Kết quả công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2017
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai công tác pháp chế theo Kế hoạch số 364/KH-UBND ngày 09/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai công tác pháp chế năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, ngày 22/2/2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-SKHCN để triển khai công tác pháp chế đến các phòng và đơn vị trong toàn Sở. Các phòng và đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với bộ phận pháp chế thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu, đúng tiến độ công tác pháp chế theo Kế hoạch 08/KH-SKHCN của Sở trong năm 2017 đã đề ra.
Về kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành quyết định quy phạm pháp luật bãi bỏ 04 văn bản quy phạm pháp luật. Đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính năm 2017, lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm được xác định là tiêu chuẩn và sở hữu trí tuệ. Thông qua các hội thảo, hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Sở KH&CN đã tiến hành phối hợp thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với 93 đơn vị sản xuất, kinh doanh. Qua thanh, kiểm tra hầu hết các đơn vị nắm bắt, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về lĩnh vực, ngành khoa học và công nghệ và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thi hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật với 08/93 đơn vị vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính, chủ yếu là về lĩnh vực đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn bức xạ, chiếm tỷ lệ 8,6% so với cùng kỳ năm trước là 07/110 đơn vị vi phạm chiếm tỷ lệ 6,4%. Các đơn vị này đã thực hiện tốt việc nộp phạt với tổng số tiền phạt nộp về ngân sách nhà nước là 188.236.928 đồng.
Sở cũng đã phối hợp cùng các huyện, thị tuyên truyền phổ biến về khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, gồm: 01 lượt về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa với 21 người tham dự; 03 lượt về lĩnh vực An toàn bức xạ với 101 người tham dự; thường xuyên đăng tin bài trên website của Sở, để tuyên truyền rộng rãi các thông tin, kiến thức về sở hữu công nghiệp đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Cục thuế và Sở Tư pháp tham gia Chương trình “Pháp luật và cuộc sống” trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương để giải đáp một số vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đây là một cách đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gần gũi với người dân và doanh nghiệp hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được tìm hiểu thông tin liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 với 04 Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về các nội dung: Trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - thách thức và cơ hội; Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vai trò tạo dựng và thúc đẩy của nhà nước; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - vai trò của KH&CN trong đổi mới sáng tạo; quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; quy định về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Các hội nghị đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham dự.
Cũng nhân dịp Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, Sở đã tổ chức phát động Hội thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng” trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức Hội thi trực tuyến cũng là sự nỗ lực của lãnh đạo Sở cùng các cán bộ của ngành về việc đổi mới mạnh mẽ với nhiều hình thức, phương thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành khoa học và công nghệ.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở đã hướng dẫn cho 29 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh các quy định về đăng ký xác lập quyền các đối tượng sở hữu công nghiệp, hướng dẫn các quy định về gia hạn văn bằng bảo hộ cho 5 tổ chức và cá nhân, Hội nghị tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho hội viên, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh với số lượng 60 người tham dự, tiến hành thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020”.
Ngoài ra, tính từ đầu năm đến nay, Sở đã tiếp xúc và hỗ trợ trực tiếp cho 43 doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn bức xạ về các quy định liên quan đến khai báo, cấp phép tiến hành công việc bức xạ, tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 01 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 05 tổ chức khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu về các thủ tục hành chính, Sở đã cập nhật bộ thủ tục hành chính mới lên Trang thông tin điện tử của Sở. Đăng tải các bài viết, nội dung liên quan trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết. Đồng thời triển khai thử nghiệm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 12 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta quá nhiều, số lượng lớn và liên tục được sửa đổi, bổ sung nên việc phổ biến đến các đối tượng chưa đầy đủ. Kinh phí tổ chức các hội nghị, hội thảo đang còn hạn chế. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường được tổ chức đơn giản với số lượng ít nên hiệu quả đem lại chưa thực sự cao. Một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí trong công tác pháp chế, tuy nhiên việc áp dụng các văn bản này chưa đồng bộ, thống nhất và cũng chưa quy định rõ ràng.
Xuất phát từ những khó khăn trên Sở cũng đã có những đề xuất, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả hơn công tác pháp chế bằng các hoạt động: Mở các lớp tập huấn bồi dưỡng và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ pháp chế, trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ làm công tác pháp chế cần rà soát, cập nhật kịp thời những văn bản trọng tâm, có mối quan hệ mật thiết, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác, đồng thời cần nghiên cứu kỹ nội dung các văn bản mới có hiệu lực để triển khai, thực hiện, tham mưu xây dựng tốt các văn bản pháp luật.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở và những nỗ lực của các cán bộ trong ngành, hy vọng công tác pháp chế sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Nguyễn Thị Luyện