Mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu
Liên kết trong sản xuất và kinh doanh là xu hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới hiện nay. Trong sản xuất nông nghiệp, các hình thức liên kết, các mô hình sản xuất mới ra đời đã mở ra hướng đi, tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế thị trường.
Chính sách
Phát triển mô hình liên kết nông nghiệp qua tầm nhìn Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 với tầm nhìn và mục tiêu: Thuận thiên và phát triển bền vững. Các vấn đề cần quan tâm liên quan tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực và phát triển mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp là: Biến thách thức thành cơ hội và xem nước mặn là tài nguyên; quản lý tài nguyên nước là quan trọng ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội; phát triển bền vững dựa vào phát triển hài hòa đất nước và con người với 3 trụ cột là kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên thiên nhiên; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu thì cần thích ứng tài nguyên nước và tiềm năng thị trường, vì thế thứ tự ưu tiên phát triển thủy sản, kế đến là cây ăn quả và cuối cùng là lúa gạo; cần xem xét đầu tư “không hối tiếc” trong thích ứng biến đổi khí hậu và quy hoạch phải tuân thủ không gian tích hợp và liên ngành… Nguồn lực tham gia bao gồm nhà nước, xã hội và quóc tế với các chủ đề và cấp độ khác nhau.
Phát triển mô hình liên kết nông nghiệp qua Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017, phát triển nông nghiệp bền vững phải nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tăng nhanh đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm ngheefo bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải tăng GDP nông nghiệp khoảng 30%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 3,5%/năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp phải giảm còn 40% và 22% phải qua đào tạo. Thu thập cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 15.000 hợp tác xã và liên hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Hầu hết người dân nông thôn có nước sử dụng và hợp vệ sinh. Ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giải phí phát thải trong sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ phủ rừng đạt 42%. Vì thế phát triển mô hình liên kết nông nghiệp để thực hiện Quyết định này sẽ là nền tảng phát triển nông nghiệp – nông dân và nông thôn ứng phó biến đổi khí hậu.
Mô hình liên kết và thách thức
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp có các mô hình liên kết dọc và liên kết ngang. Điển hình cho các mô hình liên kết dọc trong mấy năm gần đây là mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín. Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên chính mảnh đất của họ. Trong mô hình liên kết ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau. Điển hình là mô hình các hợp tác xã, Tổ hợp tác kiểu mới.
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành hơn 400 văn bản đối với ba sản phẩm chủ lực của vùng: lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả. “Các chính sách thể hiện tầm nhìn chiến lược, góp phần làm tăng sản lượng và xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hạn chế của chính sách là nặng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; thiếu đánh giá, phản hồi dẫn đến tình trạng chồng chéo và chậm cải tiến; thiếu lồng ghép về chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và thiếu liên kết công cụ chính sách”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết.
Đối với ngành trồng trọt, các chính sách trong mô hình liên kết lúa gạo và trái cây còn nhiều thách thức: Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp, nông thôn còn yếu, chưa được người dân quan tâm dẫn đến việc sản xuất tự phát, manh mún; các chương trình, đề án, dự án phục vụ sản xuất có nhu cầu đầu tư vốn rất lớn trong khi đó nguồn vốn bố trí có giới hạn, mặt khác tính phối hợp lồng ghép giữa các chương trình, dự án cũng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ; việc tăng hệ số vòng quay sử dụng đất quá mức tại một số địa phương làm cho đất đai bị xói mòn dinh dưỡng; kết cấu hạ tầng trong nông thôn còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu sản xuất và đời sống; giao thông đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; việc cung ứng điện cho nông thôn tuy có khá hơn, nhưng chủ yếu mới chỉ phục vụ cho sinh hoạt, còn các mặt phục vụ cho sản xuất khác còn thấp; liên kết 4 nhà, liên kết cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là liên kết vùng còn rất hạn chế để giải quyết khó khăn và trở ngại trên.
Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều thách thức: Khó tạo dòng sản phẩm cạnh tranh thị trường và nâng cấp chuỗi, tại vì nông dân sử dụng giống rất đa dạng và việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức đã làm môi trường sản xuất bị ô nhiễm, chất lượng sản phẩm bấp bênh; năng lực doanh nghiệp cạnh tranh thị trường và nâng cấp chuỗi còn đối mặt nhiều khó khăn. Đồng thời chọn chuỗi tự do, dù hàng hóa chất lượng thấp và giá thấp, nhưng sẽ tăng lợi nhuận doanh nghiệp hơn là thực hiện chuỗi kính; vì các thách thức liên quan cách tiếp cận thị trường để phát triển chính sách, bối cảnh sản xuất nông nghiệp và nông dân, dẫn đến rất khó khăn để phát triển mô hình sản xuất mang tính bền vững và lâu dài cho các ngành hàng chủ lực vùng.
Mỹ Linh