dưỡng năng lực nghiên cứu liên ngành, hình thành 6 nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với chiến lược phát triển của Trường gồm: Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản lý, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học kỹ thuật điện - điện tử - công nghệ thông tin, khoa học giáo dục. Các nhóm nghiên cứu này có năng lực thực hành nghiên cứu cao, có khả năng dẫn dắt và tạo điều kiện để môi trường học thuật phát triển.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chương trình, đề tài khoa học công nghệ theo kế hoạch chiến lược đã ban hành. Dành nguồn lực cao nhất để thực hiện Đề án Nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ với 10 chương trình nghiên cứu cụ thể trong đề án. Trong việc thực hiện các chương trình, đề tài khoa học công nghệ thuộc nhiệm vụ phát triển Trường Đại học Thủ Dầu Một, Nhà trường có chính sách ưu tiên cho các nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất mở ngành đào tạo mới, nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo tạo theo hướng phát triển tư duy biện luận, tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp... Đối với các chương trình, đề tài phục vụ kinh tế, xã hội, Trường sẽ tập trung đầu tư cho các nghiên cứu khoa học đỉnh cao thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ l¬ưỡng dụng, tạo ra những đột phá mạnh, đạt trình độ quốc tế để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tích cực tham gia các chương trình, đề tài nghiên cứu trọng điểm của tỉnh và các bộ, ngành về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật, kinh tế. Đối với việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, Trường sẽ đầu tư sản xuất một số sản phẩm chủ chốt có giá trị thương mại cao như: Rượu đông trùng TDMU, Cao đông trùng TDMU, Đông trùng tươi TDMU, Trà đông trùng đẳng sâm túi lọc TDMU, Tỏi đen TDMU, Tinh dầu TDMU (bưởi Bạch Đằng, cam, sả), xà bông thảo dược TDMU (xà bông bưởi, xà bông yến mạch xà bông cà phê)...
Thứ ba, khuyến khích cả về tinh thần và vật chất cho các nhóm có ý tưởng sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, từng bước xây dựng Trường Đại học Thủ Dầu Một trở thành nơi phát khởi sáng tạo khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Gắn định hướng sáng tạo khoa học công nghệ và khởi nghiệp của cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên với Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương thông qua các hoạt động chia sẻ những kết quả nghiên cứu về mô hình thành phố thông minh trên thế giới, giới thiệu những phương án, lộ trình cho việc xây dựng thành phố thông minh thích ứng với điều kiện Việt Nam nói chung và ở tỉnh Bình Dương nói riêng, tạo lập diễn dàn khoa học, kênh chia sẻ thông tin và các tri thức học thuật về chủ đề thành phố thông minh, góp phần tăng cường sự trao đổi, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học, các cơ quan khoa học, giáo dục và doanh nghiệp để có thể đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp trong việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam, trong đó có Bình Dương.
Thứ tư, đẩy mạnh việc gắn kết với các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong lĩnh vực công nghệ cao để chia sẻ các nguồn lực chung (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực), rút ngắn thời gian chuyển giao từ tri thức vào thực tiễn cuộc sống. Nhà trường đang triển khai thực hiện mô hình tổ chức các đơn vị nghiên cứu ứng dụng hợp lý, phù hợp với thế mạnh sẵn có của Trường, có khả năng liên kết với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học, lĩnh vực vật lý, hóa học. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp một số phòng thí nghiệm hiện có đủ điều kiện đề xuất và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, có tính liên ngành cao và hợp tác quốc tế hiệu quả làm cơ sở gắn kết Nhà trường với doanh nghiệp trong tương lai.