Không gian dùng chung – Coworking space
Coworking space thường hấp dẫn đối với những ai đang hoạt động trong công việc đòi hỏi sự sáng tạo, kinh doanh, các nhà đầu tư … nhưng chưa có điều kiện để có một văn phòng cố định.
1. Mô hình Coworking space là gì?
Mô hình Coworking space ở Regina, Canada (Ảnh sưu tầm)
Coworking space là nơi cung cấp chỗ làm việc chung, thoải mái, năng động và đầy đủ những nhu cầu tiện ích của một văn phòng truyền thống như phòng họp, máy in, dịch vụ lễ tân văn phòng, bếp ăn...
Coworking là phong cách làm việc theo tinh thần tự định hướng, có sự hợp tác, linh hoạt và tự nguyện dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và chia sẻ các giá trị cốt lõi chung giữa những người tham gia.
Không giống như trong một văn phòng thông thường, những đồng nghiệp đó thường không cùng một tổ chức. Các thành viên của mô hình Coworking space là những cá nhân đến từ những tổ chức khác nhau, ngành nghề khác nhau. Coworking cung cấp giải pháp cho vấn đề mà nhiều người làm việc tự do gặp phải khi làm việc tại nhà, đồng thời cho phép họ thoát khỏi những phiền nhiễu trong nhà.
Coworking space thường hấp dẫn đối với những ai đang hoạt động trong công việc đòi hỏi sự sáng tạo, kinh doanh, các nhà đầu tư … nhưng chưa có điều kiện để có một văn phòng cố định.
Coworking space dễ bị lầm tưởng với nhiều mô hình như chia sẻ văn phòng (shared office). Coworking thường được xây dựng với mục tiêu tập trung vào cộng đồng thay vì lợi nhuận. Những người tham gia thường đóng chi phí dưới dạng phí thành viên, mặc dù một số không gian là miễn phí.
Có thể hiểu đơn giản mô hình Coworking space là mô hình không gian làm việc chung, được hình thành qua 2 yếu tố cốt lõi là cộng đồng và tiện ích. Trong đó yếu tố quyết định sống còn là những người quản lý phải tạo dựng được tương tác thường xuyên và giao lưu giữa các cộng đồng với nhau, từ đó khuyến khích nảy sinh các cơ hội hợp tác lý tưởng cho các thành viên tham gia.
2. Lịch sử
Coworking space được cho là bắt đầu châu Âu những năm 1990, xuất phát từ việc các lập trình viên tập trung lại để trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm. Ở một số nơi, coworking được phát triển bởi các doanh nhân làm việc qua internet, họ tìm kiếm một giải pháp thay thế làm việc trong các quán cà phê, trong các văn phòng độc lập hoặc tại nhà. Một cuộc khảo sát năm 2007 cho thấy nhiều nhân viên lo lắng về việc cảm thấy bị cô lập và mất tương tác với mọi người khi làm việc từ xa. Khoảng một phần ba số lao động khu vực tư nhân cũng cho rằng họ không muốn ở nhà trong khi làm việc. Một yếu tố chính khác thúc đẩy nhu cầu cho coworking là vai trò ngày càng tăng của những người lao động tự do.
Từ năm 2006 đến 2015, một vài nghiên cứu đã chỉ ra số lượng không gian làm việc chung và số chỗ ngồi có sẵn đã tăng gấp đôi mỗi năm trên toàn thế giới.
Đông Nam Á đang là nơi coworking space phát triển mạnh mẽ với hơn 10.000 không gian đang hoạt động. Dự báo của Công ty JLL cũng cho thấy nguồn cung co-working space sẽ chiếm 10 - 15% tổng nguồn cung văn phòng ở khu vực này, so với 5% ở hiện tại. Một vài tập đoàn đa quốc gia cũng đang thiết lập góc coworking space trong văn phòng để kích thích ý tưởng sáng tạo của nhân viên.
3. Mô hình Coworking Space bùng nổ tại Việt Nam trong những năm gần đây
Vài năm gần đây, mô hình không gian làm việc chung cho các nhóm khởi nghiệp phát triển mạnh tại TP. Hồ Chí Minh. Trên thực tế, mô hình này đã có mặt ở TP. Hồ Chí Minh từ hơn 10 năm trước. Một trong những doanh nghiệp đầu tiên là G Office với các dịch vụ chỗ ngồi làm việc hoặc thuê văn phòng riêng. Đặc biệt là khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay CEO Google Sundar Pichai tiếp xúc với giới trẻ Việt Nam tại những coworking space thì khái niệm này càng được quan tâm rộng rãi.
Theo báo cáo của Tập đoàn CBRE Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường coworking space Việt Nam đã xuất hiện 17 đơn vị kinh doanh vận hành 22 điểm với tổng diện tích 14.500m2. Đến hết quý I/2018, số lượng các đơn vị điều hành đã tăng thành 40, cung cấp cho thị trường 50 điểm với tổng diện tích khoảng 30.000m2.
Tuy nhiên, hầu hết diện tích trung bình của mỗi coworking space ở Việt Nam chỉ có quy mô trên dưới 1.000m2, không đủ không gian và diện tích đạt chuẩn một coworking space đúng nghĩa, trong khi trên thế giới quy mô một điểm coworking space có diện tích khoảng 2.000 – 5.000m2.
Một số mô hình coworking space khá có tiếng hiện nay có thể kể đến như UP, Toong, Dreamplex, Citihub...
Mô hình Coworking Space chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng là các công ty nhỏ từ 2 tới 4 người, các freelancer hay các start-up giới công nghệ. Đặc biệt tại Việt Nam các Coworking Space không thu phí dựa trên diện tích hoạt động mà cung cấp gói dịch vụ khác nhau theo nhu cầu của khách hàng như: phòng riêng, chỗ ngồi cố định hàng tháng, combo ngắn ngày cho các thành viên làm việc linh hoạt.
Nguồn doanh thu chủ yếu từ mô hình Coworking Space là chi phí cho thuê không gian làm việc, cho tới các phí dịch vụ đồ ăn, uống, phí kết nối, cho thuê địa điểm sự kiện, tư vấn start-up.
Coworking space kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của các startup cũng như phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng giá cả vẫn còn cao so với khả năng của nhóm khách hàng này.
4. Lý do tìm đến coworking space
Các startup tìm đến coworking space không đơn thuần là một nơi làm việc mà còn để mở rộng mối quan hệ, nắm bắt được xu hướng của những ngành nghề khác, đặc biệt là có được sự để mắt của mạng lưới quỹ đầu tư đứng sau coworking space. Bản thân nhà sáng lập của các coworking space như Nam Đỗ (UP), Trung Tín (Dreamplex) cũng là những nhà đầu tư thiên thần. Cyber Agent - một quỹ đầu tư của Nhật, cũng đặt văn phòng làm việc tại UP để tiếp cận được với nhiều ý tưởng startup tiềm năng.
Hiện nay, rất nhiều các công ty vừa và nhỏ chuyển hướng sang sử dụng coworking space thay cho việc thuê văn phòng truyền thống, điều này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Khi đặt văn phòng tại coworking space, các công ty chỉ cần thuê một phòng làm việc và sử dụng phòng họp chia sẻ với những công ty khác, sẽ phù hợp cho những bộ máy quy mô nhỏ thường biến động về nhân sự.
Bên cạnh đó, coworking space chú trọng đến các yếu tố thiết kế, tiện ích để người làm việc có thể thỏa sức sáng tạo nên một số người làm quản lý cho rằng không gian này có thể giúp nhân viên của họ làm việc hiệu quả hơn, không gian thoải mái, tự do sẽ tạo ra hiệu suất làm việc tốt hơn.
Các tập đoàn lớn cũng nhận ra làm việc tại không gian chung cũng là một cách gián tiếp giúp cải thiện thái độ và tinh thần làm việc cho những nhân viên lâu năm của mình. Điển hình, Microsoft đã chuyển 30% nhân viên của họ (chủ yếu là bộ phận bán hàng) tại New York vào làm việc tại các địa điểm của WeWork vào năm 2016. Microsoft mong muốn nhân viên của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự năng động, trẻ trung của nhóm các startup, freelancer, từ đó khơi dậy tinh thần lao động hăng say và tăng cường năng suất lao động.
Hình 2. Mô hình Coworking space của công ty Samsung tại WeWork (https://www.facebook.com/WeWorkKorea)
Cơ sở vật chất chỉ là phần xác, còn phần hồn của một coworking space là cần thời gian và công sức để xây dựng được cộng đồng, điểm phân biệt sức hút của mô hình này với mô hình khác. Những người quản lý, xây dựng và phát triển coworking space thường nắm rõ thông tin, kết nối thành viên khi nhận thấy khả năng hợp tác giữa họ qua các buổi sinh hoạt chung. Không gian tại các coworking space cũng thường được bố trí để các thành viên tương tác với nhau một cách tự nhiên, tổ chức những chương trình hội thảo, workshop để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm cho startup.
Thông qua cộng đồng các thành viên tới từ nhiều lĩnh vực, các công ty lớn và cả doanh nghiệp nước ngoài đã nhận ra coworking space là một nơi tuyệt vời để tiếp cận các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, rút ngắn khoảng cách gặp gỡ và nhanh chóng biến họ trở thành khách hàng của mình.
Một điều khó có thể phủ nhận là tính cộng đồng trong không gian làm việc hiện đại tác động rất lớn tới lợi ích của mỗi cá nhân. Sự sáng tạo, tính tương tác, cơ hội học hỏi, mở rộng mạng lưới quan hệ, tạo lập mối quan hệ là 5 điểm nổi bật và cách khai thác đúng cách và sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp sẽ nâng cao được vị thế của mình, lan tỏa tầm ảnh hưởng và mở rộng phạm vi hoạt động nhờ vào coworking space.
5. Mô hình Coworking space tại Bình Dương
Tại Bình Dương, hiện nay mô hình không gian dùng chung đang được triển khai tại Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, trong khuôn viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Không gian này mở cửa miễn phí cho cả sinh viên, startups và các doanh nghiệp mới thành lập.
Bên cạnh đó, Không gian dùng chung tại Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (số 28 Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi, Thủ Dầu Một) cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến đưa vào hoạt động vào nửa cuối năm 2019. Coworking space này không chỉ cung cấp không gian miễn phí mà còn cung cấp các dịch vụ, tiện ích kèm theo như việc sử dụng máy in, photocopy, máy scan, phòng họp, không gian thảo luận riêng tư cho toàn bộ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ các nhóm startup kết nối với mạng lưới các mentors, nhà đầu tư và quỹ đầu tư, phát triển sản phẩm thử nghiệm, hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm, đồng thời, các cá nhân và nhóm khởi nghiệp cũng sẽ được tham gia vào các chương trình đào tạo khởi nghiệp kiến thức căn bản và cần thiết cho startups trong quá trình phát triển.
Tài liệu tham khảo
http://www.deskmag.com/en/what-is-coworking-about-the-changing-labor-market-208
https://www.chargespot.com/workspaces/design-ideas-successful-coworking-space/
https://www.chargespot.com/workspaces/coworking-spaces/
https://herahub.com/
https://www.business-standard.com/article/economy-policy/co-working-spaces-to-grow-50-in-2017-says-jll-india-chief-117072000719_1.html
http://hanoihub.vn/1751/coworking-space-la-gi/
https://doanhnhansaigon.vn/bat-dong-san/thi-truong-coworking-space-viet-nam-truoc-buoc-phat-trien-moi-1087641.html
Nguyễn Thị Thu Hà
Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ