Huyện Bàu Bàng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững
Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, qua hơn hai năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo chủ trương chung của Chính phủ cùng với Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, sản xuất nông nghiệp của huyện Bàu Bàng đã đạt được những chuyển biến đáng ghi nhận.
Nhiều kết quả tích cực
Bằng việc tích cực triển khai thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo huớng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước được đầu tư theo quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn huyện có trên 300 trang trại với diện tích sản xuất hơn 200 ha. Chất lượng hoạt động của các trang trại không ngừng được nâng cao khi các trang trại đều hướng vào sản xuất hàng hóa lớn. Hiện các mô hình kinh tế trang trại đang phát triển mạnh ở khu vực xã Long Nguyên, Lai Uyên. Lợi nhuận kinh tế đạt bình quân trên 300 triệu đồng/trang trại/năm, cao gấp nhiều lần so với lợi nhuận bình quân của nông hộ. Giá trị sản phẩm hàng hóa của các trang trại mang lại cũng khá cao, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu.
Cựu chiến binh Trần Minh Dũng, ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên với bản chất bộ đội cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, ở tuổi 60 nhưng ông vẫn bàn với gia đình mạnh dạn bỏ vốn hơn 2 tỷ đồng để xây dựng trại gà theo công nghệ trại lạnh hiện đại nuôi theo hình thức gia công cho công ty CP. Với việc ứng dụng công nghệ trại lạnh trong nuôi gà trắng hiện nay, người chăn nuôi không tốn chi phí về nhân công, bởi tất cả các khâu trong chăn nuôi đều sử dụng hệ thống kỹ thuật hiện đại, gà được nuôi ở nhiệt độ ổn định nên nhanh lớn, không xảy ra dịch bệnh. Với diện tích 2000m2, tổng đàn mỗi đợt là 15.000 con, nuôi khoảng 45 đến 50 ngày là xuất chuồng, mỗi năm nuôi 4 đợt, trừ hết chi phí gia đình Cựu chiến binh Trần Minh Dũng thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.
Hay như mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình anh Huỳnh Đoàn Thông tại ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên. Với công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước từ 30 đến 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Từ hệ thống có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát, hệ thống có thể cảm ứng được độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt hiện nay của các nhà nước và hiện đang được Việt Nam nhân rộng, hiện tại trang trại ớt giống của gia đình anh Thông có diện tích 8200m2 với hơn 11 ngàn cây ớt giống, thời gian trồng, thụ phấn và cho thu hoạch khoảng từ 6 đến 7 tháng và mỗi đợt thu hoạch trừ hết chi phí cho gia đình anh Thông lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Trong chăn nuôi, ngoài các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, nông dân trong huyện cũng đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi trại lạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm môi trường. Toàn huyện hiện có 130 trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao, như chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt, chăn nuôi heo thịt, heo giống năng suất cao. Đối với trồng trọt thì các trang trại tập trung về khu vực phía bắc của huyện; dần hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, nhất là vùng trồng cây ăn trái hình thành theo quy hoạch tại xã Trừ Văn Thố, xã Cây Trường.
Chuyển đổi mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Có thể nói, để thực sự tạo chuyển biến trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên cần đặc biệt quan tâm, bởi chỉ có khi ý thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc tái cơ cấu ngành trong bối cảnh hội nhập mới tạo điều kiện để toàn ngành thực hiện hành động trên thực tiễn. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các cơ quan truyền thông phối hợp, hỗ trợ thông tin về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng.
Bằng những việc làm vụ thể, thời gian qua huyện Bàu Bàng đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành của Tỉnh triển khai nhiều chuơng trình hỗ trợ cho nông dân sản xuất như: Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo huớng VietGAP; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái có múi, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến… Qua đó đã tạo điều kiện cho nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Phú Cường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bàu Bàng cho biết để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm trên từng địa bàn để phát huy lợi thế của địa phương. Cùng với đó, phòng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản nhằm tăng cuờng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Cũng theo ông Cuờng, trong thời gian tới ngành nông nghiệp của huyện sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện và sâu sắc hơn về chủ trương tái cơ cấu ngành theo kế hoạch hành động của Tỉnh về thực hiện quyết định của Chính phủ về phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo huớng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện liên kết “4 nhà” để chuyển giao khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giúp nông dân được tiếp cận với các mô hình mới trong sản xuất, giống mới, kỹ thuật canh tác…
Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện nhà đã đặt mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương sẽ chú trọng phát triển vườn cây ăn quả. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo huớng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường gắn với công nghiệp chế biến. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tạo bước đột phá về giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp nêu trên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của người nông dân trong thời kỳ mới, tin tưởng rằng ngành nông nghiệp huyện Bàu Bàng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung sẽ gặt hái được nhiều thành quả, đặc biệt là những thời cơ vàng trong tình hình mới.
Tuấn Duy