Hoạt động ươm tạo để hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ, song cũng đặt ra những thách thức về cạnh tranh nguồn lực phát triển giữa các quốc gia. Trước bối cảnh đó, một trong những chiến lược trọng tâm của Việt Nam là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, với sự tăng cường đầu tư cho các hoạt động ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và sự ra đời của các quỹ đầu tư cho các vườn ươm doanh nghiệp cả về nguồn lực hoạt động và định hướng phát triển.
Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một khái niệm tương đối mới nên nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành chưa cao, chưa thấy rõ được vai trò của hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ với tư cách là công cụ kinh tế hữu hiệu để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, tạo việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế. Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ để phát triển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp KH&CN được hình thành trên cơ sở áp dụng hoặc khai thác thành công các hoạt động nghiên cứu của chính doanh nghiệp hoặc kết quả nghiên cứu KH&CN của các nhà khoa học, của các tổ chức KH&CN hoặc kết quả nghiên cứu chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Để hướng dẫn về doanh nghiệp KH&CN, ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ thay thế Nghị định Nghị định số 80/2007/NĐ-CP.
Các doanh nghiệp KH&CN được hình thành chủ yếu từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung tiềm lực KH&CN mạnh của cả nước với hệ thống nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các khu công nghệ cao... Các doanh nghiệp KH&CN trong nước hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc nhóm các ngành, lĩnh vực theo quy định hiện hành.
Một trong những chiếc nôi để tạo nên các doanh nghiệp KH&CN là các vườn ươm doanh nghiệp KH&CN (Vườn ươm). Vườn ươm công nghệ phần mềm của Trung tâm công nghệ phần mềm thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là Vườn ươm doanh nghiệp KH&CN đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2002. Tiếp sau đó là Vườn ươm CRC (2004) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn và Quản lý thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, cả hai Vườn ươm này đều không còn tồn tại. Ở nước ta, hiện chỉ có 11 Vườn ươm đang hoạt động, được hình thành từ năm 2007 trở lại đây. Cũng như các doanh nghiệp KH&CN, cơ bản các Vườn ươm tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các Vườn ươm hình thành tại Việt Nam đều nhận được tài trợ từ một trong những nguồn của Chính phủ hay tổ chức quốc tế.
Ở Bình Dương, có Vườn ươm doanh nghiệp EIU thuộc Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, đây là vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên ở Bình Dương với diện tích 2000m2, được hình thành ngay trong khuôn viên EIU luôn chào đón những ý tưởng của các bạn trẻ. Ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất, vườn ươm còn tạo môi trường, kỹ năng, kết nối các ý tưởng khởi nghiệp... đến đây, các công ty khởi nghiệp sẽ tìm được một không gian làm việc chuyên nghiệp nơi các thành viên phát triển các ý tưởng và văn hóa kinh doanh của riêng mình.
Để phát triển hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ như phổ biến văn bản pháp quy mới về chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, website), các chương trình, cuộc thi ý tưởng...; Cung cấp các thông tin công nghệ, thông tin kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động trao đổi, giới thiệu, chào bán và tìm hiểu mua công nghệ; tổ chức các cuộc thi tài năng trẻ, các cuộc thi sinh viên khởi nghiệp; ...
Tập trung các nguồn lực để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nguồn lực về tài chính. Tranh thủ mọi nguồn vốn các chương trình quốc gia, nguồn vốn huy động trong và ngoài nước để hỗ trợ đầu tư cho hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm từ quá trình hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ mới, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp thị.
Xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để bàn giao kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện, trường cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu hoàn thiện công nghệ, ươm tạo công nghệ tạo sản phẩm để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Xây dựng các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho mọi hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm phát huy vai trò chủ đạo của khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hứa Thị Huần