Hiệu quả từ mô hình trồng nấm bào ngư ở huyện Bàu Bàng
Nghề trồng nấm, triển vọng theo chủ trương chung của Huyện
Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp của UBND huyện Bàu Bàng theo hướng ứng dụng công nghệ cao và triển khai các mô hình sản xuất có chất lượng và hiệu quả kinh tế để góp phần chuyển dịch thành công cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Các hộ sản xuất nông nghiệp ở huyện Bàu Bàng đã có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình trồng nấm bào ngư đang được xem là khá thích hợp để triển khai thực hiện và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan, nâng cao nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nấm bào ngư xám đang mang lại hiệu quả tích cực, với giá trị kinh tế cao
Với đặc tính ít bị bệnh, dễ trồng, có yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và có giá trị dinh dưỡng rất cao, có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc trồng nấm bào ngư có thể sản xuất được quanh năm và thị trường tiêu thụ cũng đang mở rộng ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với những ưu điểm nêu trên, hiện nay trên địa bàn huyện Bàu Bàng, nấm bào ngư đang được đầu tư thực hiện tại nhiều nơi như xã Tân Hưng, xã Long Nguyên. Theo lời anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng cho biết, việc trồng nấm trên địa bàn xã Tân Hưng đã được nhiều hộ thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, do sản xuất chưa theo đúng quy trình kỹ thuật, chưa có quy trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và thị trường đầu ra chưa có, bán giá rẻ do qua nhiều khâu trung gian. Từ thực tế đó, năm 2013, Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng được thành lập với 12 thành viên, với số vốn đầu tư ban đầu là 360 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình khép kín
Từ những trại trồng nấm đã có trên địa bàn, Tổ hợp tác đã triển khai thử nghiệm mô hình trồng nấm bào ngư xám cho 3 thành viên với 10.000 bịch phôi giống, được thực hiện theo đúng kỹ thuật từ thiết kế trại, chu kỳ thu hoạch, xử lý trại sau thu hoạch... Qua 6 tháng triển khai, mô hình đã phát huy được hiệu quả và được Tổ hợp tác nhân rộng. Hiện nay đã có 7 thành viên triển khai với tổng diện tích là 2000 m2 đang cho thu hoạch 400.000 bịch phôi giống. “Cùng với việc triển khai trồng nấm linh chi, hiện tại hầu hết các thành viên của Tổ hợp tác đều nuôi trồng với tổng số bịch phôi nấm là hơn 80.000 bịch” Anh Hồ Văn Quyết cho biết.
Riêng với gia đình anh, mặc dù đầu tư ban đầu cho mô hình khá cao nhưng bù lại, nấm bào ngư xám cho thu hoạch liên tục trong vòng 5 tháng. Từ khi trồng cho tới khi thu hoạch mất 70 ngày, cứ 10 ngày nấm cho thu hoạch 01 lần, nhưng điều đặc biệt là nông dân có thể điều chỉnh được sự sinh trưởng của nấm theo ý mình. Với giá bán nấm từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi ngày anh thu vào khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, anh Quyết tâm sự: “Ngoài việc chọn mua phôi giống chất lượng, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo 2 yếu tố là nhiệt độ từ 20 đến dưới 300C còn độ ẩm khoảng 90% thì nấm mới phát triển tốt”. Về đầu ra sản phẩm, anh Quyết cho biết, khó khăn lúc đầu do ở đây ít người biết đến loại nấm này mà họ quen với nấm rơm truyền thống. Hiện khách hàng đã biết đến nhiều nên không cần phải lo đầu ra. Mỗi ngày sản xuất ra không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Anh Quyết cho biết: Để trồng nấm bào ngư thành công thì quan trọng nhất là phải thiết kế được kiểu nhà trồng phù hợp với điều kiện khí hậu nơi mình sản xuất. Tất cả trại của anh đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về lưới ngăn côn trùng gây hại, luôn đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, độ thông thoáng cho nấm phát triển thích hợp nên năng suất nấm cao và ổn định ở mức 250 gram nấm trên mỗi bịch phôi. Ngoài ra, kỹ thuật tưới và điều chỉnh cho nấm ra đồng loạt cũng cần thực hiện kỹ lưỡng. Với kinh nghiệm của anh thì chỉ nên cho nấm ra ở miệng bịch và sau khi thu khoảng 9 - 10 đợt thì trồng lại đợt mới. Đồng thời, sau mỗi đợt trồng cần vệ sinh khử trùng trại thật kỹ trước khi trồng đợt mới. Nhờ có sự kiên trì và ý chí quyết tâm mà gia đình anh đã thành công nhờ mô hình trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hướng đi bền vững với nông dân Bàu Bàng
Đánh giá về mô hình sản xuất này, ông Huỳnh Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng cho rằng, trong thời gian qua, bà con nông dân không chỉ tại xã Tân Hưng mà còn ở các địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với mô hình Tổ hợp tác trồng nấm của xã Tân Hưng đã phát huy có hiệu quả, người nông dân đã liên kết, hợp tác với nhau nuôi trồng nấm từ khâu cung cấp phôi nấm cho đến tiêu thụ, qua đó nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Với việc triển khai trồng nấm bào ngư xám theo quy trình thu hoạch cuốn chiếu, đóng nắp bịch phôi nấm 7 ngày, sau đó mở nắp cho nấm ra đã nâng cao năng suất nấm trên mỗi bịch phôi và hạn chế được dịch bệnh. Hiện tại, với 400.000 bịch phôi giống, một ngày cho thu hoạch từ 800 đến 1000kg. Với quy mô trang trại 200m2, khoảng 30.000 bịch phôi, chu kỳ thu hoạch trung bình 4 tháng/đợt, mỗi bịch phôi cho thu hoạch từ 7 đến 10 lần, 1 lần thu hoạch trung bình 100kg. Nếu giá thị trường ổn định thì người trồng sau khi trừ chi phí cũng thu lãi từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/đợt thu hoạch.
Bên cạnh đó, với mô hình trồng nấm linh chi, mỗi đợt thu hoạch (trung bình 5 tháng) của các thành viên Tổ hợp tác đạt trung bình 500kg, với giá thu mua 420.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên từ 20 đến 25 triệu đồng/đợt. Anh Quyết cũng cho biết thêm, với việc áp dụng đúng quy trình sản xuất và tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tổng doanh thu Tổ hợp tác trong năm 2016 đạt 1,582 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi thành viên trung bình đạt hơn 56,5 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm của Tổ hợp tác đều được các đại lý tại chợ đầu mối Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đến thu mua tận nơi.
Có thể thấy, nấm bào ngư dễ trồng, cho thu nhập khá cao lại không tốn nhiều diện tích đất và nhẹ công chăm sóc. Mô hình này rất cần phát triển hơn trong thời gian tới, góp phần cải thiện kinh tế cho người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, “Hội Nông dân huyện Bàu Bàng cũng đã đề xuất lên UBND huyện cũng như Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để triển khai các nguồn vốn hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất” ông Huỳnh Văn Lâm cho biết thêm về hướng đi sắp tới cho các mô hình trồng nấm ở huyện Bàu Bàng. Tin tưởng rằng, đây là cách làm thiết thực và phù hợp với sự phát triển nông nghiệp của huyện Bàu Bàng kể cả những nơi có diện tích đất sản xuất ít, qua đó góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
- Hoàng Oanh -