Hoạt động nghiên cứu triển khai: Khoa học kỹ thuật và công nghệ từng bước khẳng định vị thế
Đông Nam bộ là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. Nếu như những năm trước đây, các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp (28,5%, giai đoạn 2011 - 2015) thì đến giai đoạn 2015 - 2017, khoa học nông nghiệp chỉ còn 19%; khoa học kỹ thuật và công nghệ từ 24,1% (2011 - 2015) lên 32,3%. Ngoài việc quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu và tính ứng dụng trong thực tế thì các tỉnh thành đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình, dự án cấp nhà nước/quốc gia.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2015 - 2017 Vùng Đông Nam bộ
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ; đi đầu trong công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, nơi đây còn có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo và nâng cao tay nghề trong quá trình phát triển các khu công nghiệp.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh hầu hết đều gắn với ứng dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống, sản xuất và quản lý. Công tác xây dựng nhiệm vụ triển khai thực hiện theo cơ chế đặt hàng, bám sát các Nghị quyết số 20 (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế), chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh gắn với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những lợi thế sẵn có, tỉnh thành đã tập trung đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ cao; khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, quy mô công nghiệp và trang trại, góp phần đầy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong giai đoạn 2015 - 2017, tỉnh đã triển khai 42 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, tổ chức đánh giá nghiệm thu 17 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ được triển khai theo hướng ứng dụng là chính, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hầu hết đều gắn với ứng dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2015 - 2017 tỉnh Bình Dương
Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã tham mưu nhiều văn bản phục vụ cho công tác quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu triển khai, nhiệm vụ KH&CN được đề xuất và phê duyệt thường xuyên, liên tục trong năm, giúp cho tổ chức chủ trì, nhà khoa học chủ động nghiên cứu và sử dụng kinh phí; rút ngắn quá trình chuẩn bị, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, áp dụng cơ chế khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN, tạo hành lang pháp lý triển khai phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Minh Thanh