Gỡ vướng để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất
Hiện nay, khoa học và công nghệ (KH&CN) được coi là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp (DN) phát triển. Nhằm tạo điều kiện cho DN có điều kiện để phát triển, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chính sách… hỗ trợ, từ đó giúp cho DN có nguồn lực để đầu tư máy móc thiết bị.
Nhiều cơ chế và chính sách cho DN
Thực hiện chủ trương đưa KH&CN trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong tình hình mới, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách mới có tính đột phá để đẩy mạnh phát triển KH&CN, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN …
Qua Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, đã cho thấy có nhiều quan điểm mới, như kết nối hệ thống các tổ chức dịch vụ và các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế; xây dựng các khu ươm tạo DN KH&CN, DN công nghệ cao…
Riêng tại tỉnh Bình Dương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển KH&CN như Kế hoạch số 3191/KH-UBND ngày 23/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết 20-NQ/TW; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; chính sách hỗ trợ việc cấp phát kinh phí nhiệm vụ KH&CN thông qua Quỹ phát triển KH&CN tỉnh; chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN theo quy định đối với các DN KH&CN…
Như vậy, có thể nói trong thời gian qua, nhiều văn bản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho phát triển KH&CN tại DN, như hướng dẫn việc giao sử dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nghiên cứu và phát triển công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách nhà nước cũng đã và đang trong quá trình xây dựng. Những bước triển khai nói trên đã thể hiện đầy đủ ý chí và quyết tâm Bộ KH&CN trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, về phát triển KH&CN trong tình hình mới.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển KH&CN
Theo Bộ KH&CN, ước tính đến nay mới chỉ công nhận được khoảng trên 100 DN KH&CN trên phạm vi toàn quốc. Số lượng các doanh nghiệp KH&CN được công nhận có phân bố không đồng đều, quy mô nhỏ là chủ yếu, các doanh nghiệp làm ăn tốt chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược liệu…
Một vấn đề cần nhắc đến là việc không sử dụng được nguồn lực từ Quỹ phát triển KH&CN trong các DN để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong thời gian qua, do các quy định “ngặt nghèo” về sử dụng Quỹ đã làm khó hoạt động phát triển KH&CN trong các DN, hạn chế yếu tố sáng tạo của doanh nghiệp bằng các nghiên cứu, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm mới.
Ngoài ra, việc công nhận kết quả nghiên cứu còn bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật, như việc giới hạn về ngành nghề hoặc sản phẩm tạo ra từ ngành nghề đó ở lĩnh vực công nghệ cao là chưa hợp lý. Ví dụ, theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển gồm công nghệ sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao cấp cho công nghiệp điện, điện tử, chế tạo máy; công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Nhưng đến năm 2014, lại thay đổi Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển (theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lại không có công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp). Do đó, các DN sản xuất gốm sứ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cho KH&CN.
Các DN cho rằng, mặc dù nhận thức được lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về DN nào biết ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của DN vẫn còn nhiều khó khăn các chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian... Do đó, để đẩy mạnh KH&CN, thì cần có những giải pháp vận dụng phù hợp với thực tiễn, cải cách thủ tục để các DN có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác… để DN có điều kiện đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các DN áp dụng KH&CN vào sản xuất cũng như triển khai có hiệu quả kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn, Sở KH&CN đã tiếp thu các kiến nghị của các DN, địa phương để có phương án điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
|
Thiên Bình