Khoa học công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là ngọn cờ, Bình Dương đột phá sang giai đoạn mới
TS. Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex; Giám đốc Văn phòng Thành phố Thông minh Bình Dương.
TÓM TẮT:
Sau 20 năm từ địa phương nông nghiệp vươn lên trở thành vùng công nghiệp, năm 2015 tỉnh Bình Dương đã tiến hành nghiên cứu những chiến lược đổi mới, để tiếp tục đột phá chuyển dịch hướng đến dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, nâng tầm kinh tế xã hội, hướng tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từng bước đặt nền móng cho kinh tế tri thức - kinh tế số. Điều này đòi hỏi một sự phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực để bứt phá. Khát vọng đó đã hình thành nên đề án Thành phố Thông minh Bình Dương - một động lực mới cho giai đoạn tiếp theo của tỉnh. Từ mục tiêu trên, Bình Dương xây dựng một cách tiếp cận rất riêng về thành phố thông minh, phù hợp hoàn cảnh địa phương, tiếp biến từ mô hình thành phố Eindhoven-Hà Lan, triển khai đồng loạt với cơ chế, lĩnh vực, và tiêu chí cụ thể.
Bài viết sẽ lần lượt phân tích (A) Thực trạng 2016 và khát vọng của Bình Dương, (B) Mô hình phát triển của thành phố Eindhoven mà Bình Dương đang học tập, (C) Đề án thành phố thông minh Bình Dương, (D) cơ chế Ba Nhà và linh động, (E) 4 lĩnh vực trong Binh Duong Navigator 2021, (F) 6 tiêu chí của ICF, (G) Định vị lại vị thế trên trường quốc tế.
TỪ KHÓA: thành phố thông minh, Bình Dương, công nghiệp 4.0, mô hình Ba Nhà, Eindhoven, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ
A. BÌNH DƯƠNG: THỰC TRẠNG 2016 VÀ KHÁT VỌNG ĐỘT PHÁ
Hơn 20 năm trước, Bình Dương đã táo bạo thực hiện đồng loạt các đột phá với chiến lược công nghiệp hóa, đưa tỉnh từ một địa phương thuần nông nghèo trở thành một vùng công nghiệp tiêu biểu của cả nước. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng/năm, tỷ trọng nông nghiệp từ hơn 90% GRDP hai thập kỉ trước đến 2016 chỉ còn 4,3%, nhường lại cho công nghiệp 63% và dịch vụ 23,5%. Với tầm nhìn xa và quyết tâm của lãnh đạo, Bình Dương đã mạnh dạn đi đầu trong hợp tác công tư, trong hợp tác quốc tế, và lần lượt phát triển những con đường giao thông huyết mạch (Đại lộ Bình Dương, Mỹ Phước-Tân Vạn…), những khu công nghiệp mang tiêu chuẩn quốc tế (Khu công nghiệp Việt Nam Singapore - VSIP, Mỹ Phước…), đến năm 2016 Bình Dương đã vươn lên đứng thứ 2 và chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước, thu nội địa lớn thứ 3 cả nước, môi trường kinh doanh minh bạch với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 4 cả nước (chỉ số PCI năm 2016 do VCCI công bố), liên tục từ nhiều năm giữ mức tăng trưởng kinh tế ổn định 9% - 15% mỗi năm. Các khu đô thị của tỉnh lần lượt được xây dựng để đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp, trong đó tiêu biểu là 4196 ha Thành Phố Mới Bình Dương và khu vực lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau 20 năm công nghiệp hóa, tỉnh Bình Dương vẫn phải đối mặt với những thách thức mới, mà căn nguyên chủ yếu là nền kinh tế Bình Dương vẫn phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thâm dụng lao động. Một ví dụ điển hình là đầu tư của Đài Loan vào Bình Dương đến cuối năm 2015 là 5 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh, nhưng hầu hết là các ngành nghề có giá trị gia tăng thấp như gia công chế biến gỗ, dệt may. Tăng trưởng GRDP cao hàng năm đã cho thấy sự phồn thịnh của tỉnh Bình Dương, nhưng kéo theo đó là vật giá và chi phí lao động tăng, giảm lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp gia công giá rẻ. Nền sản xuất truyền thống đã thúc đẩy tăng nhanh dân số cơ học, chủ yếu là lao động có trình độ thấp, dẫn đến những bất cập xã hội. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các ngành gia công cũng đang là nguy cơ cần sớm được ngăn chặn.
Vì vậy, để giải quyết triệt để các thách thức, Bình Dương cần chuyển hóa nền kinh tế của mình: Từ dựa vào sản xuất truyền thống, sang bứt phá lên một nền sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, dịch vụ - công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, và để như vậy cần phải có sự phát triển toàn diện, không chỉ là kinh tế mà còn phải nâng tầm xã hội, đô thị, giáo dục y tế, vui chơi giải trí... Đây là một hướng đi mới, đòi hỏi những phương thức phát triển mới. Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng các doanh nghiệp công nghệ cao khi tìm địa phương để đầu tư sản xuất, chỉ đặt tiêu chí chi phí rẻ lên hàng thứ hai, mà đặt tiêu chí nguồn nhân lực chất lượng lên vị trí quan trọng nhất (Deloitte 2016). Bên cạnh đó, các tiêu chí về năng suất lao động, mạng lưới cung ứng, cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế cộng đồng, chính sách đổi mới sáng tạo, chính sách năng lượng… cũng được đưa lên hàng đầu.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã có những lợi thế ban đầu để chuẩn bị cho hướng đi trên, với tiềm lực (năm 2016) hơn 30.000 dự án đầu tư doanh nghiệp, trong đó hơn 3.000 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, phần nhiều là doanh nghiệp sản xuất, nằm trong 10.560 ha của 28 khu công nghiệp (và đã được Chính phủ phê duyệt nâng lên 14.790 ha trước 2020), hệ thống cơ sở hạ tầng quy hoạch quy mô và đồng bộ. Đặc biệt Bình Dương nằm trong khu vực tri thức cao của cả nước, riêng tỉnh tính đến 2016 đã có 8 trường đại học, 7 cao đẳng và 16 trường nghề, 45 trung tâm, cơ sở dạy nghề, và nằm trong khu vực có hàng trăm trường đại học cao đẳng, trường nghề trong bán kính 2 giờ đi ô tô. Bên cạnh đó, tình hình trong nước và thế giới cũng đang mở ra những cơ hội lớn cho một tỉnh công nghiệp như Bình Dương.
Việt Nam với nền chính trị ổn định, dân số vàng, số lượng hiệp định thương mại tự do hàng đầu thế giới, đang cùng Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, (các nước MITI-V) trở thành điểm nóng đón nhận làn sóng dịch chuyển của nền sản xuất thế giới. Trong khi đó trên thế giới, nhiều xu thế phát triển mới đang mở ra hướng đi mới của thời đại như: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng các thành phố thông minh (TPTM) (là chiến lược toàn lãnh thổ của Singapore, Hà Lan, Đài Loan…). Các mô hình này đặt ra những khó khăn lớn cho những nước có trình độ công nghệ chưa cao, nhưng cũng là thời cơ vàng để bứt phá phát triển.
Đứng trước những thách thức mang tính căn bản, những tiềm năng và cơ hội mang tầm thời đại, từ nền tảng quan hệ quốc tế sâu rộng của Bình Dương, từ nhiều năm trước lãnh đạo tỉnh và Tổng công ty Becamex đã quyết định đi nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm trên thế giới. Tỉnh Bình Dương đã rất quan tâm đến mô hình phát triển của TPTM Eindhoven, Hà Lan, trong đó lấy mô hình Ba Nhà (Triple Helix), là mô hình hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, làm trọng tâm, các bên cùng chia sẻ kiến thức, nguyện vọng và từ đó cùng xây dựng kinh tế xã hội của vùng phát triển. Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng về tiềm năng và những nét tương đồng của 2 tỉnh thành, Bình Dương và Eindhoven đã kết nghĩa và đến 28/3/2016, công bố khởi động đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, áp dụng mô hình Ba Nhà vào Bình Dương, nhắm tới đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức - kinh tế số, đón xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
B. CÂU CHUYỆN EINDHOVEN
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, thành phố Eindhoven, một thành phố công nghiệp của Hà Lan đã phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế xã hội. Hàng loạt tập đoàn, công ty chao đảo, phá sản (Philips, DAF…). Tỉ lệ thất nghiệp của Eindhoven lên tới trên 25%. Tại thành phố lúc ấy hầu như không có tiếng nói chung. Eindhoven đã phải đối mặt với những vấn đề rất lớn: Cần phải nhanh chóng nâng cao khả năng tạo ra giá trị và việc làm cho nền công nghiệp địa phương, làm sao tăng tốc đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục, giá trị xã hội đang chịu nhiều áp lực lớn, sự phối hợp ở địa phương rất yếu kém, làm thế nào để tạo được một quá trình tái gắn kết và triển khai chiến lược lâu dài…
Trong khó khăn đó, lãnh đạo Eindhoven đã quyết định thực hiện một chiến lược đổi mới để tạo ra giá trị mới: Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, chính thức giữa chính quyền, viện trường nghiên cứu, và doanh nghiệp bao gồm tập đoàn lớn lẫn các công ty vừa và nhỏ. Mô hình hợp tác này là mô hình Ba Nhà (Triple Helix). Ở Hà Lan, thành phố Amsterdam có sân bay Schiphol - cảng hàng không (Airport) nổi tiếng, thành phố Rotterdam có cảng biển (Seaport) hàng đầu thế giới, mang lại lợi nhuận kinh tế to lớn cho địa phương và khu vực. Eindhoven lại không có những lợi thế đó, nhưng họ theo đuổi một tham vọng khác: dựa trên hợp tác Ba Nhà để xây dựng một “cảng” của tri thức và trí tuệ, của nghiên cứu khoa học, của sản xuất công nghệ cao. Năm 2004, chương trình Brainport - “Cảng não” được hình thành với sự tham gia của Eindhoven và 20 thành phố lân cận, gọi là vùng Brainport Eindhoven, và lập ra tổ chức phát triển Brainport để thực hiện chiến lược này. Brainport cải thiện hợp tác chuỗi cung ứng để tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương, thúc đẩy các viện trường đầu tư vào “nguồn vốn nhân lực”.
Các cải cách trên đã giúp vùng Brainport Eindhoven không những vượt qua khủng hoảng mà còn vươn lên trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao hàng đầu Châu Âu, thịnh vượng đến mức tạp chí Fortune đánh giá “Thung lũng Silicon tiếp theo rất có thể là Eindhoven”. Không những tăng trưởng kinh tế, Eindhoven còn phát triển rất bền vững, tạo môi trường sinh sống sinh thái, tiện nghi cho người dân, và đạt được danh hiệu khu vực thông minh nhất thế giới năm 2011, do Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới ICF (Intelligent Community Forum) bình chọn.
C. THÀNH PHỐ THÔNG MINH: CHIẾN LƯỢC ĐỘT PHÁ BÌNH DƯƠNG
Với những định hướng, quyết tâm nêu trên, tỉnh Bình Dương quyết định tiếp cận TPTM theo một cách riêng, khác với những phương thức tiếp cận thông thường xem TPTM là nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội. Học tập từ Eindhoven và Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới ICF, Bình Dương hình thành ý tưởng « thành phố thông minh » - smart city gần với khái niệm « cộng đồng thông minh » -intelligent community, đang là xu thế phát triển chung của hơn 180 tỉnh thành thịnh vượng trên thế giới trong ICF. Trong góc nhìn từ Bình Dương, khái niệm thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.
Bên cạnh học tập từ quốc tế, chương trình hành động TPTM Bình Dương được xây dựng căn cứ trên 05 chương trình đột phá của Tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương 2016 - 2020, là (1) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (chương trình số 20 CTr/TU), (2) phát triển đô thị văn minh, giàu đẹp (số 22 CTr/TU), (3) phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị (số 24 CTr/TU), (4) huy động các nguồn lực để phát triển (số 23 CTr/TU), (5) đổi mới thu hút đầu tư, nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương (số 34 CTr/TU). Từ đó, đề án hướng tới quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, nhắm đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ 21, đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác “thông minh” làm phương châm để phát triển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, vươn tới một nền kinh tế linh động, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới, mà trong đó mô hình Ba Nhà là nền tảng. Các bước đi của đề án được hình thành một cách quy mô nhưng đảm bảo tính đồng bộ, lộ trình vững chắc nhưng linh hoạt, với nhiều đột phá táo bạo nhưng có trọng tâm, gồm 2 cơ chế chủ đạo, 4 lĩnh vực và 6 tiêu chí. Đây có thể được coi là cách tiếp cận mang tầm nhìn chiến lược của Bình Dương, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển của tỉnh, vừa phù hợp xu thế chung của các cộng đồng thông minh toàn thế giới.
D- 2 CƠ CHẾ
Mô hình Ba Nhà
Về lí luận, khái niệm mô hình Ba Nhà (Triple Helix) đã được 2 nhà khoa học Henry Etzkowitz và Loet Leydesdorff khởi xướng từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, và đã sớm được nhiều địa phương thử nghiệm ứng dụng, trong đó có thành phố Eindhoven, Hà Lan. Học tập từ Eindhoven, mô hình Ba Nhà tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện trường trong tỉnh, đặc biệt thúc đẩy liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, doanh nghiệp và các viện trường nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực. Mô hình như vậy tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy Bình Dương phát triển năng động, sáng tạo. Sự cộng tác trong mô hình Ba Nhà, mặc dù đã được chính thức hóa, vẫn mang tính động và tự nguyện vì trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, các mô hình tổ chức cứng nhắc theo cấp bậc sẽ không còn quan trọng như trước đây. Tất cả các bên liên quan trong hợp tác Ba Nhà sẽ đóng góp vào tiến trình chung thông qua việc cùng chia sẻ những mối quan tâm, kiến thức, tư tưởng và tầm nhìn cụ thể cho sự phát triển trong tương lai. Đổi lại, họ có thể cùng tham gia vào những dự án cụ thể giúp cho tổ chức của mình đạt được vị thế cạnh tranh cao hơn ở cả trong lẫn ngoài vùng. Điều này cũng có nghĩa là tất cả các đối tác vẫn sẽ giữ sự độc lập và trách nhiệm của riêng mình. Hợp tác Ba Nhà sẽ đóng vai trò hỗ trợ mỗi đối tác tham gia có được những quyết định tốt hơn, phù hợp hơn với môi trường, đồng thời liên kết với mục tiêu chung của các bên.
Cơ chế linh động
Nhà bác học Charles Darwin (1809 - 1882) đã từng khẳng định: ‘Không phải loài mạnh nhất, cũng không phải loài thông minh nhất sẽ tồn tại, mà là loài thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi của môi trường’. Trong thời đại công nghệ, kinh tế xã hội liên tục biến đổi, việc có được một cơ chế linh động trong chương trình hành động, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của hoàn cảnh sẽ là ưu điểm tiên quyết cho một khu vực. Chính mối quan hệ mật thiết và minh bạch của Ba Nhà, sự hợp tác chặt chẽ của những đơn vị trong địa phương với những định hướng chiến lược luôn bắt kịp với xu thế của thế giới, đồng thời chương trình hành động được xác lập kĩ càng nhưng có thể được thay đổi nhanh chóng để phù hợp môi trường mới một cách linh hoạt, sẽ là những động lực quan trọng cho sự phát triển Thành phố Thông minh Bình Dương.
Ứng dụng quan điểm trên, đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đã chính thức thành lập Ban Chỉ Đạo, Ban Điều Hành, Hội đồng cố vấn Ba Nhà, Văn phòng Thành phố Thông minh Bình Dương (quyết định số 3457/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương 12/12/2016, và nhiều quyết định khác) để cùng định hướng và vận hành cho toàn đề án, với sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo cao nhất của tỉnh, các cơ quan ban ngành cũng như các doanh nghiệp, đại học - cao đẳng - viện nghiên cứu. Các ban, hội đồng này và các dự án đều hoạt động trên nguyên tắc phối hợp Ba Nhà, và luôn kết hợp chặt chẽ với quốc tế, đặc biệt là với thành phố kết nghĩa Eindhoven. Công tác quản trị, tính minh bạch và hoạt động chia sẻ thông tin, dữ liệu luôn được chú ý đặc biệt. Thành phần các bên tham gia có thể thay đổi theo thời gian, thậm chí theo từng dự án.
E- 4 LĨNH VỰC:
Các mục tiêu và hướng dẫn cụ thể cho đề án Thành Phố Thông Minh Bình Dương được trình bày trong bộ tài liệu Binh Duong Navigator 2021 - Chương trình chiến lược đột phá kinh tế xã hội Bình Dương 2021, tầm nhìn 2030 (quyết định số 3206/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Bình Dương, 21/11/2016). Bộ tài liệu này chỉ ra viễn cảnh chung, xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết từng chương trình hành động cụ thể để xây dựng Bình Dương - với vai trò hiện thời là một bộ phận quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam - hướng đến TPTM, là khu vực mang tầm quốc tế về khoa học và công nghệ và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Cần nhấn mạnh thêm rằng chương trình này là tổng hòa của nhiều nỗ lực, có sự tham gia đóng góp của nhiều bên liên quan thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, vận động theo phương thức Ba Nhà và dẫn đầu bởi chính quyền tỉnh. Chương trình phát triển theo thời gian và luôn được cập nhật thường xuyên. Các hành động cụ thể có thể được thay đổi cho phù hợp từng thời điểm, dựa trên khung sườn định hướng chung của đề án. Bộ tài liệu gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia ra trong 4 lĩnh vực: “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp”, “các yếu tố nền tảng”.
Con người: Đặt con người là trọng tâm của đề án, nội dung chính của phần này là lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc - con người. Mục tiêu dài hạn là Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân được những nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Các trung tâm thực nghiệm - không gian sáng tạo (TechLab, FabLab, MakerSpace) sẽ được phát triển ở Bình Dương, là những không gian có sẵn máy móc thiết bị, sử dụng chung giữa viện trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp có điều kiện để phát triển các ý tưởng. Mục tiêu này sẽ được củng cố nhờ hạ tầng giáo dục tốt, môi trường làm việc năng động, hợp tác, trên cơ sở tài chính vững vàng, giúp tỉnh có được lực lượng lao động tài năng, hiệu quả.
Công nghệ: Những dự án trong lĩnh vực công nghệ đều hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sự đổi mới hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội, và tạo điều kiện để công nghệ mới được thí điểm ở các môi trường thực tế (Living Lab) vừa hỗ trợ cho nghiên cứu đồng thời cải thiện cuộc sống người dân. Nhận diện được tầm quan trọng của yếu tố này, chính quyền địa phương sẽ lãnh đạo và có sự hỗ trợ đặc biệt, tập hợp các viện trường, các công ty không chỉ trong nước mà cả các tập đoàn lớn cùng chung tay xây dựng. Mục tiêu dài hạn là Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến. Trong tương lai, cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển do tư nhân và Nhà nước tài trợ của không chỉ riêng tỉnh Bình Dương mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và các bên hợp tác chặt chẽ để tăng cường tính cạnh tranh trong sản xuất. Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp: Củng cố các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng doanh nghiệp mới là mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực này. Bình Dương hiện nay đang có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các công ty sản xuất, tập trung thành các Khu Công nghiệp quy mô. Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cổng thông tin về chuỗi cung ứng trong khu vực, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, Khu công nghiệp khoa học công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp với mô hình quốc tế. Trong tương lai, Bình Dương xác định sẽ hướng tới một hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo, và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài công nghệ cao.
Các yếu tố nền tảng: Tập trung vào những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển một khu vực vững mạnh, ví dụ như cơ sở hạ tầng tốt, xây dựng một thương hiệu danh tiếng, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống thoải mái và cuốn hút, các trung tâm văn hóa vui chơi giải trí - thể thao năng động, công nghệ thông tin băng thông rộng. Bình Dương đặc biệt chú trọng các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược trong và liên tỉnh, các trung tâm đầu mối cảng khô, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông băng thông rộng, năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến. Bình Dương hướng đến một hình ảnh tầm quốc tế không chỉ là một khu vực tốt để làm việc, sản xuất công nghiệp, mà còn là một TPTM với môi trường sống đầy năng động.
Về vấn đề nguồn lực, việc chuẩn bị một lộ trình chặt chẽ hướng đến TPTM sẽ tạo ra một sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư công nghệ, các bạn trẻ năng động và lao động trí thức cả trong và ngoài nước. Một mô hình hợp tác Ba Nhà, cũng giống như Eindhoven, lấy con người làm trọng tâm chứ không phải là công nghệ, sẽ giúp cho Bình Dương tạo ra môi trường sôi động, thúc đẩy các trường đại học, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cùng chung tay xây dựng, đem đến những ý tưởng, giải pháp, mô hình kinh doanh thông minh, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Ngoài ra, Bình Dương cũng có lộ trình xây dựng từng bước để tránh phân tán nguồn lực, bắt đầu từ những dự án có thể làm đòn bẩy cho nền kinh tế, và tập trung vào những khu vực đô thị có vị trí chiến lược đã được quy hoạch tốt trước, sau đó dần dần lan tỏa ra khắp tỉnh.
F. 6 TIÊU CHÍ:
1. Qui hoạch vùng thông minh Bình Dương để bước lên trường quốc tế
Tại vùng thông minh Brainport Eindhoven, rất nhiều ý tưởng được áp dụng trên toàn vùng, đặc biệt là các chiến lược phi công nghệ như mô hình Ba Nhà. Bên cạnh đó, Brainport vẫn lấy thành phố Eindhoven làm khu vực trung tâm, trong giai đoạn đầu tập trung nguồn lực và các ý tưởng sáng tạo để thực nghiệm tại đây, nâng tầm thương hiệu Eindhoven trên trường quốc tế, rồi từ đó phát triển dần ra 20 đô thị xung quanh.
Tương tự, tỉnh Bình Dương quy hoạch 1 khu vực gọi là Vùng Thông Minh Bình Dương, được chọn lựa dựa trên các tiêu chí quốc tế, là nơi tập hợp những đô thị, khu vực nghiên cứu giáo dục và công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Được lựa chọn ở một vị trí rất chiến lược, Vùng thông minh nằm ở phía Nam của Bình Dương, bao gồm thành phố trung tâm và 4 thị xã rất năng động của tỉnh, nơi hội tụ những điểm mạnh thiết yếu như dân cư đông đúc, các khu công nghiệp hiện hữu, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, Vùng thông minh này được qui hoạch đặc biệt để kết nối liên thông với các tỉnh thành xung quanh. Với sự hỗ trợ của Eindhoven, vùng được tập trung phát triển theo các tiêu chí của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, giúp Bình Dương mở ra những cơ hội hợp tác với mạng lưới các tỉnh thành thông minh, thịnh vượng thuộc cộng đồng, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới, định vị lại vị thế trên trường quốc tế.
Hình : Vùng Thông Minh Bình Dương: khu vực nằm trong biên giới màu đỏ; Nguồn : Quyết định số 3206/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Bình Dương, 21/11/2016
Tỉnh cũng đặc biệt tiến hành đưa Thành phố mới Bình Dương - là trung tâm của Vùng thông minh Bình Dương, hiện cũng là trung tâm chính trị xã hội của tỉnh - thành một ví dụ điển hình về chiến lược phát triển mới, một “Living Lab” để thí điểm các ý tưởng mới, tạo ra một nền tảng vững chắc để từ đó ứng dụng đồng bộ vào Vùng thông minh, hướng tới lan tỏa ra toàn tỉnh Bình Dương và chia sẻ với khu vực. Ngay từ lúc khởi động cách đây hơn 10 năm, Thành phố mới đã được định hướng đóng vai trò là trung tâm kết nối các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ trong và liên tỉnh, được trang bị cơ sở hạ tầng chuẩn quốc tế để trở thành nơi có môi trường sống và làm việc cuốn hút, hiện đại, thu hút nguồn lực tri thức, gắn kết người dân, chính quyền, viện trường, doanh nghiệp.
2. 6 tiêu chí của ICF:
Diễn đàn các Cộng đồng Thông Minh Thế giới ICF là một tổ chức uy tín quốc tế, tính đến cuối 2018 gồm hơn 180 thành viên là các đô thị thông minh, thịnh vượng từ khắp các Châu Lục. Dựa vào kinh nghiệm thực tế trong quá trình phát triển và đổi mới kinh tế xã hội, trên cơ sở những nghiên cứu chuyên sâu của nhóm, là những chuyên gia và nhà tư tưởng, ICF đã dần hình thành và đưa ra bộ tiêu chí chung nhằm xem xét khả năng các cộng đồng có mong muốn gia nhập vào mạng lưới chung của họ. Bộ tiêu chí này là định hướng ban đầu cho một cộng đồng phát triển một cách toàn diện, không chỉ trong việc tạo ra một hệ thống nền tảng bền vững và hệ sinh thái mới, mà còn phải đảm bảo được sự phát triển chung về kinh tế xã hội của cả khu vực. Từ những điểm trên, đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đã tiếp biến cách tiếp cận của ICF, và chú trọng phát triển tỉnh, mà trước hết là Vùng thông minh Bình Dương theo bộ tiêu chí của tổ chức này, với gần 30 câu hỏi tập hợp trong 6 tiêu chí lớn: Băng thông rộng, Lực lượng lao động tri thức, Đổi mới, Bình đẳng tiếp cận công nghệ số, Bền vững, và Ủng hộ - khích lệ. Bộ tiêu chí giúp cho các cộng đồng có thể bước đầu “đo lường” được “sự thông minh” của chính mình, dựa vào đó có những định hướng chiến lược phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ cộng đồng, huy động lực lượng tham gia và tranh thủ được sự ủng hộ của toàn khu vực.
Khả năng kết nối băng thông rộng: ICF nhấn mạnh băng thông rộng là tiện ích cần thiết, đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, sánh ngang với nước sạch và giao thông thông thoáng. Dù tốc độ internet như thế nào thì sức mạnh của băng thông rộng vẫn phải đủ để truyền tải. Băng thông rộng kết nối máy tính bàn, máy tính xách tay hoặc thiết bị di động của từng người tới hàng tỷ thiết bị và người dùng trên toàn thế giới, bao phủ toàn bộ thế giới vật chất, tạo ra cuộc cách mạng về cách thức chúng ta làm việc, vui chơi, sinh sống, giáo dục và giải trí cho bản thân, quản lý người dân và liên kết với thế giới.
Lực lượng lao động tri thức: Ngày nay, những công việc quan trọng tại các nền kinh tế công nghiệp hóa- ngay cả những nền kinh tế đang phát triển- đều cần đội ngũ tri thức lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu trong quá khứ. Với việc áp dụng những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, người lao động sẽ tạo ra những giá trị gia tăng cho công việc của mình để bù đắp lại chi phí lương của họ. Trong tương lai, nếu người lao động không tạo ra được những giá trị gia tăng vượt qua được mức chi phí lương của họ, thì họ sẽ sớm bị thay thế bằng các phần mềm hoặc phần cứng. Do đó, mỗi cá nhân đều phải không ngừng cải thiện các kỹ năng khác nhau để khẳng định giá trị bản thân.
Đổi mới: ICF khẳng định vai trò đổi mới là vô cùng cần thiết trong nền kinh tế liên kết toàn cầu của thế kỷ 21. Cộng đồng thông minh theo đuổi sự đổi mới thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức như các trường đại học, viện nghiên cứu. Tam giác đổi mới hay mô hình Ba Nhà hỗ trợ duy trì các lợi ích kinh tế của đổi mới ở địa phương, và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới gắn kết toàn cộng đồng hướng đến thay đổi tích cực. ICF tin rằng việc chính quyền đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, phù hợp, sẽ đóng góp to lớn vào việc phát triển văn hóa hợp tác trên, giảm được chi phí vận hành và cải thiện dịch vụ cho người dân.
Bình đẳng tiếp cận công nghệ số: Bình đẳng công nghệ số, trong quan điểm của ICF, tuân theo một quy tắc vô cùng đơn giản, đó là mọi người trong cộng đồng đều có quyền tiếp cận công nghệ băng thông rộng và có kỹ năng sử dụng chúng. Giống như hầu hết các quy tắc khác, quy tắc này dễ hiểu, nhưng khó thực hiện. Thực tế cho thấy rằng việc bùng nổ của băng thông rộng và nền kinh tế số đã khiến tình cảnh của nhiều người trở nên khó khăn hơn, nhất là những người vốn nằm bên lề sự phát triển của xã hội, có thể là do nghèo khó, không được đào tạo đầy đủ, do định kiến, tuổi tác, khuyết tật hoặc đơn giản chỉ là do nơi họ đang sinh sống chưa được kết nối. Những việc trên gây ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp từ sản xuất đến dịch vụ bán lẻ, khiến nhiều người cảm thấy cuộc cách mạng công nghệ số là một gánh nặng hơn là tiện ích hiệu quả. Vì vậy, để huy động được sức mạnh toàn cộng đồng, đây là một yếu tố tiên quyết.
Phát triển bền vững: Cải thiện đời sống hiện tại, đồng thời đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể giữ vững và phát huy, là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững. Trong lịch sử, tăng trưởng kinh tế luôn liên quan tới việc tiêu thụ rất nhiều tài nguyên và thải ra rất nhiều rác thải. ICF nhấn mạnh các cộng đồng thông minh cần phải có những giải pháp để tiếp tục tăng trưởng - đem lại tác động tích cực đối với cộng đồng - đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ủng hộ - khích lệ: Thông thường, các lãnh đạo, người dân hoặc các tổ chức thường có xu hướng phản kháng những thay đổi, mặc dù sau này những thay đổi đó có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, nỗ lực để thay đổi và quyết tâm để thực hiện là những năng lực cốt lõi của cộng đồng thông minh. Thực tế cho thấy rằng không nhiều địa phương tự nhiên sở hữu những năng lực này, mà đây là những phẩm chất phải mất rất nhiều năm vận động ủng hộ mới hình thành được.
Các nhân tố chủ chốt quyết định thành công
Khi đánh giá đề cử, ICF tìm kiếm những xu hướng thể hiện được tố chất của một cộng đồng thông minh. Với nhiều năm quan sát và nghiên cứu các trường hợp khắp thế giới, ICF kết luận 2 nhân tố chủ chốt quyết định sự thành công, chen lẫn trong các hoạt động của cộng đồng là hợp tác và lãnh đạo.
- Hợp tác: Sự phát triển của Cộng đồng thông minh đòi hỏi phải có sự hợp tác mạnh mẽ giữa chính quyền, các doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức. Rất ít các tổ chức có đủ nguồn lực, nguồn vốn hay có đủ ủng hộ để đem lại một sự thay đổi hoàn toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, hợp tác cũng là một thách thức. Để có thể hợp tác, cần có tầm nhìn, sự linh hoạt, và độ tin cậy cao giữa các đối tác. Cộng đồng thông minh phát triển tầm nhìn, thể hiện sự linh hoạt và xây dựng lòng tin giữa các bên tham gia. Việc hợp tác chỉ đem lại hiệu quả khi các nhà lãnh đạo tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả.
- Lãnh đạo: Cộng đồng thông minh không thể thành công nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt. Nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ xác định được những thách thức, đặt ra thứ tự ưu tiên, truyền đạt tầm nhìn và thúc đẩy các hành động để đạt được mục tiêu. Họ tạo ra một môi trường hợp tác, khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro và tạo ra các mối quan hệ đem lại lợi ích cho tất cả các đối tác: chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức, viện trường. Trong các cộng đồng thông minh mà ICF từng nghiên cứu, nhà lãnh đạo có thể là những cán bộ được bầu, viên chức trong chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các trường đại học hay các tổ chức phi lợi nhuận. Do đó, điều quan trọng nhất là tính cách, động lực và tài năng của các cá nhân - những người cam kết sẽ cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội cho cộng đồng.
G. BÌNH DƯƠNG ĐỊNH VỊ LẠI VỊ THẾ TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ:
Thời gian qua, đề án Thành phố thông minh Bình Dương đã gặt hái được những kết quả mang tính nền tảng, các đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai rất nhiều ý tưởng mới, dự án cụ thể, hiệu quả thiết thực, với qui mô khác nhau, từ khu vực thành phố mới đến toàn tỉnh. Đề án đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương, đặc biệt bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước định vị lại vị thế Bình Dương trên trường quốc tế. Tỉnh đang hình thành cơ chế phối hợp Ba Nhà, linh hoạt, minh bạch, hoạt động ngày càng hiệu quả, không những ở qui mô tổng thể mà cả ở phương thức vận hành các dự án cụ thể. Năm 2018 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Bình Dương được chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới WTA (World Technopolis Association), đồng thời cùng hiệp hội này, UNESCO và thành phố Daejeon (Hàn Quốc) tổ chức thành công sự kiện 20 năm thành lập WTA kết hợp Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu tại Bình Dương. Ngày 25, 26/11/2018 Bình Dương lại tiếp tục đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis (Horasis Asia Meeting 2018). Hai sự kiện quốc tế quan trọng trên đã mang đến Bình Dương hơn 50 hội thảo trao đổi về xu thế và tầm nhìn toàn cầu, hơn 20 thị trưởng, chủ tịch của các tỉnh thành khắp thế giới, 30 hiệu trưởng các trường đại học, và gần 1000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ hơn 60 quốc gia, góp phần đưa Bình Dương lên 1 tầm cao mới trên trường quốc tế.
Đặc biệt, ngày 25/10/2018, trong buổi lễ tại Canada và từ trụ sở chính ở New York (Mỹ), Diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới ICF đã công bố danh sách 21 đô thị đến từ 10 quốc gia trên 6 châu lục, là những khu vực có chiến lược phát triển đô thị thông minh tiêu biểu nhất thế giới cho năm 2019 (Smart21), trong đó có Vùng thông minh Bình Dương, bên cạnh những đô thị danh tiếng toàn cầu như Chicago ở Mỹ, Mátx-cơ-va ở Nga, Đào Viên ở Đài Loan… Như vậy, Bình Dương đã vượt qua các tiêu chí chặt chẽ để được kết nạp vào mạng lưới ICF, mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế rất lớn cho tỉnh. Việc đạt danh hiệu trên cũng đã tạo ra vị thế quốc tế, niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, các viện trường trên thế giới, phát triển nguồn nhân lực tri thức, thúc đẩy khoa học công nghệ, là nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
H. KẾT LUẬN:
Tóm lại, việc quy hoạch và xây dựng hướng tới TPTM là một chiến lược lâu dài với nhiều thách thức, vì vậy cần được cân nhắc kĩ lưỡng dựa trên tình hình kinh tế xã hội của địa phương, và cần vạch ra những hướng đi đúng đắn để tạo những đột phá mang tính nền tảng. Dựa trên tiềm lực công nghiệp, cơ sở hạ tầng và những đô thị mới đã được quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế, Bình Dương đã không lựa chọn bước khởi đầu là ứng dụng giải pháp công nghệ nâng cấp từng mảng nhỏ trong đô thị (như quản lý giao thông, quản lý nước, chính quyền điện tử…) mà lựa chọn trước hết là hợp tác chiến lược với thành phố Eindhoven-Hà Lan, thực hiện một cách có lộ trình và toàn diện 2 cơ chế, 4 lĩnh vực, 6 tiêu chí, trong đó lấy mô hình Ba Nhà làm chủ đạo để phát triển đồng bộ, bền vững. Bình Dương tiếp biến tầm nhìn của ICF, nhấn mạnh vào khái niệm “cộng đồng thông minh” - intelligent community chứ không chỉ là “thành phố thông minh” - smart city, khuyến khích phát huy công nghệ, băng thông rộng, CNTT&TT, môi trường bền vững, nhưng trọng tâm vẫn là con người và cộng đồng, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, đưa nền kinh tế chuyển dần sang dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, xây dựng một môi trường sống cuốn hút, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, từng bước vươn tới TPTM, hướng đến nền kinh tế tri thức - kinh tế số, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với một cơ chế hợp tác vững chắc cùng sự đồng thuận nhất trí cao của toàn tỉnh, các cơ quan, tổ chức đang cùng tham gia vào đề xuất, đóng góp nguồn lực và tiến hành triển khai đồng loạt các đề án cụ thể, dựa trên “kim chỉ nam” là Binh Duong Navigator - chương trình chiến lược đột phá kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030. Năm 2018 đề án TPTM Bình Dương đã đạt được những kết quả mang tính nền tảng, mà nổi bật nhất là việc được kết nạp vào WTA - hiệp hội đô thị khoa học công nghệ thế giới, cũng như việc Vùng thông minh Bình Dương đã đạt được các tiêu chí chặt chẽ của ICF, chính thức trở thành thành viên của cộng đồng uy tín này, và được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2019. Những thành quả đó đã tạo ra niềm tin và danh tiếng quốc tế, mở ra cho Bình Dương một mạng lưới hợp tác toàn cầu các đô thị thông minh, thịnh vượng, từ đó giúp tỉnh có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, tiếp tục xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 01/01/2017, tại lễ kỷ niệm “Bình Dương 20 năm phát triển”: “sẽ là thành phố thông minh đầu tiên được kết hợp tốt ba nhà” tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bell R., Jung J., Zacharilla L. (2009), Broadband Economies: Creating the Community of the 21st Century, Intelligent Community Forum.
2. Bell R., Jung J., Zacharilla L. (2012), Seizing our Destiny, CreateSpace Independent Publishing Platform.
3. Bell R., Jung J., Zacharilla L. (2014), Brain Grain, CreateSpace Independent Publishing Platform.
4. Deakin M. & Al Waer H. (2011), ‘From Intelligent to Smart Cities’, Journal of Intelligent Buildings International, vol 3.
5. Deakin M. & Al Waer H. (2012), From intelligent to smart cities, Routledge.
6. Deakin, Mark (2013), Smart Cities: Governing, Modelling and Analysing the Transition, Routledge.
7. Deloitte & Council on Competitiveness, 2016 Global Manufacturing Competitiveness Index report, Deloitte.
8. Etzkowitz H. and Leydesdorff L. (1995), The Triple Helix: University - Industry - Government Relations A Laboratory for Knowledge Based Economic Development, Pinter, UK.
9. Etzkowitz H. (2008), The Triple Helix: University-Industry-Government Innovation In Action, Routledge, London.
10. Giffinger R., Fertner C., Kramar H., Kalasek R., Pichler-Milanovic N. & Meijers E. (2007), Smart cities - Ranking of European medium-sized cities, Smart Cities, 03/10/2007, Vienna UT.
11. Gregory Mone (2015), Communication of the ACM.
12. Nguyễn Việt Long (2016), “Bình Dương hướng tới Đô thị Thông minh”. Tạp chí Người Đô Thị, số 49, 6/2016.
13. Nguyễn Việt Long (2017), bài trình bày “Foundation of Smart City: a case study of Binh Duong”, Hội thảo khoa học quốc tế “Smart City Solutions Workshop: Global approach, local solutions” đồng tổ chức bởi viện Fraunhofer và Đại học Việt Đức, dưới sự tài trợ của Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức, 5 & 6/10/2017.
14. Nguyễn Việt Long (2017), “Phát triển thành phố thông minh và sống tốt: Trường hợp thành phố Bình Dương”, Urban Livability and smart city development in Binh Duong (Conference proceedings). 12/2017.
15. Nguyễn Việt Long (2017), bài tham luận “Chiến lược đột phá kinh tế xã hội - qui hoạch đô thị thông minh trong điều kiện Bình Dương”, Hội thảo Việt Nam - Đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững, Diễn đàn Đô thị Việt Nam 8/11/2017, do Bộ Xây dựng Việt Nam chủ trì.
16. Nguyễn Việt Long (2018), “Xây dựng thành phố thông minh Bình Dương: từ mô hình quốc tế đến tầm nhìn đột phá”, Tạp chí Khoa học Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Học viện khu vực 2, số 01/2018.
17. Nguyễn Việt Long (2018), “Chiến lược thành phố thông minh: Bình Dương đột phá thu hút đầu tư, kết nối liên vùng, tăng tốc kinh tế, nâng tầm xã hội”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia: Cơ chế và Chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà xuất bản Lao động.
18. Nguyễn Việt Long, Phạm Thùy Linh (2018), “Logistics trong liên kết góp phần tạo nguồn lực phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia: Cơ chế và Chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà xuất bản Lao động.
29. Nguyễn Việt Long, Nguyễn Thị Loan, Mai Hồng Chi (2018), “Kết nối chuỗi giá trị góp phần tạo giá trị gia tăng phát triển vùng: Nghiên cứu tại Becamex và một số doanh nghiệp tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia: Cơ chế và Chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà xuất bản Lao động.
20. Nguyễn Việt Long, Nguyễn Thanh Trúc, Mai Hồng Chi (2018), “Phương thức thu hút nguồn vốn Đầu tư trực tiếp của tỉnh Bình Dương”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia: Cơ chế và Chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà xuất bản Lao động.
21. Nguyễn Việt Long (2018), “Bình Dương: xây dựng thành phố thông minh”, Tạp chí Thông tin và Phát triển, ISSN 1859-2678. Số 8/2018. Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
22. Nguyễn Việt Long (2018), “Chọn tiêu chí xây dựng Đô thị thông minh, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu trường hợp Bình Dương và bộ tiêu chí ICF”. Quản lý Phát triển Đô thị Việt Nam 2008-2018, Bộ Xây dựng - Cục phát triển đô thị Việt Nam. Nhà xuất bản Xây dựng.
23. Rob van Gijzel (2016),A City Creating the Future,Lecturis.
24. Sarwant Singh (2014), Smart Cities: A $1.5 Trillion Market Opportunity, Forbes.
25. Schwab Klaus (2017), The Fourth Industrial Revolution, Currency.
26. Singh I., Pelton J. N. (2009), Future Cities, BookSurge Publishing.
27. Tom Saunders & Peter Baeck (2015), Rethinking Smart Cities from the Ground up, NESTA.
28. Quyết định số 3206/QĐ-UBND, ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh Bình Dương.
Thông tin về Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương: http://www.binhduong.gov.vn/dautuphattrien/Pages/de-tai-de-an-chi-tiet.aspx
29. Quyết định số 3457/QĐ-UBND, ngày 12/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
30. Báo cáo số 269a/BC-UBND, ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh Bình Dương.
31. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm «Bình Dương 20 năm phát triển»: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-du-le-ky-niem-binh-duong-20-nam-phat-trien-582580.vov
32. Thông tin về diễn đàn cộng đồng Thông minh thế giới ICF: http://www.intelligentcommunity.org