Khái quát tình hình nghiên cứu vấn đề “Quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay)” của các học giả nước ngoài
TS Nguyễn Hoàng Huế
Khoa Sử - Trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt:
Là sự thích ứng, hiện thực hóa của quá trình toàn cầu hóa, quá trình khu vực hóa đang phát triển mạnh mẽ, quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong khu vực không chỉ dừng lại ở phạm vi giữa các quốc gia mà còn diễn ra giữa các vùng, các địa phương. Cơ chế hợp tác nêu trên là cơ sở của việc hình thành tuyến hành lang kinh tế phía Nam (South Economic Corridor - SEC), một trong những chương trình hợp tác thuôc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với chiến lược tăng cường liên kết thông qua hội nhập đa ngành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thương mại xuyên biên giới và đầu tư, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mekong.
Thuật ngữ Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) được chính thức sử dụng lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), tổ chức tại Manila (Philippin) tháng 10/1998 và đây cũng là tên một dự án được ưu tiên triển khai, đến nay đã trở thành hiện thực. Đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập đến cơ sở hình thành, quá trình triển khai, tác động… của SEC đến các nước và các địa phương nằm dọc theo hành lang này. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập một cách khái quát các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nước ngoài về quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay).
1. Đặt vấn đề
Trong xu thế phát triển chung của nhân loại, song song với quá toàn cầu hoá, cạnh tranh mang tính quốc tế vẫn tiếp tục gia tăng không kém phần gay gắt. Đáp lại thực tế mang nhiều thách thức đó, nhiều nước đang phát triển đã nhận thức rằng phải hợp tác với các nước láng giềng của mình để đảm bảo cho các nguồn lực: Tự nhiên, con người, cũng như tiền vốn được sử dụng một cách hiệu quả. Mặt khác, hoạt động mậu dịch, đầu tư cùng nhiều loại hình kinh doanh có xu hướng vượt ra ngoài biên giới quốc gia ngày càng mạnh, đòi hỏi các chính phủ phải tiến hành hợp tác khu vực và hợp tác tiểu vùng để tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.
Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng phát triển Châu Á đã đề xuất sáng kiến Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion: GMS) vào năm 1992. Các nước thành viên của Hợp tác GMS bao gồm 5 nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam), và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung quốc. Hợp tác GMS bao gồm 10 lĩnh vực là: (1) Giao thông tận tải; (2) Năng lượng; (3) Môi trường; (4) Du lịch; (5) Bưu chính Viễn thông; (6) Thương mại; (7) Đầu tư; (8) Phát triển Nguồn nhân lực; (9) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và (10) Quản lý nguồn nước.
Tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS, tổ chức tại Manila (Philippines) tháng 10/1998, có 5 dự án hành lang được đưa ra thảo luận, trong đó hội nghị đã thống nhất ưu tiên thực hiện ba hành lang kinh tế là: Hành lang Kinh tế Đông Tây, Hành lang Kinh tế Bắc Nam, và Hành lang Kinh tế phía Nam. Tại hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 3 được tổ chức tại Viên Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tháng 3/2008, các nhà lãnh đạo GMS đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực trong việc chuyển hành lang giao thông thành hành lang kinh tế để tối đa hóa lợi ích từ việc kết nối vật lý đã được cải thiện ở tiểu vùng …
Hành lang kinh tế phía Nam (South Economic Corridor: SEC) bao gồm các tiểu hành lang và liên hành lang kết nối các thị xã chính và thành phố ở phía nam của GMS (xem Hình 2): (i) Tiểu hành lang Băng Cốc - Phnôm Pênh - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu (Tiểu hành lang trung tâm); (ii) Tiểu hành lang Băng Cốc - Siêm Riệp - Stung Treng - Rathanakini - O Yadov - Pleiku - Quy Nhơn (Tiểu hành lang phía Bắc); (iii) Tiểu hành lang Băng Cốc - Trat-Koh Kong - Kampot - Hà Tiên - Thành phố Cà Mau - Năm Căn (Tiểu hành lang duyên hải phía Nam); và (iv) Kết nối liên hành lang Sihanoukville - Phnôm Pênh - Kratie-Stung Treng - Dong Kralor (Tra Pang Kriel) - Pakse-Savannakhet (nối liền ba tiểu hành lang SEC với Hành lang kinh tế Đông Tây).
Những hành lang kinh tế của Tiểu vùng sông Mekong (Nguồn: Asian Development Bank)
Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) bao gồm sáu tỉnh ở vùng đông Thái Lan (Băng Cốc, Chonburi, Rayong, Chantaburi, Trat và Sakaew); bốn vùng ở Campuchia: vùng Phnôm Pênh (Phnôm Pênh), Vùng Tonle Sap (Bantey Meanchey, Siem Reap), vùi Núi (Stung Treng, Rattanakiri) và vùng Duyên hải (Koh Kong và Kampot) gồm 21 tỉnh và thành phố tự trị; bốn vùng ở Việt Nam: vùng Đông Nam bộ (thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai), duyên hải Nam Trung Bộ (tỉnh Bình Định) và đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau); và sáu tỉnh ở miền Nam nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Khammouane, Savannakhet, Saravane, Champasack, Sekong và Attapeu).
Như vậy, phát triển hợp tác trong SEC không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển trong GMS mà còn giúp các địa phương Việt Nam nói chung và miền Đông Nam bộ nói riêng phát huy được lợi thế của mình, đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để hội nhập và phát triển.
2. Tình hình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nước ngoài về quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay)
Sự ra đời và phát triển của SEC không chỉ nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các nước trong vùng, các đối tác lớn của khu vực và thế giới mà còn của các nhà nghiên cứu. Vấn đề: “Quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay)” đã và đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả đến từ nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các nhà nghiên cứu đến từ các nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng, Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Cho đến nay, vấn đề “Quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay)” đã được các nhà nghiên cứu nước ngoài đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể tìm thấy nội dung về Hành lang kinh tế phí Nam trong các công trình nghiên cứu đã được công bố.
2.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Có thể kể ra một số công trình như:
- “Special Economic Zones and Economic Corridors” của Masami Ishida năm 2009 phản ánh sự khác nhau giữa các hành lang kinh tế và khu kinh tế đặc biệt trong GMS. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò và chiến lược phát triển các khu kinh tế đặc biệt của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; “Planning Framework for International Freight Transportation Infrastructure: A Case Study on the East-West Economic Corridor in the Greater Mekong Subregion” của Toshinori Nemoto, Đại học Hitotsubashi, Nhật Bản năm 2009 đề cập đến khung kế hoạch cho vận tải quốc tế và cơ sở hạ tầng của GMS từ những nghiên cứu về Hành lang kinh tế phía Nam thông qua các hoạt động vận chuyển quốc tế, hậu cần, nhu cầu hợp tác, lợi ích của các nước thành viên...
- “Revisiting the GMS Economic Corridor Strategies and Action Plans” do ADB phát hành năm 2015 nghiên cứu về những cơ sở, tầm nhìn chiến lược, thành tựu và những đánh giá chung về hợp tác của các hành lang kinh tế trên GMS trong đó có hành lang kinh tế phía Nam.
- “Japan and the East West Economic Corridor: Intentions and Interests” của Narut Charoensri trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: “Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong - mối quan hệ lịch sử” tổ chức tại Việt Nam năm 2010. Bài viết phân tích mục đích và quyền lợi của Nhật Bản trong đầu tư, hợp tác phát triển GMS và Hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời nghiên cứu cũng phân tích quá trình hợp tác, từ đó rút ra bài học kinh nghiêm từ thực tiễn hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông Tây đối với các hành lang kinh tế trên GMS trong đó có Hành lang kinh tế phía Nam.
“East-West Economic Corridor (EWEC) Strategy and Action Plan, Development Study of the East-West Economic Corridor Greater Mekong Subregion” do ADB phát hành năm 2009 nghiên cứu về những cơ sở, tầm nhìn chiến lược và thành tựu của hợp tác trên EWEC trong giai đoạn 2001 - 2008; phân tích thực trạng hợp tác EWEC trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, khu vực tư nhân, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi truờng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác EWEC; “Strategy and Action Plan for the Greater Mekong Subregion East - West Economic Corridor” do ADB phát hành năm 2010 nghiên cứu về tầm quan trọng và giá trị kinh tế - xã hội khi hành lang kinh tế Đông Tây được hoàn thành và sự thay đổi trong các chiến lược và kế hoạch hành động qua hai giai đoạn:1998 - 2001, 2001 - 2008 và triển vọng của EWEC; “The East-West Economic Corridor Project in Thailand: Perceived Meanings and Expectations” của Yaowalak Apichatvullop Panadda Phucharoensilp, Đại học Khon Kaen, Thái Lan năm 2007, đề cập đến các vần đề như ý nghĩa và giá trị của hành lang kinh tế Đông Tây đối với các nước và các địa phương trên EWEC; qua nghiên cứu các dữ liệu được thu thập từ ba nhóm đối tượng: các tổ chức địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và người dân địa phương tác giả đã đưa ra những đánh giá tác động từ sự phát triển của EWEC đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các bên liên quan; gợi ý những chính sách để tăng cường kết quả hợp tác của các địa phương trên EWEC; “Strategy and Action Plan to Encourage Tourists to Stay Longer and Spend More on the East West Economic Corridor Savannakhet” của Lee Sheridan năm 2009 đề cập đến tác động của EWEC đến sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh Savannakhet (Lào); các lựa chọn chiến lược khuyến khích khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn khi đến Savannakhet; các giải pháp để đạt được mục tiêu chiến lược của ngành du lịch tỉnh Savannakhet trên EWEC…
2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về quá trình hợp tác giữa các địa phương khu vực Nam Bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam
- “Effectiveness and Challenges of Three Economic Corridors of the Greater Mekong Sub-region” của nhà nghiên cứu Masami Ishida trong tài liệu Discussion paper No.35/Effectivenness and challenges of three economic corridor of the Greater Mekong Subregion/ Masami Ishida/ Institute of Developing economies, August 31, 2005. Nghiên cứu này đã phân tích dân số và mức thu nhập của các tỉnh, huyện dọc theo ba hành lang kinh tế thuộc GMS. Đặc biệt nghiên cứu trình bày một cách chi tiết trình độ dân số và thu nhập của các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh có tác động đến hợp tác trên SEC.
- Trong các diễn đàn lớn, các nhà nghiên cứu cũng quan tâm nghiên cứu về các hành lang kinh tế trên GMS nói chung và SEC nói riêng. Gần đây nhất phải kể đến công trình nghiên cứu của ADB tại Diễn đàn G20 tổ chức tại Singapore, ngày 27 tháng 4 năm 2016 với chủ đề: “Economic Corridor Development: The Greater Mekong Subregion Experience”. Nghiên cứu đã chỉ ra quá trình hình thành, phát triển và những kinh nghiệm triển khai các hành lang kinh tế trong GMS. Đặc biệt là trên SEC. Trong báo cáo đã lây ví dụ về tác động của SEC đến quá trình kết nối và phát triển của các địa phương trên hành lang kinh tế phía Nam:
+ Năm 1999 (trước khi nâng cấp đường): Thời gian đi từ Phnom Penh đến TP.HCM: 9-10 giờ; Thương mại qua biên giới tại Mộc Bài (Việt Nam) - Bavet (Campuchia): 10 triệu USD / năm.
+ Năm 2014 (Sau khi phần cứng và phần mềm được triển khai): Thời gian đi lại giảm xuống 5-6 giờ; Thương mại qua biên giới tại Mộc Bài - Bavet: 708 triệu USD / năm; Khu công nghiệp Trảng Bàng (Mộc Bài): 41 dự án, 270 triệu USD đầu tư mới và 3.000 việc làm [7; tr14].
- Các bài nghiên cứu trên tạp chí: “Journal of Greater Mekong Subregion Development Studies” (Tạp chí Nghiên cứu Phát triển Tiểu vùng Mêkông - GMS). Tạp chí này được xuất bản hàng năm bởi ADB trong khuôn khổ Kế hoạch Quản lý Phát triển Phnom Penh, một chương trình xây dựng năng lực trong khu vực hỗ trợ các nghiên cứu về các chủ đề của các khu vực mậu dịch tự do, du lịch và nạn buôn bán người. Nội dung nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Phát triển GMS đã trở thành một nền tảng hiệu quả cho việc phổ biến nghiên cứu của các học giả và các nhà quản lý nhằm tìm hiểu những thách thức và sự phức tạp của quá trình hợp tác phát triển trrong GMS và SEC.
- Các dự án của ADB: Hàng năm ADB đều có các báo cáo hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị cho các dự án, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật quy mô nhỏ để xác định, xây dựng và chuẩn bị các dự án phát triển. Gần đây nhất là các báo cáo năm 2016 như:
“Viet Nam: Greater Mekong Subregion (GMS) Corridor Connectivity Enhancement Project”; “Greater Mekong Subregion (GMS) Corridor Connectivity Enhancement Project: Project Preparatory Technical Assistance Report”; “Greater Mekong Subregion (GMS) Corridor Connectivity Enhancement Project: Initial Poverty and Social Analysis”… Các báo cáo này phân tích tình trạng nghèo đói và xã hội ban đầu cho những người có thể bị ảnh hưởng bởi một dự án có lợi hoặc bị ảnh hưởng xấu; đề xuất các giải pháp cải thiện kết nối giao thông trong nước và quốc tế của các tỉnh kém phát triển ở Việt Nam bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận các hành lang GMS… góp phần phát triển hợp tác trên SEC.
- Đặc biệt là kết quả nghiên cứu của dự án: “Greater Mekong Subregion: Phnom Penh to Ho Chi Minh City Highway Project (1659-CAM[SF] and 1660-VIE[SF])” do ADB công bố năm 2008. Đây là dự án đường bộ đầu tiên được phát triển như là một phần của Sáng kiến Tiểu vùng Mêkông mở rộng nói chung và Hành lang kinh tế phía Nam nói riêng. Nó nhằm hỗ trợ hai chính phủ trong việc đối phó với những thay đổi về chính trị và kinh tế bằng cách thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và khu vực. Nội dung các nghiên cứu của dự án cung cấp sự phù hợp của dự án với các chiến lược quốc gia của ADB đối với Campuchia và Việt Nam và chính sách của các chính phủ về kế hoạch phát triển SEC. Nó cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình GMS nhằm tăng cường kết nối khu vực và tăng khả năng cạnh tranh để tăng cường hợp tác giữa Campuchia và Việt Nam và các mối liên kết kinh tế giữa các nước GMS. Chất lượng khi nhập cảnh của Dự án có nhiều chỗ để cải tiến do các hoạt động chuẩn bị dự án không đầy đủ.
Những thành tựu chính của dự án là nâng cao hiệu quả vận chuyển và xây dựng cơ sở biên giới. Nó đã góp phần nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ ở cấp quốc gia. Chất lượng của các đầu ra của dự án là thỏa đáng. Hiệu quả vận tải đường bộ trong nước đã được cải thiện đáng kể… Thương mại qua biên giới, sử dụng trung chuyển hàng hóa, đã tăng lên cho thấy tiềm năng tăng trưởng hơn nữa.
- Đặc biệt, có một số lượng lớn các bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nước ngoài được công bố trong Kỷ yếu các Hội thảo khoa học quốc tế, đã phản ánh một cách rõ nét các vấn đề lên quan đến các địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ trong mối quan hệ kinh tế với các nước trong Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay) như: Hội thảo quốc tế: “Hợp tác kinh tế khu vực: Chiến lược phát triển EU-GMS” tổ chức tại Chiangrai - Thái Lan năm 2004; Hội thảo quốc tế: “GMS: Những vấn đề cần nghiên cứu và hợp tác” tổ chức tại Đà Nẵng - Việt Nam năm 2004; Hội thảo quốc tế: “Du lịch Quảng Trị - hội nhập và phát triển” do Tổng cục du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức năm 2007, đề cập đến tiềm năng du lịch của các quốc gia và các địa phương nằm dọc các hành lang kinh tế, cơ hội và thách thức cho ngành du lịch Quảng Trị và các địa phương trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế cũng như cơ hội hợp tác về du lịch, thương mại của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và các quốc gia nằm trên trục đường xuyên Á; Hội thảo quốc tế “ Phát triển bền vững tại Tiểu vùng sông Mekong” tổ chức tại Lào năm 2016; Hội thảo quốc tế: “Tăng trưởng xanh trong Tiểu vùng Mê Kông” tổ chức tại Việt Nam năm 2017….
Nhìn chung các công trình nghiên cứu này đều tập trung phản ánh sự cần thiết, lợi ích, sự hưởng ứng và lợi thế của các địa phương khu vực Nam bộ của Việt Nam khi tham gia các dự án hợp tác trên SEC. Một số công trình phản ánh kết quả hợp tác và tác động của SEC tới sự phát triển của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.
- Trong các bài viết của các nhà lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar cũng đề cập tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế phía Nam. Đây là những cơ sở để nghiên cứu, đánh giá sự hưởng ứng và tham gia hợp tác của các địa phương Đông Nam Bộ thuộc SEC.
3. Nhận xét
Trên thực tế, từ năm 1998 đến nay còn có nhiều tài liệu đã được ADB, các nước thành viên SEC, các nhà tài trợ, các nhà tư vấn, các nhà nghiên cứu nước ngoài đã cung cấp nhiều tài liệu quý báu về hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc SEC nói chung và các địa phương vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam thuộc SEC nói riêng.
Những nghiên cứu này giúp chúng ta có được cơ sở khoa học để nghiên cứu, đánh giá sự hưởng ứng và thực tiễn triển khai các dự án của các địa phương khu vực Nam bộ của Việt Nam nhất là hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh khi tham gia các dự án hợp tác trên SEC.
Tuy nhiên các nghiên cứu đã được công bố vủa các nhà nghiên cứu nước ngoài chủ yếu tập trung nhiều nhất vào việc đánh giá việc triển khai các chương trình dự án, kết quả hợp tác của các địa phương của khu vực Đông Nam Bộ thuộc SEC. Trong khi các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nhất là nghiên cứu dưới góc độ Sử học không nhiều nếu không muốn nói là rất ít. Những kết quả nghiên cứu này chủ yếu là những bài nghiên cứu được công bố trong các hội thảo khoa học quốc tế về hợp tác hành lang kinh tế phía Nam. Hơn nữa những công trình này chỉ phản ánh một phần nhỏ, một thời gian ngắn hay một lĩnh vực trong quá trình hợp tác của các địa phương khu vực Nam bộ của Việt Nam trên SEC và chưa phản ánh đầy đủ theo tiến trình hợp tác giữa các địa phương thuộc Hành lang kinh tế phía Nam trong giai đoạn: 1998 - Nay.
Như đã trình bày ở trên, số lượng các công trình nghiên cứu chuyên khảo và dưới góc độ Sử học của các nhà nghiên cứu nước ngoài về “Hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế phía Nam (1998 - Nay)” không nhiều nhưng nhìn chung các công trình nghiên cứu này đều tập trung phản ánh sự cần thiết, lợi ích, sự hưởng ứng, lợi thế và thực tiễn triển khai các dự án của các địa phương khu vực Nam bộ của Việt Nam nhất là hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh khi tham gia các dự án hợp tác trên SEC.
Mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng những công trình này rất có giá trị đối với vấn đề nghiên cứu, vì đây là những tài liệu tham khảo rất quan trọng để đánh giá tiến trình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh khu vực Nam bộ của Việt Nam thuộc Hành lang kinh tế phía Nam từ khi nó hình thành tới nay.
Tài liệu tham khảo
1. Asian Development Bank (2000), Proceedings of the 7th Ministerial Conference on GMS, Manila.
2. Asian Development Bank (2001), Proceedings of the 10th Ministerial Conference on GMS, Manila.
3. Asian Development Bank (2008), Technical Assistance to the Lao People’s Democratic Republic for Building Lao PDR’s Capacity to Develop Special Economic Zones, Manila.
4. Asian Development Bank (2008), Sector Assistance Program Evaluation on Transport and Trade Facilitation in the Greater Mekong Subregion, Manila.
5. Asian Development Bank (2008), Vientiane Action Plan, ADB Publication, Manila.
6. Asian Development Bank (2015), Revisiting the GMS Economic Corridor Strategies and Action Plans, ADB Publication, Manila.
7. Asian Development Bank (2016), “Economic Corridor Development: The Greater Mekong Subregion Experience. ADB Publication, Manila.
8. Calla Wiemer (2009), Economic Corridors for the Greater Mekong Subregion, EAI Background Brief No.479, East Asian Institute.
9. Discussion Paper No.35, Aug.2005, Masami Ishida, Effectiveness and Challenges of Three Economic Corridor of the the Greater Mekong Subregion, Institute of Developing Countries (IDE), Japan.
10. Japan Bank for International Coopera tion (2003), Regional cooperation strategy on interconnected power networks in Indochina, Japan.
11. Japan International Cooperation Agency (2001), Promotion of the Development of the Mekong River Basin, Japan.
12. Katsumi Uchida (2008), Japan’s Policy and Strategy of Economic Cooperation in CLMV, International Development Research Institute (IDRI), Foundation for Advanced Studies on International Development (FASID), Japan.