Hội thảo giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Ngày 18/04/2017, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình hội thảo giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Tham dự hội thảo có đại biểu là lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng các Chương trình Khoa học và công nghệ Quốc gia, đại diện các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiêu biểu của thành phố và đại diện đến từ Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, và An Giang.
Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc. Theo ông, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 250 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN). Với mục tiêu phấn đấu đạt 3000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020, thì cần phải có chiến lược phát triển hợp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN để cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản hướng dẫn về doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, buổi hội thảo cũng sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các nhà khoa học đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung/thay thế Nghị định số 80/2007/NĐ-CP và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN.
Theo báo cáo về tình hình hoạt động và phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN Việt Nam hiện nay, cả nước có 46 Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong đó nhiều nhất là Hà Nội (34 doanh nghiệp), Thành phố Hồ Chí Minh với (26 doanh nghiệp), Thanh Hóa (14 doanh nghiệp), Bình Dương (6 doanh nghiệp, trong đó 03 doanh nghiệp đã thu hồi giấy chứng nhận). Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận tập trung ở đủ cả 7 lĩnh vực công nghệ theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV, trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học (47%), công nghệ tự động hóa (16,7%), công nghệ vật liệu mới (14,05%). Đa phần các doanh nghiệp đều sử dụng những kết quả KH&CN không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (do doanh nghiệp tự nghiên cứu hoặc chuyển giao) để đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Một số khó khăn, vướng mắc tiêu biểu trong quá trình đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cũng đã được thảo luận tại hội thảo như đối với các kết quả KH&CN hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, theo quy định tại điều 41 Luật Khoa học và công nghệ và Điều 39 Nghị định 08/2014/NĐ-CP thì tổ chức chủ trì nhiệm vụ muốn được sử dụng kết quả KH&CN thì phải được đại diện chủ sở hữu Nhà nước tiến hành thủ tục giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, tuy nhiên còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến phần chi phí định giá kết quả nghiên cứu, các doanh nghiệp đang vướng ở khâu định giá kết quả nhiệm vụ KH&CN, thủ tục hành chính giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu tại địa phương cũng chưa ban hành. Thứ hai, chứng minh việc ươm tạo và làm chủ công nghệ cũng là một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp vì họ không biết phải trình bày lại quá trình nghiên cứu như thế nào, nhất là những bí quyết công nghệ tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải là thực hiện một đề tài cụ thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước dành cho doanh nghiệp KH&CN. Căn cứ báo cáo về tình hình hoạt động năm 2015 của doanh nghiệp KH&CN, trong tổng số 204 doanh nghiệp KH&CN thì chỉ có 34 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, 11 doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất. Các ưu đãi khác về vay vốn tín dụng đầu tư và ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm cũng chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện làm cho doanh nghiệp chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các Sở KH&CN, các doanh nghiệp KH&CN tham dự buổi hội thảo và cũng đề ra một số giải pháp cơ bản để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới như: hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định mới về doanh nghiệp KH&CN, trong đó tập trung vào việc sửa đổi các vướng mắc trong việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận ưu đãi về nguồn vốn tín dụng và xây dựng các chính sách ưu đãi hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.
Thu Hà