Hai dự án - Một đích đến
Thời gian gần đây không chỉ những người đi xa trở về Bình Dương mà cả những người dân trong tỉnh cũng dễ dàng cảm nhận sự thay đổi lớn trong bộ mặt đô thị. Có được sự thay đổi này là do tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm. Đặc biệt, 02 dự án lớn đã được triển khai trên địa bàn tỉnh và mang lại hiệu quả xã hội to lớn trong thời gian qua đó chính là dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương và dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương
Lên kế hoạch từ năm 2004, đến năm 2011, Bình Dương chính thức triển khai Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Đây là một dự án quan trọng nhằm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của các đô thị phía Nam. Dự án được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Ở giai đoạn I, dự án triển khai trên diện tích 900ha của thành phố Thủ Dầu Một, bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải; 12 trạm bơm chuyển bậc và trạm bơm nâng. Song song đó là mạng lưới thu gom 03 cấp, tách riêng hoàn toàn với hệ thống thu gom nước mưa.
Dây chuyền phân loại rác thải tại nhà máy sản xuất phân compót của khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương
Khu vực nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có diện tích 11ha với công suất hơn 70.000 m3/ngày đặt tại phường Phú Thọ - thành phố Thủ Dầu Một. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất trên 17 ngàn m3/ngày. Đầu tháng 6 năm 2013, nhà máy được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. So với kế hoạch ban đầu, nhà máy xử lý nước thải thành phố Thủ Dầu Một hoàn thành trước gần nửa năm. Đến nay, đã có hơn khoảng 2.000 hộ dân ở thành phố Thủ Dầu Một đấu nối vào hệ thống.
Khu nhà trọ ở hẻm 113 đường 30/4 phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một. Khu nhà trọ có 19 phòng. Trung bình một ngày, cả khu sử dụng khoảng 10 khối nước, nghĩa là một tháng có khoảng 300 khối nước được thải ra. Lượng nước thải ấy không qua xử lý, trực tiếp ngấm vào đất gây nên mùi hôi thối, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người thuê trọ. Chính vì thế, ngay khi biết thông tin về dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, chủ nhà trọ đã thực hiện đấu nối nước thải cho cả khu nhà trọ.
Như vậy, khi hoàn thành công tác đấu nối, nước thải sinh hoạt của hơn 50.000 người dân ở thành phố Thủ Dầu Một sẽ được xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường. Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nước của sông Sài Gòn, là nguồn cung cấp nước đầu vào cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt tại Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.
Với những kết quả khả quan từ giai đoạn 1 của dự án, năm 2015, Bình Dương tiếp tục mở rộng hệ thống thu gom nước thải tại thành phố Thủ Dầu Một và xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Thuận An.
Hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn…
Cùng với việc cải thiện chất lượng môi trường nước, Bình Dương cũng đã nỗ lực giải quyết một vấn đề khá bức xúc trong quá trình đô thị hóa của tỉnh. Với 1,7 triệu dân, mỗi ngày có trên 800 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh. Hiện nay, Bình Dương đã xây dựng được hệ thống thu gom rác thải khá rộng khắp. Ngoài Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công trình đô thị Bình Dương và các xí nghiệp công trình công cộng tại các huyện thị đảm nhiệm việc thu gom rác sinh hoạt, thì tại các xã phường đã hình thành được các hợp tác xã thu gom rác dân lập.
Tuy nhiên, đối với một đô thị phát triển thì yêu cầu đặt ra không chỉ là thu gom được tất cả lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mà cần phải xử lý rác như thế nào để không tác động đến môi trường. Trước yêu cầu này, Bình Dương đã xây dựng khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 74 ha, tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát; có tổng vốn đầu tư 480 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Phần Lan tài trợ 184 tỷ đồng.
Dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương gồm 02 hạng mục chính: Khu xử lý rác sinh hoạt tái chế thành phân compost và khu xử lý rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại có công suất xử lý 500 tấn/ngày.
Hiệu quả trước mắt mà dự án này mang lại đó chính là việc tiết kiệm tài nguyên đất. Bởi khi nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động sẽ thay thế việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất đai có hạn như hiện nay.
Không chỉ tiết kiệm được tài nguyên đất, dự án này hoạt động cũng mang lại nhiều lợi ích trong việc tận dụng nguồn tài nguyên từ rác. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 420 tấn rác thải được đưa về đây thì trong đó có 30% rác thải hữu cơ được tách ra để sản xuất phân. Phần lớn túi nylon và các chất thải có thể tái chế cũng được thu gom trở lại.
Việc đưa vào vận hành nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải là cơ sở cho việc kiện toàn và hiện đại hóa hệ thống thu gom và xử lý rác tại Bình Dương. Bởi khi hạ tầng kỹ thuật của hệ thống xử lý rác đáp ứng thì việc thu gom, phân loại rác cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Không chỉ là tỉnh vận dụng có hiệu quả các giải pháp cải thiện và kiểm soát ô nhiễm mà Bình Dương còn được đánh giá là tỉnh đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc triển khai các dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương và khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để Bình Dương đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường và trở thành một đô thị hiện đại, văn minh trong tương lai…
Huỳnh Thanh - Trần Nam