Kỹ thuật trồng rau trong mùa mưa
Trong mùa mưa diện tích trồng rau bị thu hẹp do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài gây ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh, nhất là đối với nhóm rau ăn lá. Bên cạnh đó, mùa mưa rau thường khó sản xuất, hay bị dập lá, năng suất thu hoạch rau thấp nên một số hộ không mở rộng diện tích trồng rau, dẫn đến giá thành rau các loại bị nâng giá khá cao, đôi khi số tiền bỏ ra mua rau xanh còn đắt hơn tiền mua các loại thực phẩm khác. Để trồng rau đạt hiệu quả trong mùa mưa, cần lưu ý các yếu tố sau:
Làm đất trước khi trồng rau
Trước tiên, người trồng cần chú ý chọn ruộng có địa hình cao ráo có khả năng tiêu thoát nước tốt. Nếu trồng nơi đất bằng phẳng thì nâng luống cho đất cao khoảng 20-25 cm, kết hợp với việc đào rãnh thoát nước mưa kịp thời. Xung quanh cần củng cố bờ bao vững chắc và trang bị máy bơm để phòng chống lại các trường hợp mưa lớn, gây ngập úng tạm thời. Đa số rau trồng có bộ rễ ăn sâu dưới đất từ 10-15 cm nên khi nước ngập sẽ làm thối nhũn bộ rễ rau.
Mô hình trồng rau tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương
Chọn loại rau trồng phù hợp với thời tiết
Vào mùa mưa sẽ ít ánh nắng mặt trời làm cho rau trồng sinh truởng kém do lá rau không quang hợp được, có thể trồng các loại rau ăn lá như rau cải… Vì thế nên chọn giống rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn mau thu hoạch. Đối với những loại rau: như cải bắp, khổ qua, dưa leo, ớt, đậu đũa, côve…biện pháp sử dụng màng phủ công nghiệp là giải pháp tối ưu. Đối với nhóm rau ăn lá thì nên trồng trong nhà lưới. Nhà lưới sẽ làm giảm tối đa tác hại của mưa rơi trực tiếp xuống bộ lá, không làm rách lá hoặc làm đất bắn lên gây rách và thủng lá. Giảm được sự truyền bệnh do xây xát. Sử dụng lưới màu trắng. Có thể che phủ lưới trên luống hoặc làm nhà lưới.
Bón phân
Vào mùa mưa cần lưu ý biện pháp phòng trị bệnh thối nhũn (do vi khuẩn gây ra) trên nhóm cây họ thập tự. Do đó, cần tăng cường phân bón hữu cơ hoai mục hay đã qua xử lý vi sinh để bón lót trong đất trồng rau, kết hợp với dùng vôi nông nghiệp để xử lý mầm bệnh trong đất và hạ phèn cho đất ngập nước.
Khi gặp mưa kéo dài, tạo điều kiện phát sinh nấm bệnh thì lá rau có nhiều đạm dễ bị hư nhũn vì vậy không nên dùng phân vô cơ có hàm lượng đạm cao như urê, SA… Tuy nhiên có thể dùng phân lân hay KNO3 bổ sung để giúp bộ rễ rau mau phát triển và tăng khả năng chống chịu cho rau trồng khi mưa nhiều.
Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Khi bắt đầu trồng cây con ra đất, cần che thêm lưới chắn nhằm hạn chế giọt nước mưa rơi trực tiếp làm dập lá rau non, nhất là đối với các loại rau ăn lá.
Khi chăm sóc tránh làm xây xát cây. Nhặt bỏ lá già, lá hư và tỉa đi những nhánh bị bệnh để cách ly nguồn bệnh lây lan. nhổ bỏ cây bệnh nặng rồi rắc vôi vào gốc. Phun ngừa bằng thuốc gốc đồng và kháng sinh: Kasugamycin, Streptomycin. Bệnh gỉ trắng trên rau muống cũng xuất hiện khi mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ phát sinh bệnh, lá sẽ bị vàng và rụng héo. Khi bệnh mới phát sinh sử dụng thuốc trừ nấm nhóm gốc đồng, Mancozeb, Anviul, Rovral, Polyram, Aliette, Metalaxyl. Đối với bệnh đốm lá, sương mai, thán thư trên dưa leo, khổ qua, cà chua, cà tím có thể sử dụng Aliette, Matalaxyl, Carbendazim, Topsin M, Mancozeb, gốc đồng…. kết hợp thêm thuốc trừ sâu sinh học để rau không bị sâu bệnh tấn công lúc mưa kéo dài. Ưu tiên phun thuốc phòng ngừa chứ khi rau bị nhiễm bệnh rất khó trị, chỉ còn cách là nhổ bỏ.
Lưu ý dùng lạm dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng hay phân bón lá cho rau khi mùa mưa sẽ làm dư hàm lượng nitrát khi thu hoạch. Khi dùng thuốc bảo vệ thực vật nhớ tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất và thời gian cách ly an toàn.
Trồng rau trong mùa mưa đòi hỏi công chăm sóc, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn vào mùa nắng, nhưng năng suất thu hoạch rau cũng bị giảm nhiều, vì thế giá rau xanh mùa mưa lúc nào cũng cao hơn mùa nắng.
Mai Xuân (tổng hợp)