Thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo học sinh ở các khối lớp. Công tác phát triển và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong học sinh ở các trường Trung học phổ thông (THPT) trong tỉnh đang được ngày càng quan tâm và khuyến khích đẩy mạnh phát triển. Có thể thấy việc tạo ra môi trường học thuật lành mạnh với những điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu tìm tòi, sáng tạo trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật đối với học sinh bậc THPT đã có tác động tích cực, khiến phong trào này ngày càng lan tỏa và đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Chế tạo Robot dò đường DP(Dark Prince)
Là sản phẩm đầy tâm huyết của nhóm học sinh đến từ trường THPT Bàu Bàng và trường THPT Bến Cát trong cuộc thi “Chế tạo Robot dò đường BDU” lần II năm 2017 do trường Đại học Bình Dương đã tổ chức. Đến với cuộc thi này, nhóm các em học sinh Lê Văn Trường, Nguyễn Văn Huy (trường THPT Bàu Bàng) và Hồ Tấn Đạt (trường THPT Bến Cát) đã đem đến sản phẩm Robot dò đường do chính tay các em chế tạo từ những vật liệu dễ làm. Là 1 trong 12 đội mạnh đến từ các trường Đại học và THPT trong tỉnh, nhóm 3 bạn trẻ học sinh mặc dù chỉ mới học đến lớp 10 đã tự mày mò, nghiên cứu dưới sự giúp sức của các thầy cô giảng viên trường Đại học Bình Dương để cho ra đời sản phẩm Robot vô cùng ấn tượng.
Chia sẻ về sản phẩm của đội mình, trưởng nhóm Lê Văn Trường chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ Robot dò đường đang được phát triển rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như di chuyển tự động trong vận chuyển hàng hóa. Tuy hiện tại vẫn còn sơ khai về nguyên tắc điều khiển nhưng robot dò đường đã tạo một bước ngoặt quan trọng trong công nghệ thiết kế và chế tạo robot, mở ra một kỷ nguyên mới về ngành công nghệ kỹ thuật tự động hóa và đưa tự động hóa vào sản xuất. Ngoài ra robot dò đường là cơ sở quan trọng để thiết kế và chế tạo Robot trong các lĩnh vực khác nhau. Với học sinh như chúng em, việc yêu thích công nghệ Robot có thể bắt đầu với việc làm những con Robot dò đường đơn giản, chi phí thấp nhưng lại là cơ hội thực hành bổ ích, làm nền tảng cho sự nghiên cứu và chế tạo Robot của mình.
Sau quá trình miệt mài tìm hiểu, các thành viên trong nhóm đã làm ra sản phẩm Robot được thiết kế gồm một mạch arduino Mega 2560, 1 mạch lái L298N, 1 cảm biến dò line 5 led, 1 cảm biến siêu âm SRF05, 4 động cơ DC giảm tốc và nguồn điện 12V. Bốn động cơ sử dụng với dòng điện 12V được mắc song song động cơ để tối ưu hóa nguồn điện vào. Từ nguồn sẽ cấp điện trực tiếp qua mạch lái L298N, sau đó mạch lái sẽ cấp nguồn cho bốn động cơ và mạch Arduino và từ mạch Arduino mega2560 sẽ cấp nguồn cho cảm biến dò line và cảm biến siêu âm mega2560 cho phép arduino hoạt động và điều khiển các cảm biến. Robot di chuyển bằng 4 bánh với độ linh hoạt và vận tốc tối ưu. Khung xe được cấu tạo từ nhựa mica và bìa carton với ý tưởng từ xe cảnh sát cơ động chiếc xe lấy nền đen làm chủ đạo và bộ khung thiết kế nhỏ gọn và linh hoạt và sát với thực tế nhất. Ý nghĩa của chiếc xe tốc độ linh hoạt và chuẩn sát.
Hiệu quả từ các cuộc thi
Từ chủ trương chung của ngành giáo dục trong việc khuyến khích học sinh tham gia tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và chế tạo các sản phẩm thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay đã có hơn 220 sản phẩm tham gia trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tổ chức. Ngoài ra có thể nhắc đến những cuộc thi mang tính chất khuyến khích do các trường Đại học và THPT trong tỉnh tổ chức như cuộc thi chế tạo “Tài năng Robot” do trường Việt Anh tổ chức, cuộc thi thiết kế “Robot thông minh tự động dò đường” do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức, cuộc thi “Chế tạo Robot dò đường” do Đại học Bình Dương tổ chức định kỳ hàng năm… Những cuộc thi này đã thực sự trở thành những sân chơi bổ ích, là cơ hội giúp cho các bạn học sinh trải nghiệm và khám phá bản thân, đồng thời mang đến những điều thú vị trong môi trường học thuật.
Có thể nói một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học trong những năm học vừa qua đó là việc đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy học, gắn bài học với thực tế cuộc sống để góp phần xây dựng, rèn luyện và phát huy năng lực của học sinh. Và các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông là một trong những giải pháp để đạt mục tiêu trên. Cuộc thi là sân chơi bổ ích, trí tuệ và khoa học cho các em học sinh thông qua việc tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh trong các trường trung học. Đồng thời cũng là cơ hội để các em giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật của mình. Thực tế kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các đề tài trên cho thấy nếu các nhà trường quan tâm, chỉ đạo bài bản thì công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh sẽ thực sự có chất lượng và đây không chỉ là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là những minh chứng cụ thể nhất cho việc dạy học gắn lý thuyết với thực hành, giúp học sinh tích cực và chủ động hơn trong học tập.
Trường An