Nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Trong nền kinh tế tri thức, kết cấu giá trị của sản phẩm, dịch vụ có sự thay đổi cơ bản - hàm lượng vật chất ngày càng giảm và ngược lại hàm lượng trí tuệ không ngừng tăng lên. Trong thời đại 4.0 ngày nay, sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Góp phần vào hoạt động này, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, điển hình như: Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do TS. Tạ Quang Minh, Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ thực hiện; Nghiên cứu đề xuất giải pháp kết nối và khai thác hiệu quả thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nhu cầu người dùng tin của Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế chương trình quản lý và tra cứu cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ của KS. Nguyễn Hữu Cường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La thực hiện; Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý sáng kiến, giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp thành phố Đà Nẵng do KS. Nguyễn Hoài Thu, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng thực hiện…
Các công trình nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề về sở hữu công nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng khai thác, ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ hiệu quả, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí như: Kết nối và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp; tạo Mạng lưới kết nối cung - cầu thông tin sở hữu công nghiệp giữa cục sở hữu trí tuệ và các trường đại học/Viện nghiên cứu, qua đó giúp tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học/viện nghiên cứu tham gia vào mạng lưới; Bên cạnh đó, đồng bộ, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp ở nước ta.
Ngoài ra, để ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác nguồn thông tin sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước hiệu quả, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vào năm 2007, được Chính phủ Nhật Bản tài trợ, liên doanh Tinh Vân - NCS đã phối hợp triển khai, phát triển hệ thống IPFile thuộc Dự án “Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”. IPFile gồm hai phần mềm E-filing (phần mềm tạo đơn điện tử) và E-Receiving (phần mềm nhận đơn điện tử). Phần mềm E-Filing do Tinh Vân phát triển cung ứng cho người dùng (các công ty tư vấn sở hữu trí tuệ) một công cụ tin học giúp việc tạo, đóng gói và lưu trữ đơn điện tử được tiện lợi, hiệu quả và bảo mật. Phần mềm E- Filing hỗ trợ phương thức chuyển đơn điện tử từ hệ thống của người dùng lên Cục Sở hữu trí tuệ qua mạng trực tuyến cũng như sử dụng các vật mang tin trung gian như CD, thẻ nhớ hay đĩa mềm.
Và mới đây, theo thông tin từ ipvietnam, vào tháng 10/2019 Cục Sở hữu Trí tuệ phối hợp Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản tổ chức “Hội thảo thường niên khu vực ASEAN về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” tại Đà Nẵng. Hội thảo đã đề cập đến một số nội dung như: Cập nhật những bước phát triển về công nghệ thông tin của các nước ASEAN; cập nhật về phần nhận và xử lý đơn đăng ký Nhãn hiệu quốc tế trong thệ thống WIPO Madrid; giới thiệu về các dự án số hóa dữ liệu của WIPO; WIPO FILE - nộp đơn trực tuyến qua hệ thống nhận đơn của WIPO, khả năng tích hợp WIPO FILE với hệ thống tính phí của từng nước; kế hoạch phát triển và nâng cấp của WIPO FILE.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn chia sẻ và thảo luận về các phân hệ của Công nghệ thông tin do WIPO phát triển; kế hoạch hỗ trợ phát triển của hệ thống WIPO cho từng nước ASEAN, giới thiệu hệ thống Công nghệ thông tin của Cơ quan sáng chế Nhật Bản; trình bày về phiên bản mới của WIPO IPAS 4.0. Đại biểu từ các nước ASEAN đã trình bày Báo cáo về hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Hệ thống ASEAN Patentscope (APS) của từng nước khác nhau.
Có thể nói, với bước tiến công nghệ của nước ta trong thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói riêng và các nói lĩnh vực khác nói chung sẽ ngày một nhiều hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển mọi thành phần kinh tế trong công cuộc cách mạng công nghệ ngày nay.
Trần Phước