Một số chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển thương mại
Khoa học và công nghệ gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả ngành, lĩnh vực. Trong đó, khoa học và công nghệ cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển trong lĩnh vực thương mại của nước nước ta.
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nêu rõ chủ trương tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với việc quản lý hoạt động thương mại điện tử với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Quyết định 431/QĐ-TTg, để đảm bảo có cơ sở dữ liệu trong việc thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển số của doanh nghiệp là một trong những nhóm giải pháp nhằm phát triển thương mại điện tử. Trong đó, xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng các công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh; triển khai ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong quản lý, xây dựng các chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh; phát triển các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai; phát triển các hệ thống thông tin quy mô lớn cho từng ngành, có khả năng phân tích và tích hợp trên nền tảng dữ liệu lớn; xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy nhằm minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) năm 2020 cũng đã nhận định đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất. Xây dựng chiến lược chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển mới gắn với khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, công nghệ 5G.. .Thực hiện tốt các chính sách thu hút chất xám, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường.
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhận định chính sách hội nhập quốc tế là mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước. Hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài.
Một trong những nhiệm vụ giải pháp trong Chiến lược Phát triển thương mại trong mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 là thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao; thức đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào các hoạt động kinh doanh trên thị trường nội địa; thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng, tiện ích mới như truy xuất nguồn hàng, QR Code, Data Matrix, RFID tại các kênh phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Ưu tiên, bố trí thêm nguồn lực, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại trong nước và bắt kịp các xu thế mới trên thế giới; hỗ trợ phát triển mô hình nghiên cứu khoa học liên kết công tư; ứng dụng khoa học và công nghệ và thông tin hiện đại thúc đẩy phân phối xanh qua nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ hiện đại.
Gấm Lê