Hợp tác doanh nghiệp - Vai trò chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ cho các Trường đại học và thực tiễn triển khai tại Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một
Nguyễn Thị Liên Thương, Vương Lợi
Tóm tắt
Chất lượng của mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học luôn là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển của các trường đại học và cho cả quốc gia đó. Tập thể lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một và các đơn vị chức năng trực thuộc đều đã được quán triệt, nhận thức sâu sắc vai trò chiến lược của mối quan hệ này. Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một từ khi thành lập năm 2016 đến nay đã liên tục nỗ lực hình thành và phát triển các mối quan hệ bền chặt và cùng nhau chia sẻ nguồn lực, cùng phối hợp nghiên cứu, triển khai nhiều công trình, quy trình, công nghệ, sản phẩm thương mại, dịch vụ khoa học,… phục vụ cộng đồng và xã hội.
Đặt vấn đề
Trên thế giới nếu ở bất kỳ một quốc gia nào có nền kinh tế phát triển mạnh thì đồng thời chắc chắn rằng tại quốc gia đó đang hiện hữu một nền giáo dục phát triển tương ứng. Do đó, nếu xem xét mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục như một bức tranh hoàn chỉnh thì khi đó mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học chính là một mảnh ghép quan trọng trong đó. Bài viết này sẽ phân tích vai trò của hợp tác doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của trường đại học dựa trên thực tiễn hoạt động quan hệ doanh nghiệp tại Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một từ khi thành lập (2016) đến nay dựa trên quan điểm và góc nhìn chủ quan của nhóm tác giả.
Cơ sở lý luận
Mối quan hệ phát triển bền vững giữa kinh tế và giáo dục là một quan hệ tất yếu và khách quan biện chứng. Và các chủ thể chính tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế và giáo dục chính là doanh nghiệp và trường đại học. Chính vì vậy, việc hình thành và phát triển mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp và trường đại học đóng vai trò thiết yếu và quyết định đến tình hình phát triển bền vững kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ của đất nước. Bài viết xin nêu ra ba lập luận để lý giải cho nhận định trên như sau:
i. Một là, Đảng ta luôn xác định việc phát triển mạnh mẽ nền giáo dục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Phát triển khoa học, công nghệ cùng với phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ cho đất nước. Và cũng nhận định rõ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp và trường đại học trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế và giáo dục bền vững.
ii. Hai là: “Mọi lý thuyết đều màu xám. Và cây đời mãi mãi xanh tươi” . Danh ngôn của Goethe một nhà khoa học và chính khách người Đức đã cho thấy rõ sự tương phản màu sắc rõ nét giữa lý thuyết khô khan và thực tiễn sống động; hay nói cách khác, môi trường hàn lâm và khô khan lý thuyết tại các trường đại học muốn được xanh tươi thì cần phải được kết nối với môi trường thực tiễn sống động và đầy màu sắc tại các doanh nghiệp. Chính vì thế, sự kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp là chiếc cầu nối huyền diệu truyền tải màu sắc sống động của thực tiễn thay cho sự đơn điệu của lý thuyết khô khan.
iii. Ba là: Triết học Mác - Lênin cũng xác định mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Và nếu các trường đại học chỉ chăm bẩm truyền thụ kiến thức lý thuyết hàn lâm mà không chủ động và sáng tạo để gắn kết chặt chẽ cùng các doanh nghiệp nơi thực tiễn diễn ra mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế và xã hội. Vậy sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp luôn là một đòi hỏi cấp bách và là chìa khóa vàng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ cho đất nước.
Một số điển hình cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam
Trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi nguồn cho hầu hết các phát minh, sáng chế, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh,… ; và các doanh nghiệp là nơi sử dụng nguồn nhân lực, ứng dụng thực tiễn các phát minh, sáng chế, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh,… để tạo ra các giá trị và phục vụ cho cộng đồng và phát triển xã hội.
Ở Mỹ, quốc gia hiện nay luôn dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực khác, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp công nghệ tên tuổi như: Apple, Facebook, Google, IBM, Microsoft,… với các trường đại học hàng đầu như Harvard, MIT, Princeton, Yale,… vô cùng gắn bó. Các CEO: Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg,… những thủ lĩnh của các hệ sinh thái khởi nghiệp, tinh hoa của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp các ý tưởng, các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, mô hình kinh doanh… sẽ được triển khai thành các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp ươm tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp,… để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Ở Đức, quốc gia luôn dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hóa chất, năng lượng, bảo hiểm và ngân hàng với các tập đoàn tên tuổi như BMW, Bayer, Siemens, Metro,… nơi mà sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường đại học rất chặt chẽ nhưng theo một phương thức khá đặc biệt. Tại đây, hầu hết các giảng viên tham gia giảng dạy chuyên môn sâu tại các trường đại học đa phần đã kinh qua một thời gian dài làm chuyên môn tại các doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu của ngành. Và tất nhiên trong quá trình học tập các chương trình đại học thì việc sinh viên được thực hành, thực tập và làm việc thực tế ngay tại các doanh nghiệp.
Ở Hàn Quốc - một trong những con rồng của Châu Á, chắc không ai chưa từng nghe qua những cái tên như Samsung, LG, Huyndai, KIA,… và các mẫu chuyện khởi nghiệp của tên tuổi này. Đằng sau sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các tập đoàn này luôn đồng hành với sự phát triển của các Lab nghiên cứu chuyên sâu với đầy đủ các trang thiết bị và nguồn tài chính hỗ trợ nghiên cứu được đặt tại các Trường Đại học tên tuổi của Hàn Quốc như: Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Yonsei, Đại học Hàn Quốc (KU), Đại học Chung Ang, Đại học Konkuk, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Ulsan,…
Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa doanh nghiệp hay các tập đoàn với các trường đại học tuy chưa được rõ nét như các quốc gia phát triển, nhưng cũng đã hình thành và phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng theo từng ngày một. Tiêu biểu một số tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, Tập đoàn Điện lực, FPT, Vinamilk, Vin Group, Trường Hải,… cũng đã có rất nhiều quan hệ khăn khích, đối tác chiến lược với các trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thủ Dầu Một,… Gần đây nhất chúng ta ghi nhận việc hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân Y trong việc nghiên cứu, chế tạo và thương mại Bộ KIT xét nghiệm virus Corona mà đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu đi một số nước.
Thực tế công tác quan hệ, hợp tác doanh nghiệp tại Viện Phát triển Ứng dụng
Viện Phát triển Ứng dụng là một đơn vị trực thuộc của Trường Đại học Thủ Dầu Một. Viện được thành lập dựa trên sự hợp nhất đơn vị là Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm và Viện Phát triển Khoa học Công nghệ. Chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Viện là đơn vị đầu mối triển khai phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm ứng dụng và thương mại theo các hướng:
- Nuôi trồng, sản xuất và chế biến các loại nấm, tảo, thực vật có giá trị dược liệu đặc biệt là nấm Đông trùng Hạ thảo và Linh chi.
- Nghiên cứu công thức, quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng có thành phần chiết xuất tự nhiên từ Đông trùng Hạ thảo, Linh chi, Thảo dược khác dạng cao chiết, trà túi lọc, trà hòa tan, kẹo ngậm,…
- Nghiên cứu công thức, quy trình chiết xuất tinh dầu, hoạt chất sinh học từ thực vật, nấm và ứng dụng sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc da, tóc, tinh dầu,..
Xuyên suốt quá trình từ khi thành lập năm 2016 đến nay, Viện luôn nỗ lực hết sức để xúc tiến và hình thành các mối quan hệ hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã hình thành mối quan hệ thân thiết với Viện Phát triển Ứng dụng bao gồm: Công ty Cổ phần MHD Pharma, Công ty Cổ phần Dược Thảo Vina Reishi, Tổng Công ty BECAMEX IDC, Hệ thống siêu thị Kohnan (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Nông nghiệp R&D, Hợp tác Cây ăn trái Tân Mỹ, Công ty TNHH Piland, Công ty Cổ phần Vạn Thương Sài Gòn, Công ty TNHH Thế Giới Gen, Công ty TNHH Mediworld,… (Hình 1) Với nhiều đối tác doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau; Từng đối tác sẽ hợp tác phát triển một hoặc một nhóm sản phẩm cụ thể đã hình thành nên một cộng đồng liên kết chặt chẽ cùng nhau để mang đến các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và cả quốc tế.
Hình 1. Logo của Trường Đại học Thủ Dầu Một và một số doanh nghiệp đối tác
Chiến lược của Viện Phát triển Ứng dụng: Công ty Cổ phần MHD Pharma, Công ty Cổ phần Dược Thảo Vina Reishi, Tổng Công ty BECAMEX IDC, Hệ thống siêu thị Kohnan (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Nông nghiệp R&D, Công ty TNHH Thế Giới Gen và Công ty TNHH Mediworld…
Qua quá trình hợp tác cùng nhau với các doanh nghiệp đối tác đến nay đã có rất nhiều sản phẩm thương mại cụ thể được phân phối trên thị trường Việt Nam và bước đầu được giới thiệu và xuất khẩu ra thị trường quốc tế (Hình 2).
Hình 2. Hình ảnh một số sản phẩm thương mại của Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một có kết hợp với các doanh nghiệp đối tác
Thay lời kết
Đáp ứng nhu cầu phát triển từng ngày một của Trường Đại học Thủ Dầu Một, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và toàn cầu hóa hiện nay, Tập thể nghiên cứu viên và nhân viên của Viện Phát triển Ứng dụng - Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ quyết tâm phát triển mối quan hệ hợp tác cùng phát triển, cùng nhau phục vụ cộng đồng, xã hội ngày một tốt hơn.
Tài liệu tham khảo
https://csrp.edu.vn/
http://korea.net.vn/cac-thong-tin-ve-truong-dai-hoc-ulsan-han-quoc.html
https://usis.us/tin-tuc-usis/50-truong-dai-hoc-hang-dau-nuoc-my-phan-1