Hướng tới một thành phố sống tốt: Đánh giá chất lượng sống dân cư và xây dựng bộ chỉ số sống tốt tại Bình Dương
Thách thức về việc đảm bảo chất lượng sống cho người dân tại tỉnh Bình Dương không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn mang tính sự.
Trong thời gian vừa qua, Bình Dương đã có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, do đó tỉnh đã trở thành một điểm thu hút đầu tư và thu hút nhân lực về làm việc tại địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù hầu hết các công việc được tạo ra đều là những vị trí sản xuất trực tiếp trong các khu, cụm công nghiệp nên đại đa số lượng lao động nhập cư vào tỉnh đều là lao động phổ thông. Bản thân nhiều người trong số công nhân nhập cư này cũng không có xu hướng gắn bó với địa phương, khi họ quyết định quay trở lại quê hương của mình hoặc thay đổi công việc tại địa phương khác.
Bên cạnh đó, việc thu hút được người có trình độ, có kỹ năng nghề nghiệp cao đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Bình Dương vẫn còn gặp nhiều thách thức, thể hiện qua số lượng lớn nhà ở đã được xây dựng xong nhưng chưa có nhiều người ở trong khu vực của thành phố mới Bình Dương.
Với mức độ đô thị hóa hiện nay vào khoảng 76,5%, Bình Dương là tỉnh có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa đạt mức rất cao so với bình quân cả nước, hiện tỉnh đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc trở thành một nơi “đáng sống”, “thành phố sống tốt” có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân cư trú trên địa bàn và thu hút người có trình độ và gia đình của họ đến sinh sống và làm việc tại tỉnh.
Từ những vấn đề thực tiễn, Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Trường Đại học Việt Đức đã thực hiện đề tài “Hướng tới một thành phố sống tốt: Đánh giá chất lượng sống dân cư và xây dựng bộ chỉ số sống tốt tại Bình Dương” với mục tiêu nghiên cứu quá trình phát triển đô thị gắn liền với công nghiệp hóa tại Bình Dương nhằm có được cơ sở đề ra giải pháp cho công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị của Bình Dương trong thời gian tới trên quan điểm lý thuyết về “thành phố sống tốt”, cụ thể:
Giới thiệu cơ sở lý thuyết về “thành phố sống tốt”; nghiên cứu và tổng kết chính sách phát triển kinh tế nói chung, chính sách phát triển đô thị nói riêng của Bình Dương kể từ sau khi thành lập tỉnh; tổng kết quá trình phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đánh giá chất lượng sống dân cư đô thị; xây dựng bộ chỉ số theo dõi phát triển đô thị hướng tới các tiêu chuẩn về sống tốt cho người dân sinh sống trong khu vực đô thị tại tỉnh; dự báo biến chuyển liên quan tới quá trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020; đề xuất các giải pháp để thuwjch iện bộ tiêu chí thành phố sống tốt của Bình Dương; đề xuất chi tiết các giải pháp phát triển đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt cho Bình Dương.
Trong phần cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đã giới thiệu các khái niệm, lý thuyết liên quan đến “thành phố sống tốt”, chất lượng cuộc sống trong mối tương quan với phát triển đô thị, chất lượng sống dân cư đô thị và mối liên hệ với tháp nhu cầu Maslow, kinh nghiệm quốc tế, trong nước và thực tiễn trong việc xây dựng thành phố sống tốt, bảng xếp hạng thành phố sống tốt (mục tiêu, nội dung và các chỉ số hợp phần của bảng xếp hạng)… Trong phần này, nhóm nghiên cứu đã có được định nghĩa thành phố sống tốt áp dụng trong đề tài, đây sẽ là định nghĩa cơ sở để nhóm nghiên cứu hình thành lên khung phân tích chất lượng sống dân cư bao gồm 6 nhóm yếu tốt trong phần tiếp theo của đề tài. Đồng thời, các tổng kết lý luận và thực tiễn cũng chỉ rõ trong rất nhiều trường hợp các địa phương, thành phố có định hướng phát triển hướng tới mục tiêu sống tốt đều sử dụng những bộ tiêu chí số định lượng nhất định nhằm đo lường, theo dõi và cập nhật mức độ phát triển của địa phương, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế phát triển.
Để đánh giá thực tế phát triển gắn liền với những thay đổi điều kiện sống dân cư đô thị, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một khung phân tích gồm sáu khía cạnh khác nhau nhằm đánh giá chất lượng sống dân cư: Nhà ở; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; an toàn/an ninh; công việc, thu nhập và hoạt động kinh tế của người dân; điều kiện môi trường, sinh thái; các hoạt động cộng đồng và sự tham gia của người dân ở địa phương. Kết quả phân tích cho thấy nhiều sự khác biệt nổi bật nổi bật liên quan đến điều kiện sống giữa cácđịa bàn và các nhóm dân cư khác nhau của Bình Dương, đồng thời chỉ ra được đánh giá, xếp hạng, cảm nhận và nhu cầu của người dân đối với những yếu tố liên quan tới chất lượng sống.
Từ phân tích thực trạng phát triển đô thị tại Bình Dương, đánh giá chất lượng sống và nhu cầu xây dựng thành phố sống tốt tại Bình Dương, đề tài tiến hành xây dựng bộ chỉ số “thành phố sống tốt” tại Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ các cơ quan quản lý đô thị theo dõi tiến trình phát triển của các khu vực đô thị trong tỉnh hướng tới mục tiêu trở thành nơi chốn sống tốt trong tương lai. Một điểm đáng lưu ý là một số tiêu chí dường như chưa áp dụng ngay được trong bối cảnh của Bình Dương, đặc biệt là với các tiêu chí định lượng, tuy nhiên vì sự cần thiết của các chỉ số đó trong việc theo dõi chất lượng sống dân cư và mức độ sống tốt của địa phương, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đề xuất 7 nhóm với 54 chỉ số để các cơ quan quản lý tham khảo.
Huỳnh Anh (Đọc toàn văn đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)