Mô hình tủ nuôi trồng nấm dược liệu
Sau nhiều năm nghiên cứu về nuôi cấy nấm dược liệu, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương – GĐ TT Nghiên cứu thực nghiệm, Phó trưởng khoa Công nghệ sinh học Trường ĐHTDM, đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quí giá về quy trình sản xuất nấm dược liệu và đông trùng hạ thảo.
Đến nay, trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đã triển khai nhiều dự án sản xuất nấm dược liệu, đặc biệt là đông trùng hạ thảo; cũng như ứng dụng để sản xuất một số sản phẩm thương mại có giá trị kinh tế cao. Một trong những dự án mới nhất của TS Nguyễn Thị Liên Thương và cộng sự là mô hình tủ nuôi cấy nấm dược liệu hộ gia đình. Đây là mô hình duy nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam, nuôi trồng nấm dược liệu và đông trùng hạ thảo với qui mô nhỏ.
Nấm dược liệu như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo trước khi được nghiên cứu và nuôi trồng thành công trong môi trường nhân tạo, đều là các loài nấm tự nhiên mọc ở độ cao hơn mực nước biển. Đặc biệt, đông trùng hạ thảo trong tự nhiên ký sinh trên thân ấu trùng, ở nhiệt độ dưới 20oC. Trong môi trường nhân tạo, đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển tốt đòi hỏi qui trình nuôi cấy, chăm sóc phải đạt các tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… tương ứng với điều kiện tự nhiên. Hiện nay, công nghệ nuôi trồng sản xuất đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo được đánh giá rất có tiềm năng. Việc tự sản xuất nuôi cấy đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt hoàn toàn có thể thực hiện một cách dễ dàng. Chi phí đầu tư cho công nghệ nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo không quá lớn. Nguồn nguyên liệu sử dụng quá trình nuôi cấy cũng có sẵn và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, người nuôi có thể yên tâm thu được sản phẩm có chất lượng tốt, ổn định. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng có thể tiếp cận công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo, bởi ngoài sự hiểu biết về vi sinh vật, côn trùng học thì điều kiện cơ bản nhất và không thể thiếu là nhà xưởng. Thế nên, nuôi trồng nấm dược liệu trong một không gian hẹp là một ý tưởng rất mới, có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Theo TS Nguyễn Thị Liên Thường: “hiện nay nhiều hộ gia đình có nhu cầu sử dụng đông trùng hạ thảo thường xuyên, nhưng không có nhiều kinh phí để đầu tư cho vùng nuôi trồng lớn. Bên cạnh đó, giá bán đông trùng hạ thảo còn cao, chưa phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Vì vậy, chúng tôi nghĩ đến việc làm những dạng tủ vi khí hậu có kích thước vừa và nhỏ, đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng qui mô hộ gia đình. Ngoài nấm đông trùng hạ thảo, thì tủ có thể nuôi được rất nhiều loại nấm dược liệu khác như: hầu thủ, linh chi…Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của trường ĐH Thủ Dầu Một, trong việc sử dụng những công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng”.
Tủ nuôi cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo có kích thước nhỏ gọn, có thể nuôi từ 40 - 60 hũ nấm. Với tủ nuôi như thế này, người đầu tư chỉ cần mua meo giống về, đặt trong tủ và cài đặt chế độ hoạt động. Sau 45- 60 ngày là có thể thu hoạch. Tủ được thiết kế theo mô phỏng từ mô hình tủ ấm dùng để ủ cấy meo nấm của một số nước như Hàn Quốc, Trung quốc. Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định đây là sản phẩm 100% Việt Nam cả về ý tưởng, cho đến hoàn thiện sản phẩm. Khác với những mô hình trên thị trường hiện tại chỉ kiểm soát điều kiện, nhiệt độ, độ ẩm theo thời gian, theo thông số cài đặt sẵn; thì tủ này sử dụng công nghệ cảm biến để điều khiển phù hợp. Người nuôi có thể điều chỉnh theo nhu cầu thích hợp cho các loại nấm trồng. Tủ được cấu tạo từ vật liệu kính bảo ôn. Hệ thống bao gồm bộ làm lạnh, bộ tạo hơi nước, sử dụng công nghệ sò nóng lạnh để làm lạnh không khí. Theo đó, ngăn chứa nước phun sương sẽ dẫn nước từ nước cấp trực tiếp qua bộ lọc vào các khoang chứa nước. Sau đó, nhờ động cơ hơi nước tạo nên hơi sương với độ sạch tương đối tạo điều kiện phù hợp về độ ẩm cho nấm. Bên cạnh đó, tủ thiết kế phần bảo ôn, giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ. Công nghệ cảm biến giúp điều khiển nhiệt độ và độ ẩm. Khi đạt đủ điều kiện thì các thiết bị tự động sẽ ngắt, giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình trong thời gian nuôi lâu dài.
Kỹ sư Nguyễn Duy Khánh, một trong nhóm tác giả của mô hình tủ nuôi cấy nấm dược liệu cho biết, dự án thực hiện hơn nửa năm mới hoàn thiện qui trình chuẩn, bởi phải thay đổi rất nhiều thông số từ nhiệt độ, ánh sáng đèn, cho tới độ ẩm, xử lý nguồn nước. Đặc biệt, với hệ thống xử lý UV thì dù người dân sống nơi có nguồn nước không sạch cũng vẫn có thể yên tâm đầu tư mô hình này. Tủ rất dễ sử dụng, bởi được cài đặt lập trình sẵn tất cả các chế độ về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, độ chuẩn pH nước. Với mỗi loại nấm dược liệu trồng sẽ có một chế độ lập trình phù hợp với qui trình nuôi trồng nấm đó. Theo tính toán ban đầu thì tùy theo kích thước, độ bền, mức độ tự động hóa, tủ sẽ có giá dao động từ 10 – 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đã thương mại hóa, sản xuất đại trà thì giá thành sẽ thấp hơn rất nhiều. Bởi vậy, nhóm hy vọng sẽ có thể triển khai tạo ra một sản phẩm thực tế, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Song song đó, hộ gia đình, người dân muốn nuôi trồng nấm đông trùnh hạ thảo, nấm linh chi, bào ngư sẽ được cung cấp phôi nấm, tư vấn, hướng dẫn qui trình sản xuất nấm.
Hiện tại, mô hình tủ cấy có thể áp dụng tại gia đình, khách sạn với mục đích sản xuất số lượng nhỏ phục vụ cho nhu cầu gia đình, hoặc tại các khách sạn, nhà hàng có nhu cầu sử dụng nấm dược liệu để họ chế biến. Nhóm tác giả cũng đang tiếp tục phát triển hoàn mô hình với qui mô lớn hơn, từ vài trăm hũ nuôi trở lên nhưng vẫn thiết kế trong một tủ nuôi gọn nhẹ. Như vậy, sẽ đáp ứng đươc nhu cầu và giá thành sản xuất, đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi trồng sử dụng tủ để sản xuất.
Theo các chuyên gia, đông trùng hạ thảo được xem là một loại dược liệu quý, có nhiều công dụng giúp thải loại tế bào chết, tái tạo tế bào mới. Sử dụng đông trùng hạ thảo thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật, hỗ trợ chống ung thư. Đặc biệt, ứng dụng trong lĩnh vực làm đẹp, đông trùng hạ thảo giúp cân bằng nội tiết, chống lão hóa da, giảm nám, giúp da căng mịn, đàn hồi hơn và cải thiện chức năng sinh lý của cả hai giới, hỗ trợ điều trị hiếm muộn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất và nuôi cấy cho tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Đây sẽ là mô hình phù hợp với nông nghiệp đô thị, giúp người dân thành thị có thêm thu nhập trong một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Thu Huyền BTV