Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Bàu Bàng
Những năm qua, cùng với tiến trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị mạnh mẽ, có thể thấy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Bàu Bàng triển khai và thực hiện sâu rộng đạt được nhiều thành quả tích cực.
Sau hơn 3 năm, kể từ ngày thành lập huyện cho đến nay, nông nghiệp của huyện Bàu Bàng đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được điều này là nhờ sự quan tâm đặc biệt các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã chú trọng xây dựng cho Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong giai đoạn 2014-2016, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) đã xuất hiện nhiều mô hình và gương điển hình với doanh thu trung bình từ 01 - 10 tỷ đồng mỗi năm, từ đó phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của quần chúng nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê huơng mình.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả
Đánh giá về những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng và thực hiện Phong trào NDSXKDG tại Hội Nghị Tổng kết và Biểu dương phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn (2014 - 2016), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn (2017 - 2019) ngày 14/4/2017 vừa qua tại huyện Bàu Bàng, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Cùng với việc triển khai các điểm trình diễn cây, con giống mới và tham quan họ tập kinh nghiệm sản xuất, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình mới có hiệu quả như trang trại tổng hợp ở xã Long Nguyên và Lai Hưng, mô hình chăn nuôi vịt xiêm lai ở xã Lai Hưng; mô hình trồng hoa lan ở xã Tân Hưng và Lai Hưng; mô hình chăn nuôi heo ở xã Long Nguyên và Cây Trường, mô hình trồng cây có múi ở xã Trừ Văn Thố và Cây Trường, mô hình trồng nấm ở xã Long Nguyên và Tân Hưng… Các mô hình này đều áp dụng công nghệ mới được ứng dụng trong nông nghiệp như trại lạnh, hệ thống tưới tiêu tự động… và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP.
Nhờ tổ chức có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội Nông dân phát động, nông dân trên địa bàn huyện đã thực hiện đẩy mạnh đổi mới theo hướng công nghệ cao, ngành nông nghiệp huyện đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị chất lượng cao; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung. Hiện nay, 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc và 80% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống làm mát và sưởi ấm chuồng trại, hệ thống máng ăn, máng uống tự động; 34% đàn gia cầm và 29% gia súc được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình như tại xã Trừ Văn Thố, không ai xa lạ với mô hình trồng quýt đường ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Văn Phấn, là nông dân điển hình trong Phong trào NDSXKDG, nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen. Với hơn 13ha quýt đường đã được áp dụng công nghệ tưới tự động, với công nghệ này đã giảm chi phí thuê mướn nhân công và giúp cho cây sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. Ông Phấn chia sẻ, trồng loại cây có múi này cơ bản là phải tham khảo thật nhiều các tài liệu hướng dẫn, nhưng khi áp dụng vào thực tế sản xuất thì phải tự mình đúc kết kinh nghiệm riêng để áp dụng hiệu quả chứ không rập khuôn. “Mặc dù đã thành công với cây quýt, nhưng tôi vẫn luôn học hỏi để có thể nâng cao hơn nữa năng suất vườn cây và chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”, ông Phấn nói.
Riêng tại xã Tân Hưng, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp không được nhiều, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trang trại trồng nấm và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, xã Tân Hưng đã thành lập được Tổ hợp tác trồng nấm với 12 thành viên với diện tích sản xuất 2.000m2 đang cho thu hoạch 400.000 bịch phôi giống nấm bào ngư xám và 80.000 bịch phôi giống nấm linh chi.
Ông Võ Thành Giàu - Phó Chủ tịch UBND huyện trao bằng khen của UBND tỉnh cho những gương điển hình NDSXKDG
Từ những kết quả trên, đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến không những luôn đi đầu trong các mô hình trồng trọt và chăn nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng mà còn có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm ra nhiều nông cụ, mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả cao vừa ứng dụng trong lao động sản xuất tại gia đình, vừa phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu của nông dân đem lại thu nhập đáng kể cho bản thân và xã hội. Điển hình như: Máy phun xịt thuốc cải tiến đã đem lại cho ông Nguyễn Văn Long xã Lai Uyên đạt giải II, giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật” cấp tỉnh. Trang trại Bưởi da xanh Thanh Thủy được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy”.
Nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện phong trào NDSXKDG, có thể thấy đã có nhiều hộ có nguồn thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Như trang trại trồng quýt đường của ông Phấn, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trung bình từ 4 - 6 tỷ đồng mỗi năm; mô hình trồng cây ăn trái và măng điền trúc của anh Nhị Văn Xum (xã Trừ Văn Thố) cho thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm… “Ngoài những hộ có thu nhập cao thì còn hơn 900 hộ nông dân giỏi tiêu biểu có thu nhập trung bình từ 100 - 500 triệu đồng mỗi năm”, bà Nguyện Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, từ phong trào đã có nhiều mô hình sản xuất giúp các hộ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Điểm chung của các mô hình này là có nguồn thu không cao như các mô hình, trang trại khác nhưng tạo nguồn thu ổn định. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng, mô hình nuôi bò sữa của Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Lai Hưng, mô hình trồng ổi của Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan xã Trừ Văn Thố… Anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng cho biết, so với các mô hình sản xuất khác thì trồng nấm có doanh thu không cao, tuy nhiên vẫn cho thu nhập trung bình từ 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng, trừ chi phí cũng có lãi từ 8 - 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" còn là bước tạo đà, là hiệu ứng tích cực cho các Chương trình khác cùng phát triển, điển hình như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trên toàn huyện tự nguyện góp công, góp của, hiến đất, cắt cây để làm đường giao thông nông thôn dài 181km, nạo vét, nâng cấp 21 km kênh mương, cống rãnh… số tiền đóng góp gần 193.148 triệu đồng và 2.718 ngày công.
Để nâng cao hiệu quả phong trào trong thời gian tới, huyện Bàu Bàng sẽ thành lập các Câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi theo chuyên hoặc đa ngành, lĩnh vực; tạo diễn đàn của nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hoạt động tín chấp với các ngân hàng giúp cho nông dân có vốn sản xuất. Đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án để tăng cường thêm nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ cho nông dân…
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội nông dân huyện Bàu Bàng khẳng định được vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế. Qua đó, nâng cao đời sống và giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương. Đó chính là động lực giúp nông dân phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng nhận định: “Trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, ổn định, theo đúng định hướng và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của địa phương. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện như mủ cao su, cây ăn quả, cây cảnh, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm… Huyện cũng sẽ xây dựng các vùng chuyên canh, khu vực sản xuất nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến”
Tuấn Duy