Một số nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 08 nhãn hiệu tập thể (NHTT) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm: NHTT “Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương”, NHTT “Bưởi Bạch Đằng - Tân Uyên”, NHTT “Gốm sứ Bình Dương”, NHTT “Măng cụt Lái Thiêu”, NHTT “Bánh tráng Danh Lễ Thanh An”, NHTT “Hiệp Lực Bình Dương”, NHTT “Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương” và NHTT “Hoa lan Đất Thủ”.
1. NHTT “Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương”
NHTT “Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương” là kết quả của Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Sơn mài Bình Dương cho sản phẩm sơn mài truyền thống của tỉnh Bình Dương” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện. Dự án đã góp phần xây dựng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sơn mài Bình Dương” cho sơn mài truyền thống của tỉnh Bình Dương, nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang NHTT, đảm bảo việc xúc tiến thương mại có hiệu quả. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương, khôi phục, bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị sản phẩm sơn mài truyền thống Bình Dương.
2. NHTT “Bưởi Bạch Đằng - Tân Uyên”
Xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là vùng trồng bưởi lâu đời và có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ. Diện tích cây bưởi cũng chiếm hầu hết diện tích cây lâu năm của Bạch Đằng. Với những đặc trưng thuận lợi về điều kiện tự nhiên của một xã cù lao nên bưởi Bạch Đằng phát triển tốt, chất lượng ngon. Hiện là loại cây chủ lực của xã, đã hình thành vùng trồng tập trung và được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh Bình Dương và miền Đông Nam bộ. Nhằm xây dựng thương hiệu bưởi Bạch Đằng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vì thế vào năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng huyện Tân Uyên”. Sau khi Bưởi Bạch Đằng có “thương hiệu” nhiều khách hàng đã tìm đến mua, đặt hàng lâu dài.
3. “Bánh tráng Danh Lễ Thanh An”
Chủ sở hữu: Hợp tác xã Bánh tráng Danh lễ Thanh An
Ngày nộp đơn: 14/6/2012
Số giấy chứng nhận: 209427
Cấp theo quyết định số: 40167/QĐ-SHTT ngày 24/7/2013
4. NHTT “Măng cụt Lái Thiêu”
Thương hiệu “trái cây Lái Thiêu” đã nổi tiếng từ lâu, là tài sản vô giá của bà con nông dân cả vùng Thuận An nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung. Nhằm bảo tồn, phát triển tài sản quý giá của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt cho các nhà khoa học thực hiện một số đề tài nhằm khôi phục vườn cây ăn trái ở huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An) trong đó có đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu huyện Thuận An tỉnh Bình Dương”. Sau thời gian đăng ký bảo hộ NHTT Măng cụt Lái Thiêu, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHTT cho chủ sở hữu là Hội Nông dân thị xã Thuận An. Tổng số hội viên đăng ký sử dụng NHTT Măng cụt Lái Thiêu là 36 thành viên.
5. NHTT “Gốm sứ Bình Dương”
Bình Dương khá nổi tiếng với nhiều làng nghề, đặc biệt là các làng nghề sản xuất gốm sứ như: Chánh Nghĩa, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh… được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng và ngày càng khẳng định đẳng cấp thương hiệu gốm sứ tại Việt Nam
Ngày 05/01/2015, NHTT “Gốm sứ Bình Dương” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHTT (số: 238192), chủ sở hữu là Hiệp hội gốm sứ Bình Dương. Sản phẩm gốm sứ của Bình Dương hiện nay rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại, vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa mang phong cách hiện đại. Các hình ảnh khắc họa trên sản phẩm đều thể hiện sự gần gũi mộc mạc và bình dị như: Lũy tre làng, cánh cò quê hương, cậu bé chăn trâu thổi sáo… hay những xóm làng Bắc Bộ, vùng sông nước miền Tây, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước… Những hình ảnh ấy làm xao động bất cứ ai là người Việt Nam, nhất là người Việt Nam xa quê luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.
6. NHTT “Hiệp Lực Bình Dương”
Chủ sở hữu: HTX Chăn nuôi Hiệp Lực Bình Dương
Sản phẩm thịt heo tươi
Ngày nộp đơn: 10/7/2012
Số giấy chứng nhận: 215248
Cấp theo quyết định số: 64060/QĐ-SHTT ngày 18/11/2013
7. NHTT “Hoa lan Đất Thủ”
Ở các vùng đô thị và ven đô trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trồng hoa lan hiện đang được nhiều người dân lựa chọn. Xác định đây là mô hình sản xuất phù hợp với nông nghiệp đô thị, Câu lạc bộ (CLB) trang trại Hoa lan Bình Dương (phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) đã hình thành và quy tụ nhiều hội viên tham gia.
Nhằm xây dựng, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu Hoa lan Đất Thủ, vào ngày 3 tháng 4 năm 2015 Câu lạc bộ Hoa lan Bình Dương đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT) Hoa lan Đất Thủ. Đến nay, nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Sau gần 05 năm hoạt động, từ số lượng ban đầu chỉ 28 hội viên tham gia, đến nay CLB trang trại hoa lan Bình Dương đã có 87 hội viên, được tổ chức thành 07 tổ theo từng địa bàn khu vực. Hiện nay, CLB trồng được khoảng 6 ha hoa lan, gồm các loại lan như môkara, dedrobium, hồ điệp, một số loại lan rừng…
8. NHTT “Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương”
Chủ sở hữu: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương
Ngày nộp đơn: 19/6/2013
Số giấy chứng nhận: 258984
Cấp theo quyết định số: 12170/QĐ-SHTT ngày 03/3/2016
Minh Đức (Phòng Quản lý chuyên ngành)