Hiệp định CPTPP và mối lo về vấn đề sở hữu trí tuệ
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước ký kết vào ngày 8/3/2018. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Và Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Trong các điều khoản của Hiệp định thì vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có những thay đổi, quy định mới so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Còn đó những thách thức
Không phải ngẫu nhiên mà CPTPP có một số điều chỉnh về SHTT, vấn đề này trước đây TPP đã dành riêng một trong tổng số 30 chương để đưa ra các quy định về SHTT. CPTPP hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền SHTT, có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT, đặc biệt là yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự. So với cách tiếp cận trong WTO (chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính) thì cách tiếp cận này có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn WTO.
Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, mỗi quốc gia lại có cách diễn giải khác nhau về “quy mô thương mại”, nên đã từng nảy sinh những vụ kiện ở WTO về vấn đề này. Do vậy, CPTPP đã “xiết” tiêu chuẩn xác định quy mô thương mại, hành vi xâm phạm SHTT ở quy mô thương mại sẽ bị khép vào mức xử lý hình sự. Không cần biết là cố ý hay vô ý, cũng sẽ bị khép vào hành vi ở quy mô thương mại, đây là điều mà doanh nghiệp và ngay cả người buôn bán nhỏ cần phải lưu ý, bởi có những trường hợp vô tình xâm phạm nhưng dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu cũng có thể bị quy kết.
Một vấn đề cần nhắc tới, hiện nay các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vấn đề SHTT rất hay bị cho qua, trong khi nếu gia nhập CPTPP và mở cửa thị trường thì đây lại là yếu tố được các doanh nghiệp nước ngoài đặt lên hàng đầu. Tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp xử lý hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng. Vì thế, các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi xâm phạm về SHTT sẽ đứng trên bờ vực phá sản.
“Do việc bảo hộ cao, dẫn đến các đối tượng mới sẽ được đưa vào diện bảo hộ như nhãn hiệu âm thanh, mùi vị hoặc bảo hộ đối tượng kiểu dáng công nghiệp từng phần, đây cũng là một trong những sức ép đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích nghi”, ông Khuê cho biết thêm.
Cần có sự điều chỉnh, thay đổi quy định
Về cơ bản, CPTPP tiến bộ hơn so với TPP đã ký kết nên nó là toàn diện hơn và SHTT vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Thách thức lớn nhất là khi vi phạm SHTT ở Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm SHTT, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, CPTPP cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP, trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới SHTT.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), với việc tạm hoãn với thời gian 5 năm là cơ hội để nước ta điều chỉnh các quy định, các văn bản pháp luật về SHTT để phù hợp với các quy định của CPTPP. Đồng thời, coi đây là áp lực để thực hiện tốt hơn pháp luật về bảo vệ SHTT, nhất là tệ nạn hàng nhái, hàng giả, ăn cắp bản quyền, thương hiệu... ngay ở trong nước. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành có liên quan để xây dựng luật, sửa đổi các luật có liên quan để thực hiện cam kết của CPTPP, theo lộ trình thì đến khoảng giữa năm 2019 sẽ được trình lên Quốc hội. Cục SHTT là cơ quan đầu mối để xây dựng, chủ trì và phối hợp cùng với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi Luật SHTT.
Theo Luật sư Hoàng Thái Nguyên, Văn phòng Luật sư Phanxita (thành phố Thủ Dầu Một), kể từ khi gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đến nay, khung pháp lý cho việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam về cơ bản đã đã được điều chỉnh. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các tranh chấp về quyền SHTT ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, nhất là khi CPTPP đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trên cơ sở khung pháp lý đã có cũng cần phải có những điều chỉnh, thay đổi các quy định về SHTT cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KHCN cho rằng, đối với các DN, cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và DN cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia trong CPTPP. Để có thể thích ứng với các quy định của CPTPP, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường vai trò quản lý và điều hành của Nhà nước thì các DN cũng phải tự nâng cao nhận thức, tránh vi phạm SHTT, hạn chế tối đa việc kiện tụng.
Kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định là thành viên có trách nhiệm của tổ chức này. Khung pháp lý cho việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các tranh chấp về quyền SHTT ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Đã có nhiều vụ việc được giải quyết theo trình tự “á tố tụng”, khi mà các cơ quan hành chính thay thế một phần vai trò của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực thi quyền SHTT. Không thể phủ nhận sự cần thiết của hệ thống hành chính trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, xu hướng chung và cũng là cách thức giải quyết tranh chấp quyền SHTT một cách triệt để mà Việt Nam cần phải thực hiện đó là giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Tòa án.
Hải Sư