Hướng đến nền nông nghiệp sạch và áp dụng công nghệ 4.0
Hiện nay, nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước, thu về khoảng 40 tỷ USD vào năm 2018, trong đó có 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo). Với kết quả đó, Việt Nam được xếp đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn như: Biến đổi khí hậu, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng ngày càng nặng nề đối với nền nông nghiệp; nông dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, việc hội nhập thương mại tự do tạo ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nhưng cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi mà trình độ công nghệ còn thấp, năng suất không cao, khó cạnh tranh trên thị trường.
Trước những thách thức này, không còn con đường nào khác, ngành nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển, liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả, giúp nông dân chủ động trong khâu sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật…
Chính sách mở cửa
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với quan điểm, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh Châu Âu, đây là cú hích lớn cho Việt Nam. giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết giành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ Liên Minh Châu Âu và các nước khác (https://moit.gov.vn).
Cùng với Hiệp định CPTPP đã được phê duyệt, nông nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức vô cùng to lớn, mở ra một thị trường rộng mở, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy, để cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải có đạt chất lượng cao và có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Do đó, ngành nông nghiệp phải hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và áp dụng công nghệ 4.0.
Thay đổi tập quán canh tác
Phân hóa học đang được sử dụng rất phổ biến và rộng rãi. Việc bón phân không hợp lý trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của đất canh tác, làm cho hệ thống rễ bị bội thực, không thể hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Đồng thời, thói quen bón nhiều phân đạm cũng sẽ làm tồn dư lượng Nitrat trong rau, thực phẩm cao, người tiêu dùng sử dụng lâu ngày, dư lượng Nitrat tồn dư sẽ gây ra việc chuyển hóa Hemoglobin trong máu thành Methemoglobin, sự chuyển hóa này sẽ làm phát triển các khối u dẫn đến bệnh ung thư.
Việc thay đổi tập quán canh tác trong thời đại ngày nay là giải pháp cần thiết. Bón phân hóa học cân đối hợp lý theo nhu cầu sinh trưởng của cây, không nhiều cũng không ít, bón vừa đủ, bón kết hợp phân bón hữu cơ và bổ sung trung vi lượng cho cây trồng. Sử dụng chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh hại, côn trùng gây hại giúp hạn chế sử dụng thuốc hóa học độc hại. Bên cạnh đó, giúp tái tạo lại vi sinh vật trong đất, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng một cách tự nhiên nhất.
Ứng dụng máy bay không người lái
Hiện nay, đối với những biện pháp phun tưới thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá, người nông dân vẫn sử dụng phương pháp thủ công như bơm tay, phun bằng bình bơm máy đeo vai. Hình thức cơ giới hóa đã được áp dụng như sử dụng hệ thống phun, phun tưới bằng máy cày…
Ngày nay, việc ứng dụng máy bay không người lái vào quản lý bệnh hại và dịch hại cho cây trồng là giải pháp hữu cho nông nghiệp Việt Nam. Giải pháp này sử dụng phun chế phẩm sinh học giúp phòng trừ bệnh hại trên cây trồng và côn trùng gây hại nhằm tăng hiệu quả của thuốc, an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì thuốc bảo vệ thực vật được phun bao phủ cây trồng và không tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng.
Minh Phạm