Nghiên cứu tỷ lệ và đặc điểm hình ảnh thoát vị đĩa đệm và cột sống thắt lưng trên cộng hưởng từ
Phạm Thị Mỹ Trinh, Phạm Anh Vũ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Tóm tắt
Mở đầu: Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng (CSTL) là bệnh liên quan đến thoái hoá rất thường gặp trong độ tuổi lao động, gây đau, ảnh hưởng đến sức khoẻ và giảm khả năng làm việc của bệnh nhân. Hiện nay, cộng hưởng từ (CHT) là phương tiện hình ảnh học an toàn, không xâm lấn, có khả năng phát hiện và đánh giá tốt nhất những đặc điểm của bệnh lí TVĐĐ. Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với dân số trong độ tuổi lao động rất cao nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ TVĐĐ CSTL trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và đánh giá những đặc điểm hình ảnh học của TVĐĐ CSTL trên CHT.
Mục đích: Nghiên cứu tỷ lệ và đặc điểm hình ảnh TVĐĐ trên hình ảnh CHT CSTL.
Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên phim CHT của 145 bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm trong số 341 bệnh nhân đến khám hoặc điều trị nội trú và được chụp phim CHT CSTL lần đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019.
Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân có TVĐĐ trên phim CHT CSTL tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là 42,5%. Bệnh thường gặp ở nam (53,8%) nhiều hơn nữ (46,2%). Nhóm trong độ tuổi lao động từ 30 đến 59 tuổi mắc nhiều nhất (70,4%). Vị trí TVĐĐ CSTL hay gặp nhất là tầng L4-L5 và L5-S1 (69,8%), vị trí ít gặp nhất là tầng L1-L2 (5,8%). Dạng TVĐĐ ra sau trung tâm và cạnh trung tâm chiếm tỷ lệ cao nhất (68,0%). Thể thoát vị thường gặp nhất trên hình ảnh CHT CSTL là TVĐĐ nền hẹp chiếm 89,0%, TVĐĐ nền rộng chiếm 10,5% và có 1 trường hợp TVĐĐ mảnh rời chiếm 0,5%. Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống mức độ nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất: 42,0%, mức độ vừa chiếm 40,0%, mức độ nặng và rất nặng chiếm tỷ lệ ít hơn lần lượt là 12,0% và 6,0%. Các mức độ chèn ép rễ thần kinh: không chèn ép, chạm, đẩy và ép rễ thần kinh chiếm tỷ lệ lần lượt là 38,5%; 20,5%; 11,0% và 30,0%.
Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân có TVĐĐ CSTL trên hình ảnh CHT trong số những bệnh nhân đau lưng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là 42,5%. Tầng thoát vị hay gặp nhất là tầng L4-5 và L5-S1, dạng và thể thoát vị hay gặp là TVĐĐ ra sau trung tâm, cạnh trung tâm và thoát vị nền hẹp. Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống mức độ nhẹ và chưa chèn ép rễ thần kinh chiếm tỷ lệ cao nhất.
Từ khóa: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, cộng hưởng từ.
THE INCIDENCE AND IMAGING FEATURES OF LUMBAR DISC HERIATION
ON MAGNETIC RESORNANCE IMAGING
ABSTRACT
Background: Lumbar spine disc herniation (LSDH) is a degenerative disease common in working age, causing pain, affecting health and reducing the ability of patients to work. Magnetic resonance imaging (MRI) is the most safe, noninvasive diagnostic modality and is able to best detect and evaluate the characteristics of LSDH. Binh Duong is an industrially developed province with a very high working age population, so we make this study to determine the LSDH rate among patients examined and treated in Binh Duong General Hospital (BDGH) and to evaluate the imaging features of the LSDH on MRI.
Objective: Determine the incidence and imaging features of LSDH on MRI.
Methods: A cross-sectional study on MRI of 145 patients with LSDH in 341 patients who came for examination or treatment and were first lumbar spine MRI done at BDGH from June 2019 to August 2019.
Results: The percentage of patients with LSDH on MRI at Binh Duong General Hospital is 42,5%. The disease is more common in men (53,8%) than in women (46,2%). The group of working age from 30 to 59 years old has the highest rate (70,4%). The most common herniation levels are L4-L5 and L5-S1 (69,8%), the least common level is L1-L2 (5,8%). Paracentral and central LSDH account for the highest proportion (68,0%). The most common type of hernia on MRI is extrusion, which accounts for 89,0%, protrusion account for 10,5%, and has 1 case of sequestration, accounting for 0,5%. LSDH that causes mild spinal stenosis accounts for the highest proportion: 42,0%, moderate level accounts for 40,0%, severe and very severe levels accounts for 12,0% and 6,0%. The grading of nerve root compression: no compress, contact, deviation and compression of lumbar nerve roots account for 38,5%; 20,5%; 11,0% and 30,0%.
Conclusion: The percentage of patients with lumbar disc herniation on the magnetic resonance image among back pain patients who have medical examination and treatment at Binh Duong General Hospital is 42,5%. The most common herniation level are L4-5 and L5-S1. Most cases of hernias are paracentral, central and extrusive. Mild spinal stenosis and no nerve roots compression are the most common complications of LSDH.
Keywords: Lumbar spine disc herniation, magnetic resornance imaging.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thoát vị đĩa đệm CSTL là tình trạng một phần hay toàn bộ nhân nhày của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường ở trung tâm của bao xơ, có thể chèn ép các rễ thần kinh dẫn đến triệu chứng đau lưng, lan dọc xuống dưới chân theo đường đi của rễ thần kinh chi phối [8]. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có tỷ lệ mắc cao: từ 1% đến 3% ở các nước Châu Âu và Mĩ [13]; còn ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Lan, tỷ lệ mắc TVĐĐ chiếm 0,65% dân số [3]. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 20 đến 50, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của bệnh nhân [12]. Do đó, phát hiện cũng như điều trị sớm bệnh nhân TVĐĐ CSTL mang lại nhiều lợi ích về đời sống cũng như kinh tế, nhất là người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là những tỉnh có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao như Bình Dương (75,6 % dân số), do đó chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu này.
Mục tiêu:
1. Nghiên cứu tỷ lệ bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trên phim cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
2. Đặc điểm hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu:
Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân đến khám hoặc điều trị và được chụp phim CHT CSTL lần đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, thời gian từ tháng 06 năm 2019 đến tháng 8 năm 2019.
Tiêu chuẩn lọai trừ: Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân đã từng được chẩn đoán, điều trị và chụp CHT CSTL. Bệnh nhân có chống chỉ định chụp CHT.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương tiện, dụng cụ nghiên cứu bao gồm bộ câu hỏi thu thập số liệu, phim CHT CSTL của bệnh nhân, máy vi tính và phần mềm xử lí số liệu.
- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.
- Cỡ mẫu: N=Z2 (1-α/2) p x (1 –p) / d2
Trong đó:
N là cỡ mẫu
Z (Hệ số tin cậy) với α=0,05 suy ra Z=1,96
p (Tỷ lệ bệnh ước lượng) = 0,4154 (Tỷ lệ bệnh TVĐĐ CSTL năm 2012 tại bộ môn – Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện 103 - Học viện Quân y) [4]
d (Sai số cho phép) = 0,05. Vậy ta chọn N = 330.
- Các bước tiến hành: Phỏng vấn thu thập các dữ liệu về thông tin chung gồm tuổi, giới tính. Sau khi bệnh nhân được chụp phim CHT CSTL bằng máy CHT 1,5 Tesla, trực tiếp đọc phim, xử lí số liệu và phân tích kết quả.
- Các biến số nghiên cứu:
Đặc điểm chung của bệnh nhân: tuổi, nhóm tuổi, giới tính.
Hình ảnh CHT TVĐĐ CSTL: Khảo sát hai hình ảnh T1W, T2W
Trên ảnh cắt đứng dọc: đánh giá vị trí TVĐĐ: TVĐĐ tầng L1-L2, L2-L3, L3-L4, L4-L5, L5-S1.
Trên ảnh cắt đứng dọc và trên ảnh cắt ngang: đánh giá TVĐĐ có gây hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh hay không; đánh giá vị trí TVĐĐ so với thân sống:
Dạng thoát vị
- Thoát vị ra trước: khối thoát vị hướng ra trước cột sống
- Thoát vị ra sau trung tâm chèn ép vào trung tâm mặt trước của ống sống. Thoát vị cạnh trung tâm hoặc thoát vị lệch bên (ngách bên)
- Thoát vị trong lỗ liên hợp
- Thoát vị ngoài lỗ liên hợp
- Thoát vị vào thân sống (Schmorl node)
Thể thoát vị:
- Thoát vị nền rộng: đường kính cổ thoát vị > đáy (Protrusion)
- Thoát vị nền hẹp: đường kính cổ thoát vị < đáy (Extrusion)
- Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời (Sequestration): khối thoát vị mất liên tục với đĩa đệm ban đầu.
Đánh giá mức độ hẹp ống sống: Dựa trên đường kính trước-sau của ống sống. Theo phân loại của Verbiest (1976) và Modic M.T (1999), hẹp ống sống chia ra làm 4 mức độ:
- Hẹp nhẹ: đường kính trước - sau ống sống từ 10 đến 12 mm
- Hẹp vừa: đường kính trước - sau ống sống từ 7 đến 9 mm
- Hẹp nặng: đường kính trước - sau ống sống từ 4 đến 6 mm
- Hẹp rất nặng: đường kính trước - sau ống sống dưới 4 mm [10].
Đánh giá mức độ chèn ép rễ thần kinh: theo phân độ của tác giả Christian W. A. Pfirrmann [14].
- Mức độ 0: Không ép rễ thần kinh
- Mức độ 1: Chạm rễ thần kinh
- Mức độ 2: Đẩy rễ thần kinh
- Mức độ 3: Ép rễ thần kinh.
- Xử lý số liệu: Các số liệu được tính theo phương pháp thống kê y học bằng chương trình phần mềm SPSS 18.0.
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019.
Địa điểm nghiên cứu: Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
KẾT QUẢ
Tỷ lệ bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trên hình ảnh cộng hưởng từ
Bảng 1: Tỷ lệ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trên hình ảnh cộng hưởng từ
Nhận xét: Tổng số bệnh nhân được chụp phim CHT CSTL là 341 bệnh nhân. Trong đó có 145 bệnh nhân có TVĐĐ CSTL trên hình ảnh CHT, chiếm tỷ lệ 42,5%.
Một số đặc điểm dân số xã hội của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bảng 2: Phân bố thoát vị đĩa đệm theo giới tính và nhóm tuổi
Nhận xét: Trong tổng số bệnh nhân có TVĐĐ CSTL, nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn với 53,8% và số bệnh nhân trong nhóm tuổi từ 30 đến 59 tuổi chiếm đa số: 102 bệnh nhân (70,4%).
Đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bảng 3: Phân bố thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng theo tầng thoát vị
Nhận xét: Tỷ lệ TVĐĐ ở tầng L4-5 cao nhất với 37,3%. Tầng L5-S1 chiếm tỷ lệ cao thứ hai với 32,5%. Ít gặp TVĐĐ ở tầng L1-2 nhất với 5,8%.
Bảng 4: Phân bố thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng theo vị trí thoát vị so với thân sống
Nhận xét: TVĐĐ ra sau trung tâm và cạnh trung tâm chiếm tỷ lệ cao nhất (40,2% và 27,8%). TVĐĐ ngoài lỗ liên hợp chiếm tỉ lệ thấp nhất (0,5%)
Bảng 5: Phân bố thoát vị đĩa đệm theo thể thoát vị
Nhận xét: Thoát vị nền hẹp hay gặp nhất chiếm tỷ lệ 89,0%, thoát vị có mảnh rời ít gặp nhất với tỷ lệ 0,5%.
Hình ảnh cộng hưởng từ mức độ hẹp ống sống và chèn ép rễ thần kinh
Bảng 6: Mức độ hẹp ống sống và mức độ chèn ép rễ thần kinh trên hình ảnh cộng hưởng từ
Nhận xét:
- Hẹp ống sống mức độ nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất (42,0%), mức độ rất nặng chiếm tỷ lệ thấp nhất (6,0%)
- Chèn ép rễ thần kinh độ 0 chiếm tỷ lệ cao nhất (38,5%), chèn ép rễ thần kinh độ 2 chiếm tỷ lệ thấp nhất (11,0%).
BÀN LUẬN
Tỷ lệ bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trên hình ảnh cộng hưởng từ
Trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019, chúng tôi thu thập được 341 bệnh nhân được chụp CHT CSTL. Trong đó có 145 bệnh nhân có TVĐĐ trên hình ảnh CHT CSTL, chiếm tỷ lệ 42,5%. Kết quả của chúng tôi cao hơn tỷ lệ bệnh trung bình trong 10 năm từ năm 2004 đến năm 2013 tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện 103 là 26,9% [4], vì nghiên cứu của chúng tôi có cả bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú. Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân TVĐĐ CSTL tăng lên rõ rệt sau mỗi 5 năm, cho thấy gánh nặng bệnh tật của bệnh lí này ngày càng tăng không chỉ ở nhiều nước trên thế giới mà còn đặt ra nhiều thách thức cho một nước đang phát triển như Việt Nam.
Một số đặc điểm dân số xã hội của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đặc điểm về giới tính của bệnh nhân TVĐĐ CSTL: tỷ lệ TVĐĐ CSTL ở nam (53,8%) cao hơn nữ (46,2%), với tỷ lệ nam:nữ là 1,16:1. Kết quả của chúng tôi tương đồng với nhiều tác giả như Phạm Ngọc Hải (nam chiếm 61,6%) [7], Đặng Ngọc Huy (nam chiếm 59,4%) [1]. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy bệnh TVĐĐ CSTL thường xảy ra ở nam giới hơn nữ giới.
Về lứa tuổi, nhóm tuổi mắc nhiều nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là nhóm trong độ tuổi lao động từ 30 đến 59 tuổi chiếm 70,4%. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Phạm Ngọc Hải: 30-60 tuổi chiếm 68,6% [6].
Đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về phân bố TVĐĐ theo tầng thoát vị: tỷ lệ TVĐĐ ở tầng L4-5 cao nhất với 37,3%; tầng L5-S1 cao thứ hai với 32,5%. Như vậy hai tầng thấp nhất của CSTL có tỷ lệ TVĐĐ cao nhất với 69,8%. Theo Đặng Ngọc Huy, vị trí hay gặp nhất là tầng L4-L5 chiếm 52,8%, tiếp đến là tầng L5-S1 chiếm 22,3% [1]. Theo Nguyễn Tuấn Dũng, TVĐĐ tại vị trí L4-L5 gặp nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 43,1%, vị trí L5-S1 chiếm tỷ lệ 41,78% [2]. Theo LaxmaiahManchikanti và cộng sự, 95% TVĐĐ xảy ra ở tầng thấp L4-5 và L5-S1. TVĐĐ ở các tầng cao thì thường gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi [11]. Chúng tôi cũng có gặp TVĐĐ ở các tầng cao L1-2, L2-3, L3-4 với tỷ lệ lần lượt là: 5,8%; 10,5% và 13,9%.
Nhằm đánh giá TVĐĐ trên toàn bộ cột sống thắt lưng: vị trí, hướng thoát vị, chúng tôi sử dụng kết hợp hình ảnh T2W cắt đứng dọc theo hướng sagittal và cắt ngang theo hướng axial. Trong nghiên cứu của chúng tôi, TVĐĐ ra sau trung tâm và cạnh trung tâm chiếm tỷ lệ cao nhất (68,0%).
Thoát vị vào trong lỗ liên hợp ít gặp nhưng có biểu hiện đau cấp tính và rầm rộ trên lâm sàng. Thoát vị trong lỗ liên hợp và ngoài lỗ liên hợp chiếm tỷ lệ 5-10% tất cả các trường hợp được phẫu thuật [1]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, dạng thoát vị trong lỗ liên hợp chiếm 11,0% và có 1 trường hợp thoát vị ngoài lỗ liên hợp chiếm 0,5%. Cho tới hiện nay, CHT vẫn là phương pháp tốt nhất để phát hiện và đánh giá loại thoát vị này tốt nhất so với các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, TVĐĐ ra trước gặp với tỷ lệ 2,4%, thoát vị vào thân sống chiếm 18,1%. Kết quả này cũng khá tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Mai Hương: TVĐĐ ra trước cũng ít gặp (chiếm 3,17%) và thoát vị vào thân sống chiếm 7,94% [5].
Trên hình ảnh CHT, TVĐĐ được chia thành 3 thể theo sự liên quan giữa khối thoát vị và đĩa đệm, gồm có: thoát vị nền rộng tương đương với thoát vị mà vòng sợi không rách hoàn toàn, thoát vị nền hẹp tương đương với thoát vị mà vòng sợi rách hoàn toàn; và thoát vị mảnh rời: mảnh rời có thể di chuyển lên trên hay xuống dưới, trước hoặc sau dây chằng dọc sau, vào ngách bên, lỗ gian đốt sống hoặc vào trong bao màng cứng.
Trong kết quả của chúng tôi, thoát vị nền hẹp là dạng thoát vị hay gặp nhất chiếm tỷ lệ 89,0%; thoát vị nền rộng gặp với tỷ lệ không cao (10,5%) và có 1 trường hợp thoát vị có mảnh rời (0,5%). Theo Đặng Ngọc Huy, thoát vị đĩa đệm xuyên vòng sợi tuy có tỷ lệ thấp hơn chúng tôi (74,28%) nhưng cũng là thể thoát vị chiếm tỷ lệ cao nhất, tỷ lệ thể thoát vị đĩa đệm rách vòng sợi không hoàn toàn và thoát vị mảnh rời cao hơn chúng tôi với 22,54% và 3,18% [1]. Sự khác biệt này giữa hai nghiên cứu có thể do cỡ mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi ít hơn của tác giả.
Hình ảnh cộng hưởng từ mức độ hẹp ống sống và chèn ép rễ thần kinh
Hẹp ống sống và chèn ép rễ thần kinh là một trong những biến chứng quan trọng của TVĐĐ CSTL. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong số những bệnh nhân có hẹp ống sống thì hẹp ống sống mức độ nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất: 42,0%; hẹp mức độ vừa chiếm 40,0%, mức độ nặng và rất nặng chiếm tỷ lệ ít hơn: 12,0% và 6,0%. Theo tác giả Trần Trung, mức độ hẹp ống sống chiếm tỷ lệ cao nhất và thấp nhất cũng là mức độ nhẹ (43,08%) và mức độ rất nặng (1,54%). Hẹp ống sống mức độ vừa trong nghiên cứu của tác giả thấp hơn chúng tôi (29,74%); còn tỷ lệ hẹp ống sống mức độ nặng thì cao hơn chúng tôi với 25,64% [9].
Chèn ép rễ thần kinh trong nghiên cứu của chúng tôi gặp mức độ 0 chiếm tỷ lệ cao nhất với 38,5%; mức độ 1 chiếm 20,5%; mức độ 2: ít gặp nhất với tỷ lệ 11,0%; và mức độ 3 chiếm tỷ lệ 30,0%.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 145 bệnh nhân đến khám hoặc nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019, được chụp phim CHT CSTL và có TVĐĐ, chúng tôi đi đến một số kết luận như sau:
Tỷ lệ bệnh nhân TVĐĐ CSTL trên hình ảnh CHT là 42,5%. Bệnh thường gặp ở nam (53,8%) cao hơn nữ (46,2%). Nhóm tuổi mắc nhiều là nhóm trong độ tuổi lao động từ 30 đến 59 tuổi chiếm 70,4%.
Vị trí TVĐĐ hay gặp nhất là hai tầng đĩa đệm CSTL thấp nhất: L4-L5 và L5-S1 (69,8%), vị trí ít gặp nhất là tầng L1-L2 (5,8%).
TVĐĐ ra sau trung tâm và cạnh trung tâm chiếm tỷ lệ cao nhất (68,0%).
Thể thoát vị thường gặp nhất là TVĐĐ nền hẹp (extrusion) chiếm 89,0%.
Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống mức độ nhẹ (42%) và không gây chèn ép rễ thần kinh (38,5%) là hay gặp nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Đặng Ngọc Huy. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, chụp cộng hưởng từ và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm lệch bên vùng thắt lưng – cùng. Luận án tiến sĩ Y học. 2010.
2. Nguyễn Tuấn Dũng. Đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ 1.5 Tesla của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại bệnh viện Bạch Mai. Luận văn tốt nghiệp. Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. 2016.
3. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hoàng Hoa Sơn, Nguyễn Thị Hoa. Tỷ lệ thoát vị đĩa đệm tại cộng đồng và các thể thoát vị đĩa đệm trên phim cộng hưởng từ, https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/201109/ti-le-thoat-vi-dia-dem-cot-song-that-lung-cao-hon-cot-song-co-2092885. 2011.
4. Nguyễn Văn Chương và cs. Nghiên cứu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại bộ môn – Khoa Nội Thần kinh bệnh viện 103- Học viện Quân y và Số liệu thu thập của 10 năm gần đây (2004-2013) với 4084 bệnh nhân, https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/nghien-cuu-thoat-vi-dia-dem-cot-song-lung. 2013.
5. Nguyễn Vũ. Nghiên cứu chẩn đoán và kết quả phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thắt lưng cùng. Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ y khoa. Đại học Y Hà Nội. 2004; tr. 41 – 56.
6. Phạm Ngọc Hải. 75 nghiên cứu điều trị ngoại khoa thoát vị đĩa đệm CSTL theo kĩ thuật can thiệp tối thiểu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Tạp chí Y học Thành Phố Hồ Chí Minh, tập 16- số 4 năm 2012. 2012.
7. Phạm Ngọc Hải. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cộng hưởng từ, kết quả phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Luận án Tiến sĩ Y học. 2008.
8. Phạm Tỵ. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phẫu thuật, Kỷ yếu Hội nghị Ngoại khoa Quốc gia Việt Nam lần thứ XII. 2003; tr221-223.
9. Trần Trung. Nghiên cứu giá trị của cộng hưởng từ trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Luận văn tiến sĩ Y học. 2008.
10. Vũ Hùng Liên. Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, Bệnh học ngoại khoa, NXB Quân đội nhân dân. 2003.
Tiếng Anh
11. LaxmaiahManchikanti et al. An Update of Comprehensive Evidence-Based Guidelines for Interventional Techniques in Chronic Spinal Pain. Part II: Guidance and Recommendations, Pain Physician. 2013; pp. S49-S283.
12. Luis Roberto Vialle EN, Suárez Henao JE, Gustavo Giraldo. Lumbar disc herniation, Rev Bras Ortop. 2015; pp. 17–22.
13. Merel Wassenaar, et al. Magnetic resonance imaging for diagnosing lumbar spinal pathology in adult patients with low back pain or sciatica: a diagnostic systematic review, Eur Spine J. 2011; 21(2) pp. 220–227.
14. Pfirrmann, C. W. A., et al. MR Image–based Grading of Lumbar Nerve Root Compromise due to Disk Herniation: Reliability Study with Surgical Correlation, Radiology. 2004; 230(2), pp. 583–588.