Khởi nghiệp xã hội: Xu hướng phát triển tại Việt Nam
Sáng tạo xã hội nói chung và khởi nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng chính là hướng đi quan trọng trong những năm tới nhằm giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ở tầm quốc gia và đã tồn tại rất lâu, cần có sự đột phá để giải quyết.
Khởi nghiệp xã hội, doanh nghiệp xã hội?
Khởi nghiệp xã hội là việc áp dụng các phương thức sáng tạo, theo định hướng thị trường nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xã hội và môi trường, từ đó tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống và cung cấp giải pháp bền vững. Khởi nghiệp xã hội không chỉ là một khái niệm mới mà trở thành một xu hướng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, mặc dù vẫn là khái niệm mới mẻ, xu hướng này đang lan rộng. Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới hình thành, xu hướng này còn len lỏi vào các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Doanh nghiệp xã hội: Theo định nghĩa của Chính phủ Anh, doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. Theo định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì doanh nghiệp xã hội là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. Doanh nghiệp xã hội thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường”.
Theo Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí: (1) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; (2) mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; (3) sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Có thể nói, doanh nghiệp xã hội được coi là giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững vì các doanh nghiệp này cung cấp những sản phẩm dịch vụ thiết yếu giá cả thấp cho người thu nhập thấp; cung cấp các dịch vụ công đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội; tăng cường phúc lợi cộng đồng bằng việc kết nối những người bị lề hóa xã hội trở lại hòa nhập cộng đồng; đào tạo và cung cấp việc làm cho người thiệt thòi, yếu thế hoặc bị lề hóa.
Không chỉ là xu hướng
Trên thế giới, doanh nghiệp xã hội không còn là xu hướng mà đang thuyết phục các nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh song song với tác động xã hội không nhỏ của mình. Tính riêng Vương quốc Anh, hiện có hơn 470.000 doanh nghiệp xã hội và đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.44 triệu người. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này là giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã và những vấn đề quan trọng của đời sống xã hội. Hay ở Australia, hiện đang có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp xã hội (thống kê đến năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người và tạo ra 2-3% GDP. Trong vòng 10 năm tới, con số này dự kiến tăng lên khoảng 4% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 500.000 người Australia. Thống kê của Hội đồng Anh cũng cho thấy, doanh nghiệp xã hội đang đóng góp khoảng 10% GDP của Pháp, 15% GDP của Italia và 15.9% GDP ở Hà Lan và Bỉ. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, mô hình hợp tác xã đóng góp vào GDP của Kenya 45%, cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp của cả khu vực công và tư. (3)
Tại Philippin, để góp phần hỗ trợ Chính phủ giải quyết các vấn đề xã hội này, bên cạnh mô hình doanh nghiệp xã hội truyền thống như tổ chức phi chính phủ, quỹ từ thiện… nhiều doanh nghiệp xã hội theo mô hình doanh nghiệp được thành lập đi vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, thời trang… với kỳ vọng dùng lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ người dân nhằm giảm nghèo bền vững.
Doanh nghiệp xã hội Việt Nam còn gặp nhiều thách thức
Mô hình doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động là mô hình lai ghép lấy phương thức kinh doanh để hỗ trợ Chính phủ giải quyết một phần các vấn đề xã hội và môi trường. Chính vì thế, khu vực doanh nghiệp xã hội cần có ưu tiên cao nhất trong các doanh nghiệp khi đón nhận các hình thức hỗ trợ của khu vực công, bao gồm tiếp cận vốn, mua sắm công, các khoản thuế phí và thủ tục hành chính.
Theo một báo cáo của Mạng lưới Khởi nghiệp Xã hội toàn cầu, 5 quốc gia Mỹ, Canada, Anh, Singapore và Israel là những nước thành công trong việc kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội gắn liền với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tận dụng nguồn lực xã hội vào việc kinh doanh, số lượng những doanh nghiệp đi theo hướng tiếp cận này vẫn không nhiều với nhiều lý do khác nhau như: nhận thức về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế, khả năng tiếp cận vốn, thiếu nguồn lực, kỹ năng quản lý, các dịch vụ hỗ trợ kết nối…
Trong cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (CSIE) cho thấy, các doanh nghiệp xã hội đều cần hỗ trợ về truyền thông, để đưa sản phẩm và mô hình kinh doanh đến với người tiêu dùng và các nhà tài trợ (100%); đa số doanh nghiệp xã hội cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức trung gian (60%); nhiều doanh nghiệp cần các tổ chức và cộng đồng hỗ trợ mua và phân phối sản phẩm (55%); doanh nghiệp xã hội cũng tin tưởng rằng các tổ chức có thể giúp thúc đẩy tiếng nói của khu vực này với Chính phủ, để các nguồn lực đang ưu tiên giải ngân sẽ đến được đúng người, đúng thời điểm. Các tổ chức hỗ trợ với mạng lưới đối tác và khả năng tiếp cận cộng đồng của mình có thể thực hiện các chiến dịch truyền thông để kêu gọi tài trợ, từ thiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người hưởng lợi trực tiếp là nhóm yếu thế của chính doanh nghiệp xã hội.
Tuy còn nhiều thách thức, nhưng một số doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn nỗ lực thực hiện sứ mệnh xã hội của mình, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nổi cộm. Thực tế đã chứng minh qua một số doanh nghiệp xã hội điển hình ở Việt Nam, những doanh nghiệp này không chỉ làm tròn sứ mệnh của mình mà còn vươn tay dẫn dắt những doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội non trẻ.
Một số điển hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
Hiện nay, doanh nghiệp xã hội hoặc có liên quan đến yếu tố xã hội ở Việt Nam vào khoảng gần 50.000, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường… Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2018) cho thấy, 50% các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tiếp đó là tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề (46.7%); bảo vệ môi trường (32%); thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ người học (30%) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp (24%). Chúng ta có thể điểm qua một số doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về hoạt động cũng như những tác động mà doanh nghiệp xã hội mang lại cho xã hội.
1. Công ty TNHH liên kết sinh thái Việt Nam (Ecolink), là một trong những công ty đi đầu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS) nhằm lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Châu Âu và Mỹ. Ecolink được thành lập năm 2003 bởi công ty TNHH Hiệp Thành và ông Koen Den Braber, với mục đích chính là khai thác thị trường thực phẩm cao cấp, với các sản phẩm nông sản giàu dinh dưỡng có tính đặc thù của Việt Nam, thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ theo các tiêu chí của Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM), thương mại công bằng và xây dựng cộng đồng.
Chè hữu cơ của Ecolink dựa trên nền tảng là chè rừng tự nhiên, dùng phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học. Điểm đặc trưng nhất trong hoạt động sản xuất chè hữu cơ Ecolink là chỉ sử dụng một giống chè địa phương Shan Tuyết, do các hộ nông dân đã đăng ký và được đào tạo sản xuất. Đến cuối năm 2006, Ecolink đã lấy được hai chứng nhận quan trọng là Chứng nhận thương mại công bằng của tổ chức FLO (The Fair Trade Labelling Organizations Internation) và Chứng nhận hữu cơ của Tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế (ICEA). Đây có thể nói là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Ecolink nói riêng cũng như ngành chè Việt Nam nói chung.
2. Doanh nghiệp xã hội KOTO được sáng lập bởi ông Jimmy Phạm - Việt kiều Úc. KOTO được viết tắt từ “Know One Teach One”, là một doanh nghiệp trang bị cho trẻ em thiệt thòi và dễ bị tổn thương các kỹ năng sống, đào tạo nghề và cung cấp các cơ hội để các em có thể tiếp tục tự xây dựng tương lai. KOTO được xem là người anh cả của doanh nghiệp xã hội Việt Nam, góp phần to lớn trong việc thay đổi nhận thức của Việt Nam về doanh nghiệp xã hội.
Được thành lập vào năm 1999, KOTO bắt đầu từ một tiệm bánh mì kẹp, tạo công ăn việc làm cho chính trẻ lang thang cơ nhỡ. Từ đó, KOTO lớn mạnh dần, trở thành một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận được trao tặng nhiều giải thưởng, cung cấp cho trẻ khuyết tật, trẻ em đường phố độ tuổi từ 16 đến 22 một chương trình đào tạo dạy nghề liên tục kéo dài 24 tháng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, các kỹ năng sống cơ bản và tiếng anh. Học viên tốt nghiệp tại KOTO nhận chứng chỉ quốc tế tại học viện Box Hill (Merbourne, Úc), từ đó có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp tại các khách sạn, khu nghỉ và nhà hàng hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cứ mỗi 06 tháng KOTO tuyển học viên một lần, là những người trẻ thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương, từng có tiền sử bị lạm dụng tình dục, bạo lực giới tính, trẻ em nghèo, vô gia cư… Học viên tham gia chương trình đào tạo đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhận đồng phục, được ăn uống đầy đủ, có chỗ ở... Ngoài thời gian học trên lớp, thực tập tại các nhà hàng, chơi thể thao hoặc các hoạt động ngoại khóa khác, các thực tập sinh cũng dành thời gian rảnh của mình với mẹ của từng nhà, vì KOTO tổ chức ký túc xá như một ngôi nhà và gia đình thật sự.
Đến nay, gần 1.000 trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn được học nghề tại KOTO đã trở thành nhân viên, quản lý tại nhà hàng khách sạn đẳng cấp quốc tế. KOTO thực sự là nơi chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở của trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn tìm được nghề và công việc phù hợp.
3. Công ty Cổ phần Kym Việt, thành lập vào cuối năm 2013, chuyên sản xuất các con thú nhồi bông do chính bàn tay và khối óc của những con người khuyết tật tạo dựng. Với tôn chỉ “sản phẩm thay cho lời nói” cũng như “chúng ta là những người khuyết tật, không để sản phẩm của chúng ta là những sản phẩm khuyết tật, chúng ta phải sống bằng chính sản phẩm của mình làm ra, nếu để khách hàng mua bằng lòng thương hại, họ chỉ mua một lần và chúng ta sẽ thất nghiệp”, Kym Việt đã đứng trên đôi chân của mình bằng chính những sản phẩm thủ công cao cấp.
Dự kiến bên cạnh những sản phẩm thú nhồi bông truyền thống, Kym Việt sẽ phát triển mảng dịch vụ như: Dịch vụ đào tạo cho người khuyết tật về làm nghề thủ công bằng vải, đào tạo cho cộng đồng về hòa nhập sống và làm việc với người khuyết tật, các dịch vụ gia tăng như tour giáo dục, café Kym Việt. Về mảng sản phẩm, Kym Việt dự kiến phát triển các sản phẩm liên quan đến giáo dục và trang trí gia đình.
4. Mekong Plus, tổ chức phi chính phủ Mekong Plus ra đời vào năm 1994, là tiền thân của doanh nghiệp xã hội Mekong Plus sau này.
Qua thương hiệu Mekong Quilts, công ty TNHH Mekong Plus đang mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nghèo khu vực nông thôn ở miền nam Việt Nam. Đến năm 2016, Mekong Quilts đã có 05 cửa hàng ở những trung tâm du lịch và đông dân ở Việt Nam và Campuchia: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Phnom Penh và Siem Reap với các sản phẩm đa dạng: Sản phẩm ga gối chăn chần bông chất lượng cao, thiết kế đẹp mang nhiều nét đặc trưng vùng Mekong; xe đạp sử dụng khung bằng tre; túi xách; phụ kiện trang trí nhà cửa… ưu tiên hàng đầu của sản phẩm là tận dụng được nguyên vật liệu tự nhiên sẳn có trong vùng sản xuất. Năm 2013, chất lượng và thiết kế của Mekong Quilts nhận được Giải thưởng Thiết kế Đẹp Nhật Bản và thu hút được nhiều nhà thiết kế nước ngoài tình nguyện đến chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo.
5. Công ty phục vụ năng lượng mặt trời - Solar Serve xuất phát từ đam mê và trăn trở về năng lượng mặt trời, anh Nguyễn Tấn Bích được một người bạn gửi tài liệu liên quan đến năng lượng mặt trời từ Hà Lan để nghiên cứu, đến năm 2000, anh Bích thành công sản phẩm bếp sử dụng năng lượng mặt trời và kêu gọi tài trợ. Với mong muốn đưa sản phẩm đến cho người nghèo, song nguồn tài trợ không ổn định làm ảnh hưởng đến việc sản xuất sản phẩm, anh Bích quyết định phát triển mảng kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, đánh dấu quá trình chuyển đổi từ một tổ chức từ thiện sang một doanh nghiệp xã hội.
Những chiếc bếp tiết kiệm nhiên liệu mà Solar Serve liên tục cải tiến đã phục vụ cho cộng đồng nghèo và người dân tại các vùng có nạn phá rừng nghiêm trọng, góp phần giảm tập quán sử dụng cây rừng làm củi đun, giảm ô nhiễm không khí trong nhà và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân nghèo. Nói cách khác, khách hàng của Solar Serve là đồng bào nghèo, đặc biệt là ở ven biển và vùng cao chưa có điện. Bên cạnh sản xuất, Solar Serve còn triển khai các dịch vụ tư vấn cho các dự án lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nhằm mang lại lợi nhuận phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Những thông tin trên phần nào phản ánh xu hướng trở thành doanh nghiệp xã hội và đi cùng nó là khởi nghiệp sáng tạo xã hội sẽ trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong những năm tới cho cả doanh nghiệp đã vận hành và doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nhân, nhà khởi nghiệp trẻ và nhà sáng lập startup ngày càng lựa chọn các hướng khởi nghiệp xã hội đi vào giải quyết những vấn đề khó như ô nhiễm môi trường, thực phẩm sạch, phân bón hữu cơ, phát triển bền vững.
Có thể nói, doanh nghiệp xã hội chính là con đường tạo ra những cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người. Để phát triển doanh nghiệp xã hội thì vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý vững chắc, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ truyền thông nhận thức về doanh nghiệp xã hội, làm cầu nối giữa các tổ chức và cộng đồng… cho mô hình này ngày càng được lan tỏa hướng đến một xã hội công bằng hơn và tốt đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Điển hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Hội đồng Anh Việt Nam và Trường Đại học kinh tế Quốc dân, 2016.
2. Khảo sát “Ảnh hưởng của COVID-19 đến khu vực Doanh nghiệp xã hội và nhu cầu hỗ trợ”, Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, 2020.
3. https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Khoi-nghiep-sang-tao-xa-hoi-Khi-co-hoi-nam-trong-thach-thuc-15154.
Huỳnh Nhi