Nghiên cứu chế tạo mô hình lắng phục vụ trong phòng thí nghiệm
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để xử lý nước thải, mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm khác nhau tùy vào từng loại nước thải và thành phần của nó mà lựa chọn phương pháp xử lý thích hợp. Đề tài này thực hiện nhằm mục đích phục vụ giảng dạy và trong nghiên cứu khoa học thì vận hành mô hình mô lắng để tăng hiệu quả xử lý nước thải rỉ rác và dệt nhuộm.
Đây là đề tài do Thạc sĩ Đào Minh Trung, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện. Đề tài nghiên cứu tổng quan về công nghệ xử lý nước thải: Công nghệ xử lý lý học giới thiệu về bể lắng đứng, bể lắng ngang, bể lắng ly tâm; công nghệ xử lý hóa học có phương pháp trung hòa, phương pháp oxy hóa khử; công nghệ xử lý sinh học có công nghệ sinh học hiếu khí, khái quát quá trình xử lý sinh học kị khí, các phản ứng sinh hóa của quá trình yếm khí; tổng quan phương pháp hóa lý như trung hòa nước thải, phương pháp tuyển nổi, phương pháp hấp phụ, phương pháp trao đổi ion, phương pháp keo tụ tạo bông.
Trong phương pháp lắng - mô hình lắng, đề tài đã nghiên cứu về cơ chế quá trình lắng, tổng quan mô hình lắng trong và ngoài nước, cấu tạo mô hình lắng ly tâm, nguyên lý làm việc, ưu nhược điểm của mô hình lắng ly tâm. Lắng ly tâm là một phương pháp tách các chất, sử dụng lực ly tâm để tạo sự lắng gia tốc các hạt của một hỗn hợp rắn lỏng. Trong bể ly tâm tạo thành hai pha chính phân biệt: Chất tầng cặn ly tâm, nói chung không có cấu trúc đồng nhất. Thực tế, có sự phân loại giữa các hạt, hạt có tỷ trọng lớn (nằm ở đáy của lớp cặn được giữ lại và các hạt nhẹ hơn theo hữu cơ nằm trên mặt); chất lỏng nằm ở trên lớp cặn lắng ly tâm gọi là sản phẩm nổi đã ly tâm thường hợp thành một pha duy đã lọc trong. Tuy nhiên nó có thể có hai hay nhiều pha nếu chất lỏng gồm các phần tử có tỷ trọng khác nhau…
Kết quả cho thấy, công nghệ xử lý công nghiệp, nước thải rỉ rác với bùn lắng sau khi cho qua bể lắng ly tâm với các thông số đầu vào pH=7,83; SS (mg/l)=272; COD (mgO2/l)=1842; P tổng (mg/l)=15,2; N tổng (mg/l) = 24,5; BOD5 (mgO2/l)=1200. Kết quả xử lý sau thời gian lắng 8h ta được hiệu quả xử lý SS đạt 72,1%; tổng photpho đạt 57%; tổng Nitơ đạt 54%; COD đạt 57%; BOD5 đạt 57%. Với nước thải dệt nhuộm có thông số đầu: SS = 162mg/l; COD = 800mg/l; N=36mg/l; P=15mg/l. Sau xử lý cho thấy hiệu quả SS sau 8h đạt 90,7; tổng Nitơ đạt 67%; tổng photpho đạt 60% và COD đạt 60%.
Với việc ứng dụng mô hình lắng vào xử lý nước thải sau công đoạn hóa lý cho kết quả xử lý đạt hiệu quả cao với cả nước thải rỉ rác và dệt nhuộm. Từ đó có thể thấy với từng loại nước thải cần phải khảo sát các thông số vận hành trước khi ứng dụng vào thực tế.
Nguyễn Nhi