Hoạt động chuyển giao công nghệ: thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp
Theo Luật chuyển giao công nghệ năm 2017, Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ: là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ: tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình. Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm: Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ; được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng công nghệ cho bên thứ ba; lĩnh vực sử dụng công nghệ; quyền được cải tiến công nghệ, quyền được nhận thông tin cải tiến công nghệ; độc quyền hoặc không độc quyền phân phối, bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra; phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra; các quyền khác liên quan đến công nghệ được chuyển giao.
Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thuận lợi
Bên cung cấp công nghệ, thông qua kết quả chuyển giao công nghệ cho bên nhận, bên cung cấp công nghệ sẽ có được kinh nghiệm để có những công nghệ tốt hơn và ưu việt hơn công nghệ trước đó; bên cung cấp có cơ hội thu được những khoản thu nhập đều đặn, trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng… thúc đẩy họ tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ; nắm bắt thị trường tiêu thụ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ để mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghệ…
Bên nhận công nghệ, tiếp thu được kiến thức và kỹ thuật mà không phải đầu tư và mất thời gian cho hoạt động nghiên cứu, triển khai. Đôi khi sự giúp đỡ thêm về tài chính, tìm thị trường và tiêu thụ sản phẩm của bên cung cấp còn mở ra một khả năng thương mại mới cho bên nhận; sự hợp tác với bên cung cấp sẽ giải quyết những vấn đề nảy sinh, được trao đổi cải tiến sáng kiến thị trường và xu hướng phát triển cũng như kinh nghiệm của bên cung cấp để phục vụ cho lợi ích của mình…
Trong báo cáo tại Hội nghị KHCN Vùng Đông Nam bộ 2019, PGS.TS Trần Hoàng Dũng, Cố vấn khoa học và chuyển giao công nghệ, Công ty CP công nghệ Dược POMAX cho biết: Thông qua hoạt động tiếp thu công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh, có mục tiêu rõ ràng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, gấp phần nâng cao khả năng hấp thu công nghệ. Hoạt động sản xuất thử nghiệm, tiếp thu công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện hợp đồng khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh đã gắn liền doanh nghiệp với các đơn vị chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển, tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hoạt động tiếp thu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là cơ sở chỗ dựa để góp phần hợp tác, hội nhập quốc tế của doanh nghiệp.
Khó khăn
Theo PGS.TS Trần Hoàng Dũng, lãnh đạo và nhiều cán bộ của nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động tiếp nhận công nghệ, sản xuất kinh doanh, do vậy chưa có sự quan tâm đứng mức và đề ra giải pháp thích hợp đẩy mạng hoạt động này trong doanh nghiệp. Một số nghiên cứu rất cần cho sản xuất được đánh giá, nhưng ban lãnh đạo còn chần chừ trong tiếp cận và triển khai áp dụng.
Cơ chế quản lý khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập: Khoán trắng cho một số phòng ban không chuyên về nghiên cứu khoa học công nghệ, ít quan tâm việc quản lý các đơn vị này; chưa thống nhất chức năng quản lý các đơn vị nghiên cứu, triển khai, thiếu cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư tại doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa chú ý chỉ đạo nhiệm vụ tiếp thu công nghệ, chủ yếu do một số cá nhân tự tìm công nghệ mang về cho đơn vị.
Tiếp nhận công nghệ, sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp hiện còn mang tính thời vụ, không liên tục; trang thiết bị, cơ sở vật chất, mặt bằng để tiếp thu, triển khai công nghệ, sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp còn rất thiếu thốn, lạc hậu và không đồng bộ, điều này làm hạn chế rất nhiều đến hoạt động triển khai, nhất là tham gia triển khai công nghệ mới.
Hoạt động tiếp thu khoa học công nghệ là một trong các nhiệm vụ chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tập trung tiếp thu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao cải tiến năng lực công nghệ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao có thể đứng vững và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thy Diễm