Hoạt động khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2017 - 2019
Đông Nam bộ nằm liền kề đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây có hệ thống cảng, đường hàng không, các cửa khẩu quốc tế, đường bộ, đường sắt… là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư kinh tế quốc tế, điều kiện tự nhiên đa dạng từ các ngành nghề thủy sản đến nông lâm nghiệp và sản xuất - trung chuyển - dịch vụ.
Năm 2018, vùng đóng góp 45,4% GDP và 42,6% tổng thu ngân sách cả nước, góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây (GDP năm 2017 là 6,81%, năm 2018 là 7,08%). Với thành tựu kinh tế xã hội mà vùng đạt được, ngành khoa học và công nghệ của vùng đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…
Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách
Trong giai đoạn 2017 - 2019, đã có 99 văn bản được các địa phương ban hành tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp… điển hình như:
Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2015; dự án KHCN thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2018; chính sách thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020; Đề án thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2020; quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bình Phước; quy định mức hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020; thành lập văn phòng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Các nhiệm vụ KHCN trong những năm gần đây được thực hiện theo hình thức đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và có khả năng chuyển giao, ứng dụng trong thực tế. Theo Báo cáo tại Hội nghị giao ban KHCN vùng Đông Nam bộ, trong giai đoạn 2017 - 2019, có 682 nhiệm vụ KHCN được triển khai trên tất cả lĩnh vực: Khoa học tự nhiên (28%), khoa học kỹ thuật và công nghệ (28%), khoa học nông nghiệp (26,5%), khoa học y dược (5,9%), khoa học xã hội (6,5%) và khoa học nhân văn (5,1%). Kinh phí dành cho lĩnh vực này chiếm 65 - 70% kinh phí sự nghiệp KHCN của các địa phương.
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các kết quả điều tra cơ bản và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên đã tạo luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, tập trung nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Trong đó, chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Trong khoa học nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của các địa phương những năm trước đây đã xác định được các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh và vùng. Nhờ đó, trong nguồn lực KHCN đã dành sự ưu tiên cho việc nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp.
Về khoa học y dược, với mục tiêu làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao kết hợp sử dụng vốn quý của nền y học cổ truyền Việt Nam, tạo ra tiềm lực KHCN trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực y dược đã được quan tâm đầu tư tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng.
Về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, được triển khai nghiên cứu khá toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo, kịp thời tổng kết thực tiễn cung cấp các luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng.
Hoạt động quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, sở hữu trí tuệ, thông tin và thống kê KHCN…
Công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư đã được thực hiện chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý công nghệ trên địa bàn các tỉnh thành còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là do quy định của pháp luật về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư chưa đồng bộ, thủ tục cấp phép đầu tư còn thiếu thống nhất, số lượng và chất lượng của cán bộ làm công tác quản lý công nghệ còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương lấy cải cách thủ tục hành chính là nội dung ưu tiên nên đã bỏ qua hoặc chỉ lấy ý kiến của KHCN về chủ trương chứ chưa chú trọng đến yêu cầu về công tác thẩm định công nghệ, hầu hết các dự án do quy định thời gian trả lời quá ngắn nên chưa có đủ thời gian để triển khai tổ chức thẩm định công nghệ theo luật định.
Trong quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, các địa phương đã ban hành kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức sản xuất, kinh doanh có nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực và sự phối hợp giữa các ngành chưa thực sự chặt chẽ. Có rất ít địa phương tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tại thực địa. Tính đến nay, các địa phương đã hướng dẫn hồ sơ cấp phép cho 1.177 cơ sở sử dụng bức xạ; thẩm định, cấp phép cho 1.213 cơ sở đủ tiêu chuẩn về an toàn bức xạ; thường xuyên kiểm tra an toàn và kiểm tra bức xạ tại 3.490 cơ sở y tế và 1.342 cơ quan, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ.
Về hoạt động sở hữu trí tuệ, nhận thức của cá nhân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, trở thành mối quan tâm lớn, nhu cầu hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hỏi đáp, tra cứu thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Hoạt động sáng kiến - cải tiến kỹ thuật cũng được quan tâm tăng cường công tác nâng cao nhận thức, phổ biến các quy định về sáng kiến cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động sở hữu trí tuệ cũng gặp không ít khó khăn trong nhận thức, thủ tục xác lập quyền phức tạp, thời gian đăng ký kéo dài… gây tâm lý e ngại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cũng như việc đưa nhãn hiệu, sản phẩm đặc thù ra thị trường chưa được quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả.
Hoạt động thông tin và thống kê KHCN, công tác này được đẩy mạnh, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được các địa phương khai thác và sử dụng phục vụ trong quản lý. Thông tin cung cấp cho nhiều đối tượng với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều hội thi, chương trình, phóng sự, tọa đàm về KHCN được phát sóng trên các đài của địa phương và trung ương. Các bản tin, các tạp chí chuyên ngành về KHCN thu hút được đông đảo lượng độc giả đón đọc thường xuyên.
Thị trường công nghệ và khởi nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Hiện nay có 3/7 tỉnh thành có sàn giao dịch công nghệ và thiết bị được duy trì hoạt động thường xuyên (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu). Các địa phương đều có hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phát triển thị trường công nghệ của vùng, của toàn quốc như: Techmart, Techdemo, Techfest…
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn khá mới mẻ đối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước. Phần lớn, hoạt động này chỉ dừng lại ở mức tuyên tuyền, tổ chức các hội thi nhằm phát hiện ý tưởng, kêu gọi đầu tư hoặc hỗ trợ chính sách, kinh phí đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở đây còn gặp nhiều khó khăn như: Thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về chính sách, hỗ trợ của nhà nước cho khởi nghiệp, thiếu vốn, nhân lực, công nghệ để triển khai…
Và nhiều hoạt động khác như: Thanh tra KHCN, Quỹ phát triển KHCN, tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, hợp tác phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bám sát nhiệm vụ và chức năng quản lý nhà nước. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về KHCN vùng Đông Nam bộ ngày càng được tăng cường và toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trên địa bàn. Đông Nam bộ là vùng thể hiện khá rõ sự phối hợp liên kết trong tổ chức các hoạt động KHCN của vùng, nhất là liên kết, chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các nhiệm vụ KHCN mang tính vùng, bước đầu đã thu được kết quả.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo; rà soát, điều chỉnh tái cấu trúc các chương trình KHCN để hoạt động nghiên cứu, triển khai đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN.
Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; thực hiện tốt các chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý công nghệ, an toàn bức xạ, hạt nhân, thông tin và thống kê KHCN… Trong thời gian tới, vùng Đông Nam bộ sẽ cùng ngành KHCN trong cả nước nỗ lực phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng cả nước.
Ngọc Trang