Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn dòng chảy thủy văn đô thị phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và chống nhập vùng ven sông Sài Gòn - tỉnh Bình Dương
Đưa ra được các luận cứ khoa học và thực tiễn dòng chảy đô thị làm cơ sở cho các giải pháp phòng chống ngập đô thị vùng ven sông Sài Gòn - tỉnh Bình Dương có quy mô 20.000 ha
I. Đặt vấn đề:
Trong những năm gần đây, khu vực đô thị vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đã xảy ra tình trạng ngập nghiêm trọng. Đặc biệt là thành phố Hồ chí Minh, thị xã Thủ Dầu Một, các thị trấn vùng ven sông Sài Gòn… gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị trên quy mô lớn, bao gồm các khu công nghiệp và khu định cư với mật độ dân số cao, đã tạo nên nhiều vấn đề trong môi trường đô thị cần phải giải quyết, trong đó có tình hình ngập và thoát nước đô thị cũng mang tính phức tạp, liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng khu vực. Do đó, đòi hỏi nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, bao gồm cả ngành khí tượng thủy văn - hướng tới giải quyết các vấn đề từ thực tiễn.
Với những nhu cầu trên, vấn đề nghiên cứu thủy văn đô thị và áp dụng vào điều kiện cụ thể là yêu cầu rất lớn và bức xúc đối với vùng ven sông Sài Gòn và các đô thị phía Nam hiện nay. Trong đó, các yếu tố thiên nhiên mang tính đặc thù có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành dòng chảy thủy văn đô thị.
II. Kết quả nghiên cứu
Nhóm tác giả đã tiến hành tiếp cận, nghiên cứu, điều tra, khảo sát địa hình, khí hậu, dòng chảy trên bề mặt và sông - rạch, thủy triều, sử dụng đất, tác động của con người, phương thức quản lý hệ thống thoát nước tại Bình Dương và phân tích, phân loại và định lượng ảnh hưởng của mưa, triều, lũ thượng nguồn… với sự ứng dụng các mô hình tính toán trong mô phỏng và GIS.
Vùng ven sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương có diện tích 20.000 ha đang hình thành các cụm đô thị lớn như Tp. Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, một phần của thị xã Dĩ An và Tp. Mới Bình Dương. Khu vực này chiếm 7.4% diện tích của tỉnh và 24% diện tích vùng phía Nam của tỉnh; đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Với dân số dự kiến trên 1,2 triệu người.
Theo kết quả của đề tài, tỉnh Bình Dương hiện có một hệ thống với nhiều dòng chảy trên bề mặt và sông - rạch. Trong đó, có một hệ thống các nhánh sông lớn chảy qua như: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông La Ngà, đồng thời còn có hệ thống sông - rạch khác: Rạch Vĩnh Bình, rạch Lái Thiêu, sông Búng, sông Bà Lụa - Suối Cái… và các hồ chứa: Hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và công trình hồ Phước Hòa. Ngoài ra, còn có hệ thống thoát nước đô thị: Rạch Thầy, rạch Thủ Ngữ, kênh Lái Thiêu… Trên cơ sở phân tích về hệ thống thoát nước trên, tình hình ngập đô thị vùng ven sông Sài Gòn trên địa bàn ngày càng gia tăng, ví dụ: Địa phận xã Phú An thuộc huyện Bến Cát, khu vực từ rạch Ba Ruông đến suối Cang mức ngập là 1,2m vào tháng 10 và tháng 11, mặc dù khu vực dọc sông Thị Tính không bị ngập do có đê bao, nhưng khi trời mưa nhiều, triều cường và xả lũ Hồ Dầu Tiếng vẫn bị ngập; địa phận xã Tân An thuộc thành phố Thủ Dầu Một, địa phận ven sông Sài Gòn khu vực ngoài đê ngập 1m vào tháng 9 và tháng 10, trong đê ngập 20 - 30cm thời gian từ 2 - 3 giờ; thị trấn Thuận An, các khu vực khu phố Hòa Long, Bình Đức và Long Thới ngập từ 0,2 - 0,8m vào các tháng mùa mưa do mưa triều cường;… Tóm lại, đối với vùng đô thị, mức ngập từ 0,2 - 0,3m, có nơi lên đến 0,8m, kéo dài khoảng từ 1 - 4 giờ. Các vùng chưa có hệ thống thoát nước thường kéo dài nhiều ngày. Đối với vùng sản xuất nông nghiệp mức ngập từ 0,3 - 1,5m. Tình hình ngập trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt và môi trường trên địa bàn.
Yếu tố tác động như mưa, triều lũ và tổ hợp tác động
Tình hình ngập ở vùng ven sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương chịu tác động bởi hai yếu tố từ thiên nhiên là mưa cường độ cao và thời kỳ triều cường. Đặc điểm mưa gây ngập đô thị được thể hiện qua những trận mưa rào nhiệt đới đến nhanh kết thúc nhanh, có tâm mưa thay đổi tùy theo từng trận mưa. Đây là hai nguyên nhân gây nên tình hình ngập khá phức tạp ở khu vực đô thị. Do sự biến động của khí hậu và những tác động vào mặt đệm, làm cho việc tính toán trong công tác tiêu thoát nước đô thị ở Vùng ven sông Sài Gòn - tỉnh Bình Dương ngày càng phức tạp hơn.
Mùa lũ thượng nguồn kéo dài từ tháng 8 - 10 hàng năm và kéo dài nhiều ngày. Việc ảnh hưởng của dòng chảy lũ thượng lưu đến mực nước đỉnh hàng ngày ở hạ du vào mùa triều cường cũng không lớn (ngay cả những năm có lũ lớn). Tuy nhiên, điều này lại làm cho chân triều dâng cao, đặc biệt là acsc trạm về phía thượng nguồn.
Đối với tổ hợp tác động mưa, triều lũ và biến đổi khí hậu: có mức độ tăng giảm lượng mưa tùy từng khu vực; có mức tăng xấp xỉ so với khu vực Nam Bộ. Cụ thể, mức tăng giai đoạn 1997 - 2007 là gần 80mm, so với tổng lượng mưa trung bình năm của khu vực là từ 1500 đến 1950 mm thì không lớn, nhưng sự phân bố theo thời gian trong năm thì lại có sự thay đổi đáng kể.
III. Kết luận
Đề tài đã tổng hợp, tính toán và phân tích được các yếu tố tự nhiên như mưa, lũ và triều cường làm ngập úng trên địa bàn, những luận cứ có khoa học để đề ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ ngập úng hỗ trợ hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế hạ tầng cơ sở của tỉnh, góp phần phát triển bền vững vùng ven sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương trước nguy cơ ngập đô thị trong tình hình thực tế và trong tương lai.
Thanh Nhàn