Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.
Do những thay đổi mang tính cách mạng về KHCN dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Chỉ thị số 16) đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ đến năm 2020. Điển hình một số nhiệm vụ của bộ, ngành triên khai như:
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành triển khai quyết liệt, đặc biệt là tầm quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông với vấn đề Internet và kết nối đang được xem là cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng trình Bộ KHCN phê duyệt và triển khai Chương trình tăng cường năng lực hạ tầng chất lượng quốc gia nhằm tiếp cận cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4.
Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4246/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động ngành Công Thương triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nội dung: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế; hỗ trợ doanh ngiệp tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương phục vụ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động là 60 tỷ đồng.
Với Bộ Giao thông và Vận tải, để chủ động và tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành giao thông vận tải đã triển khai Đề án nâng cao năng lực của ngành Giao thông vận tải để chủ động tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với định hướng cho các đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải và các chủ thể liên quan đến hoạt động của ngành chủ động nắm bắt xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thế giới liên quan đến lĩnh vực GTVT.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho một cuộc cách mạng mới, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Bộ Ngành, EVN đã bắt tay vào thực hiện tiếp cận công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tới nay Tập đoàn đã hoàn thành và phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. EVN cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tại EVN và các đơn vị. Đề án của EVN đã được gửi báo cáo các cơ quan, Bộ Ngành và nhận được sự đánh giá cao về nội dung và tinh thần sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Tập đoàn" (dantri.com.vn, 25/12/2018)…
Có thể nói, với những chính sách và hoạt động thiết thực của các cấp các ngành, chắc chắn trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngọc Trang